Kỹ thuật sản xuất dưa Vàng (Yellow Melon) trong nhà chắn côn trùng

Lượt xem: 202

1. Phạm vi áp dụng

Quy trình áp dụng trong sản xuất giống dưa Vàng (Yellow melon) cho các hộ nông dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

2. Tài liệu viện dẫn

Kỹ thuật trồng dưa Hấu M32 f1. Nguồn: Công ty TNHH sản xuất thương mại xanh.

Kỹ thuật trồng dưa Vân Lưới. Nguồn: Trung tâm khuyến nông Quốc gia

3. Định nghĩa thuật ngữ

Nhà chắn côn trùng: là nhà sử dụng màng ngăn côn trùng vào tấn công cây trồng. Ví dụ: Nhà lưới, nhà nilon, nhà kính….

Thụ phấn bổ khuyết: là công tác con người sử dụng phấn của hoa đực thụ cho hoa cái (hoặc hoa lưỡng tính) nhằm tăng khả năng đậu quả và bổ sung lượng phấn lạ (phấn khác hoa, khác cây) cho chất lượng quả tốt.

4. Nguyên tắc

Trồng và chăm sóc cây khỏe, hạn chế sử dụng chất bảo vệ thực vật và đảm bảo an toàn thực phẩm.

5. Hóa chất, phân bón và vật tư nông nghiệp

– Hạt giống dưa

– Hóa chất sử lý đất: vôi bột, hóa chất xông đất (formandehit…)

– Phân bón: phân chuồng, phân NPK 16:16:6 và 12:2:12, Phân hỗn hợp Scotts, phân vi lượng Boric.

– Nilon đen: dùng để phủ luống, giữ ẩm độ, ngăn chăn cỏ dại

– Tre làm giàn

– Dây cước và gim kẹp cố đinh thân

– Túi bọc quả, dây treo quả, lưới treo quả.

6. Kỹ thuật trồng trọt

6.1. Thời vụ trồng:

Gieo trồng được ở 2 vụ:

– Vụ xuân và vụ đông Vụ xuân gieo hạt cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 (quanh tiết lập xuân)

– Vụ đông gieo hạt không quá 10/10

6.2.Chuẩn bị trước khi trồng

* Làm đất và bón lót:

– Đất phải có tầng canh tác dày, tơi xốp, dễ thoát nước, độ pH 5,5 – 6,5.

– Làm đất: Cày bừa kĩ, sạch cỏ dại, xử lí vôi 50 – 100 kg/1000 m² trước khi lên luống 2 – 3 ngày. Chiều cao luống khoảng 20 -30 cm, bề mặt rộng 1,1 – 1,2 m.

– Bón lót: Bón lót theo rạch, lót sâu mỗi sào (360 m2) 4-5 tạ phân hữu cơ đã ủ mục, 8-10kg phân phức hợp NPK 16-16-8-13S, lấp đất đánh phẳng luống.

– Khử trùng đất, phủ màng nilon: Tiến hành trước trồng 15 ngày. Dùng bình phun thuốc sâu phun lên bề mặt luống bằng thuốc sát trùng xông hơi formandehit 1% rồi phủ màng đè lên. Khi phủ màng nilon nghiệp chuyên dụng, mặt đen xuống dưới, mặt trắng lên trên, đục lỗ màng và đặt cây.

* Làm giàn:

Trồng dưa Vàng trong điều kiện có màng chắn côn trùng nên đầu tư lớn trên 1 đơn vị diện tích. Vì vậy nên trồng theo phương pháp làm giàn để tăng mật độ trồng để tăng hiệu quả kinh tế. Có thể làm gian theo 2 kiểu tùy vào điều kiện gieo trồng

– Kiểu 1 (Làm giàn treo): Dùng cây tre treo hoặc đóng cọc hai đầu luống và đặt thanh tre dọc theo dãnh trồng. Sau đó dùng dây cước buộc thõng xuống gốc cây để cây dưa sau khi lớn sẽ leo lên.

– Kiểu 2: Làm giàn như cắm giàn cho dưa leo như dưa chuột trồng xuất khẩu.

6.3. Gieo trồng

Ngân ủ hạt: Ngâm ủ hạt trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh) 4-5 giờ sau đó vớt ra chà rửa cho sạch nhớt, rải hạt lên tờ giấy báo hoặc khăn khô để nơi mát cho ráo nước. Dùng khăn sạch nhúng nước nóng cho ráo rồi gói hạt lại đem ủ. Chú ý luôn giữ nhiệt độ ủ 28 – 30°C, sau 36 – 48 h ủ hạt sẽ nhú mầm. Hạt nứt nanh có thể đem gieo vào bầu đất.

Đóng bầu và gieo hạt: Làm bầu có đường kính 5 cm, cao 7 cm có lỗ thoát nước, có thể làm bầu bằng lá chuối hay lá dừa. Vật liệu làm bầu gồm phân chuồng hoai mục, đất bột, tro trấu theo tỷ lệ 30% + 60% + 10% nên xử lí vật liệu làm bầu phòng trừ sâu bệnh. Cách đơn giản hơn là dùng bùn ao phơi ải. Mỗi bầu gieo một hạt.

Đặt bầu: Khi cây trong bầu được 2-3 lá thật thì đem trồng. Dùng dao (dao cạo râu) cắt nhẹ túi bầu rồi đặt vào lỗ đã đào sẵn. Đặt bầu chìm, vùi hết phần cổ rễ của cây con. Mật độ đặt bầu: trồng 2 hàng, hàng cách hàng 70-75cm, cây cách cây 40 cm.

6.4. Chăm sóc sau trồng

– Tười nước và bón thúc phân:

+ Bón thúc phân hỗn hợp NPK 12:2:12. Bón vào 3 đợt:

Đợt 1 (thúc sinh trưởng): sau trồng 1 tuần, bón khoảng 5-10 gram/ hốc.

Đợt 2 (thúc ra hoa): sau trồng 20-25 ngày, bón khoảng 5-10 gram/hốc

Đợt 3 (thúc quả): sau trồng 40 – 45 ngày (sau khi định quả). Bón thúc cho quả tăng trưởng về kích thước. Giai đoạn này rất quan trọng vì nó quyết định trọng lượng quả sau này. Liều lượng bón khoảng 10 gram/hốc.

+ Bón thúc phân hỗn hợp Scotts và phân vi lượng Boric: có thể bón theo 2 cách là hòa vào nước theo nồng độ 1/1000 để bón qua lá và tưới gốc. Bón định kỳ 7 ngày/1 lần.

– Tỉa hoa và thụ phấn:

+ Tỉa hoa: chỉ để những hoa từ đốt thứ 7 trở lên. Và chỉ thụ phấn cho hoa và thu quả từ đốt thứ 7 đến đốt 11 từ dưới gốc lên. Sau khi định quả, ta tiến hành bỏ hết hoa để cây tập trung dinh dưỡng cho quả.

+ Thụ phấn bổ khuyết: Cây dưa Vàng có 2 loại hoa là hoa đực (cho phân) và hoa lưỡng tính (cho quả). Để quả sinh trưởng tốt ta nên lấy phấn của hoa đực (khác cây là tốt nhất) đem thụ cho hoa cái. Nên thụ phấn tập trung trong vòng 10 ngày.

– Treo quả: Vì quả mọc ở đốt thứ 7-11 nên ta phải tiến hành bọc quả và treo quả. Sử dụng túi bọc quả để bọc tránh côn trùng (túi phải thoáng, kín không cho côn trùng xâm nhập). Dùng mạng lưới (như lưới đánh cá) cắt ra và thiết kế thành quang để treo quả lên giàn.

– Bắt cây lên giàn: Công việc được tiến hành ngay từ khi cây bắt đầu leo. Sử dụng gim kẹp thân leo vào dây cước. Nên thường xuyên kiểm tra và kẹp thân kịp thời để tránh bị gẫy thân.

– Tỉa nhánh: Khi cây leo đến đỉnh giàn (khoảng 2 m) thì tiến hành ngắt ngọn và để cho nhánh bên phát triển. Chỉ để những nhánh từ đốt thứ 7 trở lên và không để dậm quá gây thiếu ánh sáng, tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

– Phòng trừ sâu bênh: Chú ý phòng trừ sâu xanh ăn lá, ăn vỏ quả, các bệnh chết rũ cây con, chạy dây, phấn trắng, mốc sương. Phun theo chỉ dẫn và đảm bảo an toàn sản phẩm, trước thu hoạch 7-10 ngày không được phun thuốc hoá học.

6.5. Thu hoạch:

Sau khi đậu quả khoảng 35-40 ngày, quả chín ta có thể tiến hành thu hoạch. Lưu ý khi thu hoạch ta chỉ dùng dao sắc cắt cuống quả để tránh dập nát. Quả dưa Vàng bảo quản trong điều kiện mát có thể giứ được 15 ngày không bị giảm chất lượng.

Một số hình ảnh trong sản xuất dưa Vàng trong nhà lưới

Th.sỹ Hoàng Thị Nam- HND huyện Lục Ngạn