Báo động phát thải CO2 ở Việt Nam

Lượt xem: 206

Ảnh minh họa nguồn internet

Phát thải CO2 tăng nhanh ở Việt Nam

Theo đánh giá của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cũng như các nền kinh tế khác trên thế giới, nhiệt điện than là một trong các nguồn thải CO2 chính và lớn ở Việt Nam. Năm 2010, hơn 1/2 công suất đặt trong hệ thống điện Việt Nam thuộc về nhiệt điện. Trong đó, nhiệt điện than chiếm 18,5 %, nhiệt điện khí và dầu chiếm 36,6%.

Theo đó, năm 2000, Việt Nam phát thải khoảng 150,9 triệu tấn CO2, đứng đầu là ngành nông nghiệp 65 triệu tấn (chiếm 43%), tiếp đó là ngành năng lượng 52,7 triệu tấn (chiếm 35%).

Năm 2009, phát thải CO2 từ nhiên liệu hoá thạch ước tính tăng 113% so với năm 2000. Trong ngành năng lượng, các nhà máy nhiệt điện than đóng góp 54% phát thải CO2, còn các nhà máy nhiệt điện khí đóng góp 40%. Mỗi kWh điện của Việt Nam đóng góp 0,52 kg CO2 phát thải.

Theo kịch bản trung bình, Bộ Tài Nguyên & Môi trường Việt Nam ước tính phát thải khí nhà kính từ ngành năng lượng đến năm 2020 là 224 triệu tấn CO2. Các ngành công nghiệp chủ yếu khác đóng góp khoảng 10 triệu tấn phát thải CO2/năm, trong đó nhiều nhất là xi măng, thép, khai thác đá vôi.

Ông Andrew Head, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá: “Trong những năm qua, Việt Nam phát triển tốt về kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có phát thải khí nhà kính, lượng thải CO2 cũng gia tăng đáng báo động”.

Ông Andrew Head cũng đặc biệt lưu ý rằng: “Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch vào sản xuất và đời sống. Bên cạnh việc tạo ra những nguồn năng lượng mới, Việt Nam cần phát huy việc tái chế nguồn năng lượng thải ra từ các nhà máy công nghiệp, nỗ lực hơn nữa trong giảm khí thải CO2“.

Hướng đến công nghệ CCS

Theo các chuyên gia của Nhóm Công tác Năng lượng và Nhóm Chuyên gia Năng lượng sạch của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đánh giá, Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng năng lượng sạch rất lớn.

Tiến sĩ Frank Mourits (Viện Tài nguyên Thiên nhiên Canada) là cố vấn cao cấp, Phó Chủ tịch Nhóm công tác APEC về công nghệ Thu và Lưu giữ Carbon (CCS) cho biết: “Công nghệ CCS đang triển khai tại Trung Quốc và APEC sẽ hỗ trợ để thực hiện tại Việt Nam. Trọng tâm trước hết của CCS ở Việt Nam sẽ hướng vào nhóm năng lượng hoá thạch để tìm cách sử dụng năng lượng sạch giúp cải thiện môi trường, đồng thời sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường công nghệ năng lượng sạch”.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh của BĐKH và dự kiến những năm tới đe doạ đến những vùng phát triển kinh tế-xã hội. Trong xu hướng phát triển bền vững hướng đến nền kinh tế với hàm lượng carbon thấp (low- carbon), chống BĐKH bằng giải pháp giảm thiểu nguyên nhân (tức giảm phát thải khí nhà kính chủ yếu là CO2), công nghệ CCS đang được các quốc gia nhìn nhận có vai trò tích cực”.

Công nghệ CCS với 3 khâu chính là: Thu Carbon, vận chuyển carbon và Lưu giữ Carbon đã khả thi về mặt kỹ thuật và đang từng bước được thương mại hoá ở các nước phát triển. Để công nghệ này có thể được ứng dụng mở rộng hơn, một số khía cạnh công nghệ, pháp lý và cơ chế chính sách cần được quốc tế hoá kết hợp với tiếp cận cụ thể ở từng quốc gia, đặc biệt là nước đang phát triển như Việt Nam. Theo đó, ứng dụng CCS vào Việt Nam, bước đầu là đánh giá tiềm năng và tìm hiểu khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách hiện có và rào cản để xác định hướng giải quyết.

Thời gian qua, một số nghiên cứu về CCS ở các nước phát triển đã được tiến hành tại 4 nước Đông Nam Á (Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam). Nghiên cứu này ở Việt Nam đã đánh giá, phân tích 60 nguồn tĩnh phát thải CO2 (trong đó có 31 nhà máy nhiệt điện) có tổng phát thải CO2 khoảng 64 triệu tấn/năm và ghi nhận Việt Nam có tiềm năng ứng dụng công nghệ CCS về mặt kỹ thuật nhưng nhiều thách thức. Ứng dụng CCS có thể kết hợp với công nghệ gas-lift để tăng hiệu quả khai thác dầu mỏ ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để cải thiện ô nhiễm môi trường, trong đó có giảm phát thải CO2 ra môi trường, Việt Nam cần nghiên cứu và có cơ chế chính sách phù hợp để ứng dụng CCS và những công nghệ khác vào môi trường để có thể hướng đến thực hiện được nền kinh tế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Theo monre.gov.vn