Tiêm vacxin “cuốn chiếu” chưa thể đẩy lùi dịch “tai xanh”

Lượt xem: 90

Nguyên nhân nào khiến dịch tai xanh cứ “đến hẹn lại lên”, thưa ông?

Sở dĩ dịch thường đến “đúng hẹn” vào tháng 4 do sự trung chuyển đàn lợn sau Tết rất lớn cộng với thời tiết chuyển mùa rất dễ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Mặt khác đàn lợn giống khi đưa về chuồng nuôi có sức đề kháng thấp. Người nuôi thường tiêm phòng vacxin “cuốn chiếu” theo chiến dịch, tiêm không đầy đủ. Đàn lợn chưa đủ độ tuổi tiêm phòng (chưa được tiêm trong chiến dịch) nên trong thời gian nuôi đã phát dịch, có con yếu tố miễn dịch đã hết nhưng lại không tiêm… Tất nhiên ngoài sự lây lan vốn có của virus qua tiếp xúc trực tiếp, qua không khí, yếu tố con người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc lây lan này.

PGS-TS Tô Long Thành

PGĐ Trung tâm chẩn đoán thú y TƯ (Cục Thú y)

Biện pháp chống dịch hiện nay dường như chưa hiệu quả, do đâu?

Đúng vậy, ở một số địa phương, việc phòng chống tỏ ra rất tích cực nhưng virus vẫn lây lan. Nguyên nhân có nhiều song chủ yếu là do khâu kiểm soát vận chuyển lợn. Chúng ta chưa thể bảo đảm 100% số lợn từ vùng có dịch không bị tẩu tán ra ngoài và lọt qua vùng chưa có dịch. Vì vậy Bộ NN-PTNT đã có Công điện khẩn cấm vận chuyển lợn ra vào vùng dịch trong thời gian có dịch.

Theo tôi để phòng dịch tai xanh nói riêng và các loại bệnh khác trên gia súc, gia cầm nói chung nhất thiết phải tiêm phòng ngay khi vật nuôi đủ tuổi tiêm, bất kể thời gian nào. Ở ta thường tiêm phòng đại trà theo phong trào 1 năm 2 lần nhưng làm thế là sai về mặt kỹ thuật. Thống kê cho thấy nhiều địa phương tiêm phòng tai xanh không đầy đủ, có nơi chỉ đạt tỷ lệ 20 – 30%. Vì vacxin tai xanh không được bao cấp như vacxin cúm gia cầm nên việc tiêm phòng rất hạn chế.

Có ý kiến cho rằng hiệu lực vacxin phòng bệnh tai xanh tỷ lệ chỉ đạt khoảng 20 – 30%?

Điều này chưa thật chính xác. Bởi tỷ lệ vacxin tai xanh cũ (loại vô hoạt) mức bảo hộ tối đa (kháng bệnh) chỉ đạt 60% do vacxin chưa tốt. Nếu tiêm phòng không triệt để tỷ lệ kháng bệnh chỉ đạt 20 – 30%, còn tiêm đầy đủ vacxin loại tốt thì tỷ lệ kháng bệnh đạt tới 95 – 100%.

Trên thị trường có khá nhiều vacxin tai xanh, người chăn nuôi nên tiêm phòng loại nào, thưa ông?

Hiện tại có 4 loại vacxin ngoại đã đăng ký và được phép lưu hành ở VN, trong đó 3 loại vacxin vô hoạt (của Trung Quốc, Singapore và Tây Ban Nha) và 1 loại vacxin nhược độc của Đức. Loại vacxin nhược độc này khá tốt, tiêm vào virus bị triệt tiêu ngay, đã được khuyến cáo để người chăn nuôi sử dụng.

Việt Nam đã triển khai nghiên cứu virus hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS) hay cơ chế lây lan của virus gây bệnh tai xanh chưa?

Chúng ta chưa có một nghiên cứu cơ bản về virus PRRS, nhất là cơ chế lây lan của nó. Được biết Cục Thú y đã phối hợp một số nước xác định cấu trúc di truyền của một số chủng virus gây bệnh tai xanh phân lập trong các đợt dịch năm 2007. Các kết quả nghiên cứu phối hợp về giải mã gen và thực nghiệm tiêm truyền trên lợn cho thấy virus tai xanh gây bệnh trên lợn ở Việt Nam tương đồng rất cao với các virus gây “dịch sốt cao” trên lợn ở Trung Quốc.

Cục Thú y đã có đề xuất nghiên cứu các giải pháp phòng chống bệnh tai xanh tại Việt Nam, trong đó chúng tôi hy vọng sẽ đáp ứng tất cả những câu hỏi hiện đang đặt ra trong thực tiễn chỉ đạo phòng chống dịch. Hy vọng đề tài này sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Hiện trong nước đã xuất hiện một số ca mắc bệnh liên cầu khuẩn (LCK) từ lợn sang người gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh này có phải do dịch tai xanh gây ra?

LCK là loại một loại vi khuẩn khu trú ở lợn, nếu lợn nhiễm tai xanh thì LCK trở nên cường độc. Loại cường độc này trỗi dậy, sinh sôi nảy nở cùng các loại vi khuẩn khác rất nguy hiểm. Nếu người ăn phải sẽ bị nhiễm LCK gây sốt cao, toàn thân phát ban, khó thở, đau đầu, biến chứng viêm màng não. Thực ra LCK là loại bệnh xuất hiện ở lợn chứ không phải lợn mắc bệnh tai xanh gây ra LCK như nhiều người hiểu lầm. Virus tai xanh không gây bệnh cho người, tuy nhiên chúng tôi khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thịt lợn bệnh.

Theo ông, việc khống chế dịch, nhất là tiêu hủy lợn có phải là giải pháp tối ưu?

Ðể chống dịch triệt để thì phải tiêu diệt mầm bệnh. Nếu phát hiện lợn mắc bệnh sớm, tức là quy mô dịch lúc đó còn nhỏ, để khống chế thì tiêu hủy cả đàn; trong đó có con bị dịch. Nếu phát hiện chính xác và làm triệt để thì chắc chắn virus khó có thể lây lan.

Tuy nhiên cũng có một giải pháp khác được đưa ra là, ngay từ khi phát hiện dịch, nhằm làm giảm bớt thiệt hại như những con ốm nhẹ thì giữ lại để điều trị, tổ chức bao vây, cấm vận chuyển và giết thịt sau đó hoặc giết mổ chế biến thay vì tiêu hủy với số lượng lớn. Biện pháp này có thể giảm thiệt hại cho người chăn nuôi song tính khả thi không cao. Nếu không quản lý được, virus vẫn có thể lây lan ra những vùng chưa có dịch, việc giảm thiệt hại kinh tế sẽ đi cùng với dịch bệnh dai dẳng kéo dài…

Xin cảm ơn ông!

Trường Giang Theo NNVN