“Chúng ta không thể vô trách nhiệm với môi trường”

Lượt xem: 187

Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Lượng

Giai đoạn vừa qua, Hội NDVN đã có những động thái mạnh mẽ trong việc yêu cầu các cơ quan, các đơn vị vi phạm về môi trường phải có trách nhiệm với người dân nông thôn, để phát huy được điều đó, TƯ Hội có những chỉ đạo cụ thể như thế nào?

Mục tiêu đầu tiên của Hội vẫn phải là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về môi trường nông thôn. Đồng thời 100% cơ sở Hội có cán bộ chuyên trách để theo dõi về công tác này, 70% hội viên, nông dân được tham gia các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường nông thôn. Các cấp Hội cũng phải gắn nội dung bảo vệ môi trường với công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội và các phong trào nông dân.

Tuy nhiên, bảo vệ môi trường là công việc đòi hỏi sự chủ động và trách nhiệm cao, vì thế, ở mỗi cấp Hội cần xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học để tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng môi trường nông thôn hiện nay, qua đó đề xuất các biện pháp giải quyết có hiệu quả.

TƯ Hội NDVN cũng có rất nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường tại các tỉnh, thành, các cấp Hội cần tìm hiểu, tham khảo, lựa chọn những mô hình phù hợp với thực tế địa phương mình để nhân rộng.

Nhân nói về các mô hình, xin Phó Chủ tịch cho biết, hiện nay mô hình nào mà Hội cho là hiệu quả và dễ triển khai nhất?

Những năm qua, TƯ Hội phối hợp với các tỉnh, thành Hội triển khai rất nhiều mô hình hay, phù hợp với từng địa bàn. Ví dụ như mô hình nước tự chảy ở tỉnh Cao Bằng; mô hình làm hầm biogas có tên gọi “Hầm khí sinh học liên hoàn”. Hội ND huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã vận động nông dân đầu tư trên 14 tỉ đồng để xây dựng hơn 4000 hầm khí biogas. Sức lan toả của các mô hình rất mạnh mẽ như mô hình ” Xây dựng nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh”. Năm 2004, TƯ Hội chỉ đầu tư xây dựng 12 nhà tiêu và 22 bể chứa nước sạch cho nông dân xã Thiên Lộc- Can Lộc- Hà Tĩnh, nhưng cuối năm 2006, thấy hay, bà con nông dân đã tự bỏ tiền xây thêm 500 nhà tiêu 2 ngăn, 535 bể chứa nước sạch. Trước đây nông dân xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam không có nước sạch để dùng vì vùng này bị ô nhiễm asen nặng. TƯ Hội đã hỗ trợ, xây dựng 110 bể lọc xử lý nước bị asen, từ năm 2007 đến nay, đã có thêm trên 600 hộ tự đứng ra làm bể xử lý nước sạch cho gia đình.

Ngoài ra, còn rất nhiều các mô hình tuyệt với khác nữa. Tuỳ vào thực trạng môi trường ở địa phương mà TƯ Hội hỗ trợ xây dựng mô hình, do vậy, không thể nói mô hình nào là hiệu quả nhất. Điều đó phụ thuộc vào cách thức áp dụng của mỗi địa phương mà thôi.

Việc quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn hiện nay đã hé lộ nhiều bất cập, tình trạng tàn phá môi trường diễn ra rất nghiêm trọng và có thể nói là trên diện rộng, vậy theo Phó Chủ tịch, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế hoặc ít nhất là kiềm chế điều đó?

Tôi cho rằng, thứ nhất Nhà nước phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản, chính sách, pháp luật, nhất là vấn đề phân cấp quản lý môi trường trong các khu công nghiệp và công tác tổ chức thanh tra môi trường. Đồng thời phải thực hiện đồng bộ việc quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- văn hoá- xã hội và bảo vệ môi trường. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hệ thống quản lý môi trường; phân công nghiệm vụ rõ ràng trong hệ thống quản lý môi trường.

Chúng ta cũng không thể buông lỏng việc thực thi pháp luật về môi trường, cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức công bố thông tin về môi trường. Thực tế là có đến 90% các vụ vi phạm môi trường là do nhân dân tố cáo, nhưng nhân dân thì chỉ có thể phát hiện bằng mắt thường, việc vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi phải có chuyên môn, có máy móc mới phát hiện được. Chúng ta không thể cứ trông chờ vào nhân dân mãi mà cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc tích cực hơn nữa.

Tôi cho rằng, trước khi xây dựng khu công nghiệp, chính quyền và các cơ quan chức năng cần yêu cầu doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có chế độ tự quan trắc, báo cáo định kỳ việc xử lý chất thải, nước thải…

Cuối cùng chúng ta cần ghi nhớ rằng luật đời có vay có trả, không thể cứ ăn mày tài nguyên và phóng uế vào thiên nhiên mãi mà lại không phải hứng chịu hậu quả

Xin cám ơn Phó Chủ tịch!

HNDVN