CÁC CẤP HỘI NÔNG DÂN TỈNH BẮC GIANG TÍCH CỰC THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NÔNG THÔN

Lượt xem: 198

Nhiều hoạt động có ý nghĩa

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức như: thông qua hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Hội, sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, bản tin và trang thông tin điện tử Hội Nông dân tỉnh, tập huấn, mít tinh…Cụ thể, năm 2015 các cấp hội đã tổ chức trên 100 hội nghị tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; vận động cán bộ, hội viên và nông dân hạn chế dùng tiến tới “nói không” với túi nilon, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tham gia thành lập các tổ thu gom, phân loại, xử lý rác thải; các tuyến đường do chi hội nông dân tự quản đã góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường ở thôn, xóm, khu dân cư luôn xanh-sạch-đẹp. Đặc biệt 226 cơ sở hội đều xây dựng mô hình điểm Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn.

Các đồng chí lãnh đạo HND tỉnh và huyện Yên Thế thăm mô hình lò rác thải tại xã Hương Vĩ

Để tạo thói quen tốt và hình thành nét đẹp văn hóa trong các hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn, các cấp Hội luôn duy trì và phát triển phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ, sạch từ ngõ vào nhà“. Từ đó làm chuyển biến nhận thức, hành động của cán bộ, hội viên nông dân, chủ động tham gia bảo vệ môi trường theo hướng tích cực như trồng cây xanh, làm vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao hồ hệ thống thoát nước…Bên cạnh đó, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; nuôi thuỷ sản theo hướng thâm canh bền vững; ứng dụng các chế phẩm sinh học EM trong trồng trọt, chăn nuôi để thay thế các loại thuốc hoá học độc hại, sử dụng phân bón theo quy trình khép kín…Qua đó, giúp nông dân nhận thấy được lợi ích thiết thực từ việc giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người nhằm hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.

Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày nước thế giới, Ngày Môi trường thế giới theo chủ đề của từng năm, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các huyện, thành Hội chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành có liên quan của địa phương tổ chức phát động phong trào thi đua, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: mít tinh kỷ niệm, tổ chức ra quân tạo sức mạnh, khí thế sôi nổi của hội viên, nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tham gia các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, làm cho cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình với mục đích lấy hiệu quả thực tiễn vận động nhân dân làm theo. Điển hình như mô hình “Xử lý chất thải bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế trang trại của nông dân vùng nông thôn” ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ khí sinh học Biogas, bể chứa chất thải, sử dụng chế phẩm sinh học góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi; mô hình “Trồng cây vối bản địa bảo tồn đa dạng sinh học, chống sạt lở bờ mương, hồ, đập, bảo vệ môi trường và khai thác phụ phẩm” tại xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động đã khích lệ nông dân trồng gần 8000 cây vối giống tại các bờ mương, suối của xã để chống sạt lở; mô hình lò đốt rác thải, xây bể chứa xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật tại xã Hương Vỹ (Yên Thế), Thanh Hải (Lục Ngạn),…đã nâng cao ý thức của nhân dân trong việc thu gom, xử lý rác thải, vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định. Bên cạnh đó, các tổ vệ sinh môi trường tại huyện Tân Yên, Lục Ngạn, TP Bắc Giang thường xuyên vệ sinh xóm làng, thu gom rác thải đã hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi của người dân; mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Lục Ngạn và sản xuất rau theo phương pháp thủy canh tại TP Bắc Giang cho năng suất và chất lượng cao…Các mô hình đã trực tiếp mang lại lợi ích thiết thực và được đông đảo các hộ nông dân trong tỉnh học tập làm theo và ngày càng được nhân rộng ở khắp các địa phương.

Với sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong công tác bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày đã góp phần xây dựng môi trường nông thôn sáng – xanh – sạch – đẹp, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững./.

Sơn Hải