Một số thay đổi trong chính sách Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ 01/01/2018

Lượt xem: 112

– Đối tượng đóng BHXH bắt buộc (người lao động là công dân Việt Nam): (1) Người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. (2) Cán bộ, công chức, viên chức. (3) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu. (4) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân (QĐND); sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân (CAND); người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân. (5) Hạ sĩ quan, chiến sĩ QĐND; hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí.(6) Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. (7) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương. (8) Người hoạt động không chuyên trách ở xã phường, thị trấn.

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Không được quyền tham gia BHXH bắt buộc.

– Tiền lương tháng đóng BHXH: Mức lương cộng phụ cấp lương.

– Mức lương hưu hàng tháng: (1) Lao động nam bằng 45% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%. (2) Lao động nữ bằng 45% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 3%. (3) Mức tối đa bằng 75%.

– Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Nhà nước không hỗ trợ đóng (trừ những trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại điểm e khoản 01 điều 59 Nghị định số: 134/2015/NĐ-CP, ngày 29/12/2015).

* Sau ngày 01/01/2018:

– Đối tượng đóng BHXH bắt buộc (người lao động là công dân Việt Nam): thêm người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.

Người lao động nước ngoài tại Việt Nam: được quyền tham gia BHXH bắt buộc (áp dụng đối với người lao động có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp).

– Tiền lương đóng BHXH: mức lương cộng phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

– Mức lương hưu hàng tháng: (1) Người lao động nam bằng 45% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 16 năm đóng BHXH vào năm 2018, sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%; vào năm 2019, tương ứng 17 năm; vào năm 2020, tương ứng 18 năm; vào năm 2021, tương ứng 19 năm; vào năm 2022 trở đi, tương ứng 20 năm. (2) Lao động nữ bằng 45% nhân mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2%. (3) Mức tối đa bằng 75%.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH hàng tháng: 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo; 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo; 10% với người tham gia là đối tượng khác.

* Chính sách BHXH từ ngày 01/01/2018 có các quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH gồm: Phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ, phụ cấp độc hại, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp thâm niên.

Thứ hai, các khoản phụ cấp không tính đóng BHXH gồm: Tiền thưởng theo quy định tại điều 103 Bộ Luật lao động 2012, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, tiền hỗ trợ xăng xe, tiền hỗ trợ đi lại, tiền hỗ trợ điện thoại, tiền hỗ trợ gửi trẻ, tiền hỗ trợ nhà ở, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ, tiền hỗ trợ lao động có người thân kết hôn, tiền hỗ trợ khi sinh nhật của người lao động, tiền hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn khi bị tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, các khoản hỗ trợ và trợ cấp khác ghi thành mục riêng của hợp đồng lao động theo khoản 1 điều 4 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

Thứ ba, mức hưởng lương hưu tối đa 75% nếu đáp ứng yêu cầu:

+ Đối với lao động nữ: trước ngày 01/01/2018 là 25 năm thì từ ngày 01/01/2018 là từ đủ 30 năm đóng BHXH.

+ Đối với lao động nam: trước ngày 01/01/2018 là 30 năm thì từ ngày 01/01/2018 là từ đủ 31 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2018); từ đủ 32 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2019); từ đủ 33 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2020); từ đủ 34 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2021); từ đủ 35 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi).

Ngoài ra, theo Điều 216 Luật hình sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì người có nghĩa vụ nhưng không đóng BHXH cho người lao động sẽ phải chịu hình phạt đến 07 năm tù.

b. Về chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT)

Tuy không có nhiều sự biến động như chính sách BHXH nhưng BHYT chủ yếu thay đổi trong cách sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh, cụ thể là:

Một là: Không ghi thời điểm hết hạn sử dụng thẻ. Nếu như thẻ BHYT các năm trước ghi rõ thời hạn sử dụng từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm thì từ ngày 01/01/2018 trên thẻ BHYT chỉ ghi giá trị sử dụng từ ngày…./…/… Đây là điểm mới, thuận lợi cho việc sử dụng thẻ BHYT, người tham gia sẽ không phải đổi thẻ hàng năm như trước đây, chính điều này sẽ tiết kiệm cho ngân sách quỹ BHYT và tiết kiệm thời gian cho cán bộ quản lý trong hệ thống BHYT hiện nay.

Hai là: Việc xác định thời điểm đủ 05 năm liên tục trên thẻ BHYT phải đồng bộ cùng mã số BHXH ghi trên thẻ mới (10 số cuối cùng ghi trên mã thẻ). Điều này giúp cơ quan BHXH Việt Nam sẽ xây dựng đồng bộ dữ liệu điện tử cho toàn thể người lao động và tiến tới quản lý thẻ BHXH điện tử trên phạm vi quốc gia.

Ba là: Các cơ sở y tế trong quá trình khám, chữa bệnh BHYT sẽ tra cứu thông tin về thẻ BHYT trên cổng thông tin giám định BHYT, nếu có sự sai lệch thì không được yêu cầu người bệnh đổi thẻ mới. Để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh thì người tham gia xuất trình thẻ BHYT còn giá trị vẫn sẽ được đảm bảo quyền lợi theo quy định.

Bốn là: Trường hợp đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia, đối tượng có quyền được hưởng mức BHYT cao nhất và chỉ được cấp 01 thẻ BHYT duy nhất theo đối tượng có thứ tự đầu tiên quy định tại Điều 12, Luật BHYT. Vì vậy, người tham gia cần cung cấp các giấy tờ chứng minh quyền hưởng BHYT cao hơn cho cơ quan BHXH để đảm bảo quyền lợi.

Năm là: Các đối tượng còn lại khoảng gần 15 triệu người có thẻ BHYT được cấp còn hạn sử dụng, sau ngày 31/12/2017 như người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hưu trí và trẻ em dưới 06 tuổi. BHXH đang tiếp tục đổi thẻ mới và hoàn thành trước 30/6/2018.