Cần chú trọng giải quyết ô nhiễm môi trường ở các khu kinh tế, làng nghề

Lượt xem: 186

Hiện cả nước có 3.597 làng nghề, trong đó có 1.316 làng nghề được công nhận và 2.281 làng có nghề, tạo việc cho hơn 11 triệu lao động; thu hút 30% lực lượng lao động nông thôn. Theo Báo cáo môi trường quốc gia năm 2008, ô nhiễm môi trường làng nghề làm gia tăng người mắc bệnh đang lao động và sinh sống tại chính làng nghề. Tỷ lệ này đang có xu hướng tăng trong những năm gần đây.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho thấy: Số lượng các làng nghề và nghề trong làng ở nhiều địa phương có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đang đặt ra đối với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, đan xen khu sinh hoạt nên khó kiểm soát, khó quy hoạch và chưa có biện pháp giải quyết có hiệu quả. Các ô nhiễm chủ yếu ở làng nghề là ô nhiễm chất hữu cơ, ô nhiễm chất vô cơ.

Vấn đề ô nhiễm ở nhiều làng nghề tồn tại từ lâu, nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả, dẫn đến việc ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, của cộng đồng dân cư. Theo Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2008, tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số. Tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, nhiều bệnh tật gia tăng như: Bệnh phụ khoa (13-38%), bệnh về đường tiêu hóa (8-30%), bệnh viêm da (4,5-23%), bệnh đường hô hấp (6-18%), bệnh đau mắt (9-15%)… Ở nhiều làng nghề, tỷ lệ người mắc bệnh, nhất là nhóm người trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng cao. Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5-10 năm so với làng không làm nghề.

Đánh giá tác động từ ô nhiễm môi trường của các khu kinh tế (KKT) lên sức khỏe con người, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường cho biết: Theo Báo cáo của Chính phủ, các địa phương chưa thống kê được số người mắc bệnh, loại bệnh cũng như chưa có đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra từ hoạt động của các KKT. Tuy nhiên, dự báo các tác động từ ô nhiễm môi trường có thể xảy ra trong tương lai như: Tác động từ hoạt động của các KKT lên môi trường không khí. KKT có hoạt động sản xuất công nghiệp với tần suất cao. Các nhà máy, phân xưởng sản xuất hóa chất, sơn, xi măng, nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, dầu FO, DO là nơi phát sinh các chất ô nhiễm như: Bụi, SO2, CO, NO2, các loại hơi khí độc và hóa chất khác nhau có khả năng thâm nhập sâu vào đường hô hấp, gây ra các bệnh về phổi, mắt, bệnh ngoài da, tim mạch.

Nước thải của các doanh nghiệp trong KKT có chứa các chất hữu cơ khó phân hủy, kim loại nặng, hóa chất độc hại và nhiều chủng vi sinh vật khiến cho môi trường nước mặt bị ô nhiễm và theo thời gian, nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Nếu nước mặt và nước ngầm bị ô nhiễm nặng, sẽ gây ra tác động mạnh, có mức độ lan tỏa rất nhanh, phát sinh nhiều bệnh tật đối với con người và vật nuôi. Ô nhiễm nước sẽ tác động trực tiếp đến đời sống của công nhân, nhân dân sinh sống trong KKT, gây ra các bệnh: Tiêu chảy, tả, viêm da, đau mắt, đường ruột, ung thư…

Đồng tình với nhiều nội dung trong Báo cáo giám sát, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) nhấn mạnh nguyên nhân từ năng lực cán bộ quản lý Khu kinh tế, làng nghề còn non kém, việc xử lý vi phạm còn nương tay. Đại biểu yêu cầu sửa các thông tư liên quan trong khi chờ sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường 2005.

Một mặt ghi nhận những đóng góp của các Khu kinh tế, làng nghề, mặt khác, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) bày tỏ nỗi lo lắng về thực trạng môi trường của các Khu kinh tế, làng nghề, khi “việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm thường chỉ quyết liệt theo vụ việc”. Đại biểu đề nghị tăng kinh phí cho bảo vệ môi trường lên 2% ngân sách và tán thành với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về các vấn đề liên quan đến kỹ thuật quan trắc, đánh giá ô nhiễm môi trường. Ông Tiến cho rằng việc đánh giá hiện nay chưa toàn diện, do đó chưa phản ánh được chính xác hiện trạng môi trường. “Cần có những quy chuẩn khác nhau khi đánh giá tác động môi trường của từng nhóm ngành nghề trong Khu kinh tế, từng lĩnh vực hoạt động khác nhau của các làng nghề, cụ thể như về thời điểm lấy mẫu, phương pháp bảo quản mẫu chuẩn, các chỉ tiêu cần đánh giá. Lấy mẫu từ 54 làng nghề (bằng trên 1,6% tổng số làng nghề) để phân tích thì chưa thể có bức tranh toàn diện về môi trường làng nghề được”, ông Tiến nhận xét thẳng thắn.

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở rất nhiều làng nghề là một thực trạng hiển nhiên. Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nói, theo quan sát của bà, nước thải ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) đặc quánh đến như có thể đi qua được! Hệ lụy của tình trạng ô nhiễm này là tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến môi trường gia tăng trông thấy, ngày càng xuất hiện nhiều “bệnh lạ”. Công nghệ trong làng nghề rất lạc hậu, ô nhiễm không tránh được”.

Đại biểu An kể: “Tôi về làng nghề Đa Hội cùng một người bạn nước ngoài, khi thấy công nghệ sản xuất thép ở đây, người bạn này nói, công nghệ sản xuất giống thời thế kỷ 16-17 ở nước họ (!). Chưa biết nhận xét này chính xác đến đâu, nhưng rõ ràng chúng ta không thể không xem xét”.

Đa số các đại biểu kiến nghị sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, trong đó có những quy định cụ thể về khu kinh tế và làng nghề; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh phí và lệ phí bổ sung về một số quy định liên quan đến bảo vệ môi trường; ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng có chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp Luật Bảo vệ môi trường đủ mạnh và khả thi; nghiên cứu để tiến tới xây dựng văn bản quy phạm pháp luật riêng và phù hợp với khu kinh tế và làng nghề. Các đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy định thiếu thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với các luật đã được ban hành; tăng cường giám sát việc phân bổ, quản lý, sử dụng chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường tại các bộ, ngành, địa phương; tăng đầu tư từ nhiều nguồn cho công tác bảo vệ môi trường bằng nhiều chính sách phù hợp. Trước mắt ngay tại kỳ họp này, đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.”

Theo KTNT