Tiêu thụ vải thiều năm 2018: Hỗ trợ tem nhãn, mở rộng thị trường

Lượt xem: 141
Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) ghi nhật ký chăm sóc vải thiều.

Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) ghi nhật ký chăm sóc vải thiều.

Theo Sở Công Thương, các nội dung trên bao bì gồm: Tên sản phẩm, mã số truy xuất nguồn gốc, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh. Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây trực tiếp tiến hành kiểm tra tem có bảo đảm quy định hay không. Điều này đồng nghĩa với việc, trái cây không rõ nguồn gốc sẽ bị loại bỏ.

Thông tin trên tác động mạnh đến vải thiều của Bắc Giang. Bởi lẽ, bình quân mỗi năm, khoảng 50% tổng sản lượng sản phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc, trong đó thông quan qua cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Tây chiếm phần đa. Ông Đinh Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xuất nhập khẩu Hùng Thảo (Lục Ngạn) cho biết: “Là đơn vị nhiều năm xuất khẩu trái cây như: Vải thiều, bưởi, cam, xoài sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Quảng Tây, chúng tôi luôn tìm hiểu các quy định liên quan. Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng, Công ty xuất khoảng 10 nghìn tấn xoài thu mua của nông dân ở phía Nam và nhanh chóng chấp hành đầy đủ yêu cầu đề ra. Riêng với vải thiều, chúng tôi đang trao đổi với tổ, nhóm sản xuất tại địa bàn để các nhà vườn chủ động phối hợp, đủ điều kiện thông quan khi vào vụ”.

Dù vẫn còn không ít băn khoăn song ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho rằng, quy định của tỉnh Quảng Tây là thách thức song về lâu dài sẽ góp phần thay đổi phương thức tổ chức sản xuất của người dân. Cơ bản các hộ vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chưa có sự liên kết chặt chẽ nên khi có đòi hỏi khắt khe từ phía đối tác thì bà con dần chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm đối với vải thiều.

Nội dung trên bao bì trái cây khi xuất khẩu vào tỉnh Quảng Tây phải gồm: Tên sản phẩm, mã số truy xuất nguồn gốc, tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh.

Được biết, năm nay, thời tiết thuận lợi, người dân chú trọng chăm sóc, sản lượng vải thiều của huyện Lục Ngạn ước đạt khoảng 90 nghìn tấn, cao hơn năm trước. Để sản phẩm tiêu thụ dễ dàng, huyện Lục Ngạn giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được những yêu cầu mới khi đưa vải thiều sang Trung Quốc; đồng thời thành lập thêm các hợp tác xã (HTX) trên cơ sở gần 400 tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều đã hình thành vào năm ngoái.

Cùng đó, huyện trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc cho toàn bộ HTX. Theo đó, HTX có trách nhiệm quản lý chặt chẽ sản phẩm được hỗ trợ, giám sát việc gắn tem lẫn nhau. Đầu tuần tới, UBND huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức buổi làm việc bàn, thống nhất hình thức tem nhãn cũng như quy cách bao gói sản phẩm trong toàn huyện; phối hợp với VNPT từng bước thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn khi áp dụng và khách hàng mua sản phẩm tiện theo dõi thông qua điện thoại thông minh.

Đồng hành với người trồng vải, Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn nhà vườn duy trì nghiêm ngặt quy trình sản xuất GlobalGAP, VietGAP đối với 13 nghìn ha vải.

Anh Nguyễn Văn Lưu, thôn Kép 1, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) nói: “Nhiều năm qua, gia đình tôi đều chăm sóc hơn một ha vải theo quy trình GlobalGAP. Nhờ vậy, quả to, mã đẹp, bán được giá cao. Vụ này, tôi thường xuyên ghi chép cẩn thận ngày bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây, hy vọng tiếp tục đón vụ mới bội thu”.

Thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Ảnh tư liệu

Thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Ảnh tư liệu

Hiện nay, vải sớm ở giai đoạn rụng quả sinh lý lần một, vải thiều chính vụ đang đậu quả non. Dự kiến, sản phẩm cho thu hoạch vào tháng 6 tới. Như vậy cho thấy, yêu cầu của tỉnh Quảng Tây vừa mới đặt ra trong khi thời gian từ nay đến thời điểm vải chín không còn dài. Do đó, các cấp, ngành của tỉnh cần tích cực vào cuộc, khẩn trương triển khai ngay các giải pháp, kịp thời đáp ứng điều kiện khi xuất khẩu vải thiều.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Năm nay, Sở sẽ tổ chức một số hội nghị xúc tiến thương mại tại khu vực miền Trung và một số tỉnh giáp với Trung Quốc để mở rộng thị trường tiêu thụ. Các DN có thể căn cứ vào quy định, từ đó điều tiết lưu thông sản phẩm qua một số cửa khẩu khác ngoài tỉnh Lạng Sơn, tránh ùn ứ khi thông quan quá nhiều qua một địa điểm”.

Nguồn baobacgiang.com.vn