Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản: Lưu ý để tránh phạm luật! (Nghị định số: 39/2017/NĐ-CP ngày 04/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản, có hiệu lực từ ngày 20/5/2017)

Lượt xem: 93

(1). Trong Điều 6 quy định về “Nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi” chứa kháng sinh”, người sản xuất, người sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải thực hiện những quy định sau:

Không sử dụng kháng sinh trong thức ăn thủy sản. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích sinh trưởng cho gia súc, gia cầm phải có trong danh mục kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho gia súc, gia cầm non phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam và theo hóa đơn của bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y.

Việc sản xuất và sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải phù hợp với từng đối tượng vật nuôi, mục đích sử dụng, thời gian sử dụng đảm bảo không gây tồn dư kháng sinh vượt mức giới hạn cho phép trong sản phẩm chăn nuôi và không gây ảnh hưởng đến kháng kháng sinh trong điều trị bệnh của con người và vật nuôi. Chỉ được phép sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có bác sỹ thú y có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y. Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.

(2). Điều 7, Nghị định số 39/2017/NĐ-CP quy định để sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, thủy sản, tổ chức, cá nhân phải đáp ứng những điều kiện sau:

Địa điểm sản xuất, gia công phải nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi những yếu tố như chất thải, hóa chất độc hại, chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài. Đảm bảo yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị như: khu vực sản xuất được thiết kế và bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, có sự tách biệt giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra để tránh lây nhiễm chéo. Có dây chuyền sản xuất phù hợp với từng loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản; có kệ (pallet) để nguyên liệu và sản phẩm thành phẩm (trừ trường hợp nền kho, xưởng đã có giải pháp kỹ thuật đảm bảo thông thoáng, chống ẩm). Có kho bảo quản các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản cần có chế độ bảo quản riêng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Có thiết bị, dụng cụ đo lường để giám sát chất lượng, đảm bảo độ chính xác theo quy định của pháp luật về đo lường…

(3). Đối với tổ chức, cá nhân mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản, phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại nơi bày bán, kho chứa phải cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác.

Có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp.

Có giải pháp phòng chống chuột, chim và động vật gây hại khác.

(4). Cần nắm rõ nội hàm của thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam (Điều 12):

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam: là thức ăn chăn nuôi, thủy sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác nhận phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có), được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT.

Thời gian lưu hành của các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại Việt Nam là 05 năm kể từ ngày được xác nhận. Trước khi hết thời gian lưu hành 06 tháng tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện đăng ký tại Bộ NN&PTNT.

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau:

+ Phải công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng. Phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có).

+ Mỗi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản có một tiêu chuẩn chất lượng được công bố chỉ được đặt 01 tên thương mại tương ứng.

+ Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới: sau khi có quyết định công nhận thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới của Bộ NN&PTNT, nếu tổ chức cá nhân có nhu cầu lưu hành tại Việt Nam thì phải tiến hành thực hiện các quy định tại điểm a khoản 2 Điều này và được phép sử dụng các kết quả thử nghiệm trong hồ sơ công nhận thức ăn chăn nuôi mới cho hoạt động công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc công bố hợp quy.

Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản sản xuất để tiêu thụ nội bộ hoặc theo tập quán thì: không phải thực hiện đăng ký lưu hành tại Việt Nam, nhưng phải đáp ứng các quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Bộ NN&PTNT công bố sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán được lưu hành tại Việt Nam, trong đó đưa ra những quy định về mức chất lượng tối thiểu và các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (nếu có) để áp dụng trong sản xuất.

(5). Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị cấm lưu hành khi (khoản 9 Điều 12):

– Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản.

– Sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị phát hiện vi phạm liên tục 03 lần kiểm tra về chỉ tiêu chất lượng hoặc sau 02 lần kiểm tra về một chỉ tiêu an toàn.

– Khi có thông báo ngừng lưu hành sản phẩm của cơ sở đăng ký lưu hành.

(Bộ NN&PTNT ra thông báo bằng văn bản và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản ngừng lưu hành).