Tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y từ ngày 15/9/2017( Nghị định số: 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y)

Lượt xem: 111

Theo đó, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về phòng bệnh, chống dịch bệnh cho động vật; vi phạm quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; vi phạm quy định về kiểm soát giết mổ động vật trên cạn; sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; vi phạm quy định về quản lý thuốc thú y; vi phạm quy định về hành nghề thú y. Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, tổ chức, cá nhân phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực thú y là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật, trong đó:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 300.000đồng đối với hành vi không chấp hành lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chuẩn đoán bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Phạt tiền từ 500.000 đồngđến 1.000.000đồng đối với các hành vi sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; không báo cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện thuốc thú y gây hại cho động vật, môi trường và con người.

– Phạt phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho UBND cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y cấp xã khi phát hiện và biết động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000đồng đối với hành vi không báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y kết quả xét nghiệm xác định động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục động vật phải công bố dịch và Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: vận chuyển hoặc vứt gia súc, gia cầm mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng ra môi trường; buôn bán con giống mắc bệnh truyền nhiễm.

– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được cấp phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng; sử dụng nguyên liệu thuốc thú y; sử dụng nguyên liệu thuốc y tế hoặc thuốc y tế.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng bệnh cho động vật.

Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt với hành vi vi phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật. Cụ thể:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: khai báo không đúng số lượng, khối lượng động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật nhiễm bệnh phải tiêu hủy với mục đích trục lợi; khai báo không đúng số lượng, khối lượng vật tư, hóa chất để phòng, chống dịch bệnh động vật với mục đích trục lợi; cung cấp thông tin không chính xác về dịch bệnh động vật cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y hoặc nhân viên thú y cấp xã.

– Phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Tiêu hủy không đúng quy định hoặc không tiêu hủy động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc diện phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật; không chấp hành biện pháp xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, động vật có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm của động vật mang mầm bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

– Đối với hành vi vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố ra khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn, cụ thể như sau:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với các hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

– Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi: không tiêm phòng vắc xin bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

– Phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với các hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật.

– Phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, tẩy xóa, sửa chữa Giấy chứng nhận tiêm phòng cho động vật.

– Phạt từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi không chấp hành việc lấy mẫu giám sát định kỳ đối với một số bệnh truyền lây giữa động vật và người; gia súc giống, gia cầm giống và bò sữa theo quy định.

– Phạt từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục động vật phải công bố dịch; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đối với vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn:

– Phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch, vùng có dịch.

– Phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: chăn thả động vật mắc bệnh dịch ở các bãi chăn chung; không chấp hành việc sử dụng vắc xin hoặc các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc khác tại vùng có dịch.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với các hành vi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh hoặc cơ sở đã được giám sát dịch bệnh động vật không tuân thủ tuyến đường vận chuyển ra khỏi vùng có dịch theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: giết mổ, lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; dừng phương tiện vận chuyển động vật hoặc thả động vật xuống vùng có dịch trong khi chỉ được phép đi qua; không thực hiện xử lý, vệ sinh, khử trùng, tiêu độc sau giết mổ đối với cơ sở giết mổ, dụng cụ giết mổ, chất thải của động vật bị giết mổ bắt buộc; sử dụng phương tiện vận chuyển động vật đi giết mổ bắt buộc không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; giết mổ, xử lý động vật, xác động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch không theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật, bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy; không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y…

Theo đó, Nghị định cũng quy định xử phạt chuyển tiếp. Các hành vi vi phạm hành chính được lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y trước ngày 15/9/2017 thì xử phạt theo Nghị định số: 19/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; Nghị định số: 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính của Nghị định này có quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn thì xử phạt theo nghị định này. Các hành vi vi phạm hành chính được thực hiện hoặc phát hiện trước ngày 15/9/2017 nhưng chưa lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì xử phạt theo quy định của Nghị định này./.

BBT