Phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao: Tạo đột phá từ khâu giống

Lượt xem: 209

Bài 1: Tiềm năng vượt trội

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, nguồn nước, đất đai màu mỡ, Việt Nam còn có “tập đoàn” các loại cây ăn trái bản địa có chất lượng, người dân có nhiều kinh nghiệm trồng trọt; thị trường tiêu thụ rộng lớn. Điều đáng nói là những ưu thế, tiềm năng này chưa được khai thác hiệu quả.

Bộ giống phong phú

Hiện chưa có con số thống kê chính thức về các loại giống cây ăn quả bản địa của Việt Nam, nhưng có thể khẳng định, nhiều loại trái cây ôn đới, nhiệt đới và á nhiệt đới đều có mặt trên các vùng miền của nước ta.

Hiện Trung tâm Nghiên cứu cây ôn đới Sa Pa (Sa Pa – Lào Cai) đang lưu giữ nhiều giống cây ăn quả ôn đới như đào, lê, mơ, mận, dẻ… Viện Rau hoa quả – Dâu tằm Trung ương (Trâu Quỳ – Gia Lâm – Hà Nội) lưu giữ hàng trăm cây ăn quả bản địa đầu dòng nhiệt đới và á nhiệt đới như chuối, đu đủ, nhãn, cam, quýt, vải, hồng xiêm, mít… Viện này cũng đang chuẩn bị giới thiệu thêm các giống mới như cam không hạt. Hay Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Long Định – Châu Thành – Tiền Giang) còn có nhiều vườn cây ăn quả đầu dòng đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã làm dài thêm danh sách các giống cây ăn quả bản địa đặc thù chỉ riêng Việt Nam mới có như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, thanh long, mãng cầu…

Đó là chưa kể hàng trăm cơ sở khác cũng đang nghiên cứu và cho ra đời các loại giống cây ăn quả tốt. Nhiều nông dân cũng phát hiện, lưu giữ được những giống cây đặc sản quý như cụ Mười Tước ở huyện Bình Minh (Vĩnh Long) với bưởi Năm Roi, ông Ba Rô ở huyện Mỏ Cày (Bến Tre) với bưởi da xanh, ông Chín Hóa ở Chợ Lách (Bến Tre) với giống sầu riêng hạt lép…

Theo thống kê, tại miệt vườn Nam Bộ, các giống cây ăn quả bản địa đang chiếm ưu thế cả về diện tích cũng như chất lượng. Hiện diện tích trồng giống cây ăn quả bản địa tại nhiều địa phương chiếm tới 70 – 80%, có nơi nhiều hơn, chủ yếu là sầu riêng, măng cụt, sapôchê (hồng xiêm), chôm chôm, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, nhãn lồng, vú sữa…

Từ Bắc vào Nam, miền nào cũng có giống trái cây đặc sản nổi tiếng gắn liền với từng địa danh như cam sành Hà Giang, bưởi Đoan Hùng (Phú Thọ), cam Bố Hạ, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), bưởi Diễn (Hà Nội), nhãn lồng Hưng Yên, chuối Ngự (Huế), chôm chôm Đồng Nai, dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), xoài cát Chu (Vĩnh Long)…

Cùng với hệ thống giống cây ăn trái bản địa phong phú, chất lượng, người làm vườn còn có nhiều kinh nghiệm trồng trọt, chiết ghép các giống cây ăn quả để cho ra những sản phẩm thơm ngon, màu sắc hấp dẫn, sử dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến để cho ra trái nghịch mùa, nhằm thu hoạch rải vụ. Nhiều nhà vườn còn chú trọng áp dụng quy trình sản xuất an toàn để sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn VietGAP, EurepGAP, GlobalGAP. Nhờ đó, trái cây Việt Nam đã được nâng cao giá trị, xuất khẩu đi nhiều nước.

Hàng năm, Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với các cơ quan, ban ngành chức năng và các cơ sở Hội trên cả nước tổ chức hàng ngàn lớp tập huấn kỹ thuật trồng, cải tạo, chiết ghép cây ăn quả cho người làm vườn, các chủ trang trại. Do vậy, trình độ của người làm vườn được nâng lên rõ rệt, có thể đáp ứng được yêu cầu của hội nhập. Trong đó, nhiều nông dân đã không ngừng tìm tòi, phấn đấu và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của riêng mình như ông Nguyễn Văn Mọi ở xã Phước Thuận (Ninh Phước – Ninh Thuận) xây dựng thành công thương hiệu nho Ba Mọi; anh Nguyễn Văn Thành ở thôn Đại Tảo, Đại Thành (Quốc Oai – Hà Nội) với thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành… Nhiều nông dân đã biết cách tổ chức sản xuất thành các vùng chuyên canh thông qua mô hình hợp tác xã kiểu mới nhằm nâng cao sức cạnh tranh. Điển hình như HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) đã tổ chức và xây dựng vườn trồng vú sữa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đưa trái vú sữa của Việt Nam vươn ra khắp thế giới.

Về sự đa dạng của trái cây Việt, nhiều chuyên gia cây ăn trái nước ngoài khi đến Việt Nam đã phải ồ lên thán phục. Một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Lợi thế lớn của chúng tôi khi tham gia xuất khẩu trái cây là không lo bị đụng hàng với trái cây nước ngoài, kể cả với Thái Lan – vương quốc trái cây hay Đài Loan – lãnh thổ có những loại trái cây độc đáo. Về chất lượng cũng như mẫu mã, nhiều loại trái cây của Việt Nam vẫn có ưu thế”. TS. Nguyễn Minh Châu khẳng định, chỉ đơn cử như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng Chín Hóa, sầu riêng Ri -6 chúng ta đã “ăn đứt” sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Những điểm yếu

Dù chất lượng ngon, có nhiều lợi thế nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn không thể đẩy mạnh xuất khẩu trái cây do diện tích trồng tập trung còn ít, sản lượng không đảm bảo tiêu thụ quanh năm. Mặc dù năng suất trái cây liên tục tăng nhưng so với thế giới thì còn kém xa: năng suất cam, bưởi của ta mới bằng 50 – 60% của Thái Lan, Ấn Độ; năng suất dứa bằng 56% so với Thái Lan, 66% so với Trung Quốc và 35% so với Philippines…

Các chủng loại trái cây tham gia thị trường xuất khẩu còn khiêm tốn. Lý giải việc vì sao trái cây Việt Nam ngon nhưng lại thua thiệt trên thị trường so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan, Malaysia, GS.TS Nguyễn Văn Luật, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Nam Bộ nhìn nhận: “Cho đến nay chưa thấy giống cây ăn quả nhập nội vượt trội giống bản địa. Tuy nhiên, ta thua họ ở những chuyện rất nhỏ như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm kém, không đáp ứng đủ số lượng lớn, độ đồng đều chưa cao, cách giao hàng không chuyên nghiệp”. Những điểm yếu vặt vãnh này nhiều khi đã “giết” chết những lợi thế mà chỉ riêng trái cây Việt Nam mới có.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống chậm chạp, quy hoạch các vùng cây ăn trái bản địa chưa có tầm nhìn vĩ mô. Thực tế là nhiều giống trái cây bản địa của nước ta có thể sản xuất hàng hóa, song vẫn còn nhiều điểm yếu cần sớm khắc phục. Ví dụ, nhãn tiêu da bò rất ngọt nhưng hạt to, trái bé, mẫn cảm với bệnh chổi rồng; các loại cam sành, quýt đường chi chít hạt; xoài cát Hòa Lộc vỏ mỏng, hay mắc bệnh thán thư… Đó là chưa kể đến tình trạng các loại giống thoái hóa, kém chất lượng, giống rởm bày bán tràn lan khiến nhiều nhà vườn khóc dở mếu dở…

GS.VS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam:

Yếu tố giống quyết định 50 – 70% năng suất và chất lượng sản phẩm

Trong lĩnh vực sản xuất trái cây, yếu tố giống giữ vai trò tiên quyết, chiếm đến 50-70% năng suất, chất lượng nông sản. Tuy nhiên, ngành sản xuất trái cây ở nước ta chưa thực sự coi trọng yếu tố này. Đơn cử là việc nghiên cứu, chọn tạo và nâng cao chất lượng giống của chúng ta còn khá khiêm tốn so với khu vực và thế giới.

Trong gần 30 năm (từ 1977 – 2004), Việt Nam mới có 144 giống và cây đầu dòng được chọn tạo, trong đó có 35 giống rau, 22 giống cà chua, 9 giống hoa, 6 giống nhãn, 4 giống vải, 7 giống cam, 5 giống xoài, 3 giống chôm chôm, 8 giống dưa hấu và 12 giống khác như sầu riêng, măng cụt, khế, mận, táo, ổi, dứa…

Nước ta hiện đang tồn tại 2 hệ thống sản xuất giống: giống chính thống được sản xuất và cung ứng bởi các doanh nghiệp, viện, trường, trung tâm nghiên cứu chọn tạo giống; giống không chính thống, chủ yếu được sản xuất bởi nông dân.

Việc sử dụng giống tự sản xuất đang chiếm tới 70-80% tại các nhà vườn. Điều này có lợi thế là giá thành sẽ thấp, chủ động về khối lượng giống, thích nghi với điều kiện địa phương song chất lượng chắc chắn không thể bằng giống từ các cơ sở sản xuất chính thống, bởi bà con không có đủ điều kiện về con người và cơ sở vật chất. Đáng nói là hầu hết các hộ nông dân đều thiếu kiến thức về sản xuất giống và không nắm được quy phạm cũng như quy trình kỹ thuật sản xuất các cấp hạt giống.

Minh Huệ (theo KTNT)

.