Xuất khẩu nông sản 2012: “Chia nhỏ để vượt khó”

Lượt xem: 155

Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Bình, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn càphê Chánh Tinh Anh Việt Nam (CTA) và cũng là một chuyên gia lâu năm trong ngành xuất khẩu nông sản tại Hội nghị bàn về giải pháp cho chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2012 tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 29/12.

Theo lý giải của ông Bình, trong năm 2012 nền kinh tế thế giới vẫn chưa mấy sáng sủa, tại Việt Nam những biện pháp nghiêm ngặt ngăn ngừa lạm phát, thắt chặt đầu tư công có thể tiếp tục gây khó khăn cho một số ngành nông sản, đặc biệt với các ngành nhiều rủi ro như càphê, hạt tiêu, hạt điều. Chính lúc này, các công ty xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nên co lại, chỉ làm những gì trong tầm kiểm soát và quản lý của mình. Theo ông Bình, trong 2012 việc thanh khoản của thị trường do các quỹ đầu cơ tài chính quay lại sẽ vẫn còn cơ hội, tuy nhiên các quỹ này sẽ lựa chọn thời điểm. Vì vậy phải tìm cho được điểm rơi của thanh khoản để nhảy vào. Năm tới người sản xuất nông sản cũng cần cân nhắc kỹ, nếu thấy có lãi rồi thì nên bán ngay với giá hợp lý, bởi nhiều người mơ giá cao mà không để ý tới tình hình kinh tế chung. Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị trên, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam đánh giá, chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt được giá trị như mong muốn, chưa tương xứng với các thị trường trong cùng khu vực. Riêng với ngành cao su, do chất lượng sản phẩm chỉ được đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế với một số doanh nghiệp lớn, có điều kiện đầu tư công nghệ để cải thiện chất lượng, còn với các doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân thì còn khó khăn. Do vậy chất lượng cao su Việt Nam tuy có cao nhưng chưa đồng đều, người mua nắm bắt được tình hình và thường mua giá thấp, làm giảm sức cạnh tranh cho mặt hàng này trên thị trường thế giới. Vì vậy, để nâng cao chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản, cần củng cố thương hiệu cao su Việt Nam bằng việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng đồng đều. Riêng đối với hộ cao su tiểu điền, ngành cao su đã liên kết với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp để giúp nông dân nâng cao chất lượng từ kỹ thuật trồng, khai thác và thu mua… Năm 2011 là năm thành công rực rỡ của nông sản Việt Nam, từ cao su, tiêu, điều, càphê… đều được mùa, được giá. Đây cũng là năm đầu cơ tài chính thế giới cực mạnh nên thanh khoản trên các thị trường lớn, tạo điều kiện cho giá các mặt hàng nông sản bung lên. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu ngành điều với 1,3 tỷ USD, tăng 150 triệu USD so với năm 2010; xuất khẩu cao su ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với năm 2010; hồ tiêu xuất khẩu 120.000 tấn, đạt giá trị 720 triệu USD, chỉ tăng 8% về khối lượng, nhưng tăng 86% về giá trị. Riêng ngành gạo, dự báo xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, đạt giá trị khoảng 3,7 tỷ USD, tăng gần 800 triệu USD so với năm 2010./.

HNDVN