Lục Ngạn: Lắp đặt lò đốt, không để rác tồn lưu

Lượt xem: 170
Lò đốt rác tại xã Thanh Hải vừa đưa vào vận hành.

Lò đốt rác tại xã Thanh Hải vừa đưa vào vận hành.

Đổ rác… nhờ

Xử lý rác thải sinh hoạt tại huyện Lục Ngạn luôn là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhiều thời điểm, rác thải lưu cữu ở thị trấn Chũ không được thu gom, gây ô nhiễm nặng. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mỗi ngày, người dân trong huyện thải ra hơn 70 tấn rác nhưng không được thu gom, xử lý bài bản dẫn đến tình trạng rác tràn lan. Nguyên nhân là do bãi rác tập trung tại khu vực đèo Váng, xã Biên Sơn quá tải. Cùng đó, đơn vị chủ trì vận hành bãi rác không tuân thủ quy trình xử lý làm ô nhiễm nguồn nước. Do người dân trong vùng phản đối, bãi tập kết rác này ngừng hoạt động từ năm 2015, rác thải của thị trấn Chũ và một số xã lân cận phải đem đổ tại huyện Sơn Động.

Ngoài rác thải sinh hoạt, với diện tích vùng cây ăn quả lớn, lượng bao bì thuốc bảo vệ thực vật từ hoạt động chăm sóc cây trồng thải ra mỗi năm tương đối lớn. Hầu hết vỏ túi, chai lọ vứt ra vườn, mương nước hoặc người dân tự xử lý. Điều này nguy hại đến môi trường vì vẫn còn một lượng nhỏ hóa chất tồn dư trong bao bì đựng thuốc. Anh Nguyễn Văn Định, thôn Nguộn, xã Hồng Giang nói: “Mỗi khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong, tôi để bao bì ở góc vườn. Khi nào trời nắng ráo thì gia đình đốt, giúp vườn đỡ rác”.

Trước thực tế trên, thực hiện Kết luận số 43 ngày 11-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chỉ đạo giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, Lục Ngạn đã triển khai nhiều giải pháp. Toàn huyện vận chuyển về nơi tập kết hàng trăm tấn rác thải. Tuy nhiên sau thu gom, rác lại “mọc” lên như nấm sau mưa, Lục Ngạn vẫn là địa phương có nhiều điểm rác thải tồn lưu. Cuối năm 2017, huyện xây dựng bãi rác tập trung tại xã Tân Hoa. Khi những xe chở rác đầu tiên về đây đã phát sinh một số vụ việc phức tạp, người dân phản đối kịch liệt, thậm chí có hành động quá khích.

Rác của huyện phải xử lý tại huyện

Xác định xử lý rác thải là việc cần làm ngay, năm nay, Huyện ủy Lục Ngạn coi xây dựng lò đốt rác là nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu. Theo đó, huyện phấn đấu lắp đặt 4 lò đốt rác tại các xã Thanh Hải, Biển Động, Phượng Sơn, Tân Hoa. Tổ công tác của huyện kiên trì bám làng, xã tuyên truyền, vận động bà con.

Với sự tập trung cao, đến nay lò xử lý rác tại xã Thanh Hải vừa hoàn thiện, đi vào hoạt động với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện. Điểm mới của hệ thống này là công nhân chỉ cần phân loại rác tại nguồn, sau đó đưa vào khoang đốt bằng hệ thống băng tải và pít tông thay vì phải trực tiếp đổ rác như lò thông thường. Công suất đạt khoảng 1 tấn rác/giờ, bảo đảm xử lý rác cho xã Thanh Hải và một số xã lân cận. Đặc biệt, có thể tận dụng tro ủ cùng phân hữu cơ bón cho cây trồng. Bà Phùng Thị Sao, thôn Lai Cách, xã Thanh Hải chia sẻ: “Làm vườn cạnh lò vào thời điểm đang đốt rác, tôi thấy khói từ ống tỏa ra màu trắng và không có mùi. Tôi hy vọng lò sẽ bền lâu, góp phần xử lý rác cho bà con thôn, xóm”. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện, sau khi vận hành ổn định lò đốt rác tại xã Thanh Hải, huyện tổ chức cho người dân một số xã lân cận tham quan, từ đó triển khai lắp đặt lò, xây dựng bãi rác tại các địa bàn khác theo thứ tự là Biển Động, Phượng Sơn, Tân Hoa.

Được biết, để duy trì hoạt động của lò đốt, hiện đơn vị chuyên môn của huyện hướng dẫn các xã thành lập hợp tác xã vệ sinh môi trường, xây dựng quy chế vận hành, thu phí vệ sinh. Huyện trích kinh phí hỗ trợ mỗi lò rác từ 4-5 suất lương/tháng cùng chế độ đãi ngộ cho công nhân quản lý, vận hành. Các xã thuộc địa bàn triển khai đã tích cực vào cuộc.

Làm việc với Huyện ủy Lục Ngạn trong tháng 3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Hải cho rằng, Lục Ngạn có diện tích lớn nhất tỉnh, đất đai rộng rãi song trong thời gian dài không có lò đốt và bãi tập kết rác thì thật đáng ngại. Đồng chí chỉ rõ, để xảy ra tình trạng này là do cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện thiếu kiên quyết. Bởi vậy, huyện cần tính toán thật kỹ với phương châm, rác của huyện phải xử lý tại huyện, không thể nhờ nơi khác và cũng không ai lo thay được. Trong quá trình triển khai phải kiên trì, kiên quyết; lựa chọn thiết bị đủ tiêu chuẩn; tuyên truyền cho người dân hiểu công tác xử lý rác thải chính là lo cho người dân, vì người dân; xử lý nghiêm trường hợp quá khích, chống đối; đồng thời phải lường trước tất cả các khó khăn, tình huống có thể xảy ra để có biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

Nguồn baobacgiang.com.vn