Kỹ thuật thâm canh lúa gieo thẳng

Lượt xem: 122

1. Chọn ruộng Ruộng thâm canh lúa gieo thẳng cần là chân vàn đến vàn cao, chủ động tưới tiêu, là chân đất 3 vụ. Đất của ruộng gieo thẳng cần làm kỹ hơn, tăng lần bừa cho bằng phẳng. 2. Bón phân lót (tính cho 1 sào Bắc Bộ)Bón 400-500kg phân chuồng, 20-22kg supe lân hoặc lân nung chảy. Hai loại phân này bón lót sâu, được bừa vùi sâu vào đất. Trước lần bừa cuối cùng bón lót: 2 kg urê và 2 kg kali clorua. Để cho lắng bùn, sau đó chia luống theo chiều dốc của ruộng, luống rộng 2m. Rãnh luống không cần sâu, chỉ cần đủ để rút hết nước trong ruộng. 3. Lựa chọn giống lúa cho gieo thẳng Giống lúa dùng cho gieo thẳng thường là loại hình thấp cây (80-90cm) để lúa không bị đổ, vì lúa gieo thẳng không có đốt được vùi sâu vào đất như lúa cấy. Các giống thích hợp cho gieo thẳng có các đặc điểm: Khả năng đẻ nhánh trung bình, thân chụm, gọn; bộ lá cứng, thẳng đứng; cây cứng, mập, khỏe; thời gian sinh trưởng từ ngắn đến trung bình (85-105 ngày). 4. Xử lý hạt giống, ngâm ủ Hạt giống phải xử lý loại bỏ lép, lửng bằng nước muối 1,13, sau khi đãi sạch nước muối đổ nước sạch ngâm đủ 72 giờ, cứ 24 giờ thay nước 1 lần, lần sau cùng đãi thật sạch, ủ cho hạt nứt nanh (gai dứa), mang gieo ngay.

5. Gieo Ruộng lúa đã bón phân lót, chia luống, rút hết nước đem thóc giống đã ủ để gieo ngay. Chú ý tránh trời mưa sau khi gieo. Lượng giống: Với giống hạt nhỏ (1.000 hạt dưới 22 gam) cần gieo 2kg thóc mầm cho 1 sào hay 55kg mầm cho 1 ha. Với giống hạt to (1.000 hạt trên 25 gam) cần gieo 2,5 kg mầm cho 1 sào hay 69kg mầm cho 1 ha. Kiểm tra số cây mọc khi có 2 lá thật cần đạt 140 – 150 cây/m2. Nếu số lượng vượt quá con số trên cần tỉa bỏ các cây nhỏ và ở những chỗ gieo dày để giữ lại 150 cây/m2 là vừa. Chú ý gieo úp tay cho hạt lặn sâu vào đất và gieo thật đều. 6. Chăm sóc – Không để nước đọng. – 1-2 ngày sau khi gieo cần phun thuốc trừ cỏ Sofit với lượng 35 ml + 10 lít nước cho 1 sào lúa hay 1 lít thuốc pha vào 300 lít nước phun đều cho 1ha. Chú ý phun đều cả phần rãnh luống không bỏ sót. – Bón thúc: Lúa có 2 lá thúc: 3kg đạm urê và 3kg kali clorua 1 sào hay 80kg urê và 80 kg kali clorua cho 1ha. Lúa có 6 lá: thúc lần 2 bằng 3kg đạm và 3kg kali cho 1 sào (80 kg urê và 80kg kali clorua cho 1ha). Lúa phân hoá đòng: Thúc tiếp 2kg đạm và 2kg kali cho 1 sào (55kg urê và 55 kg kali cho 1ha). Lúa trổ báo: Bón nuôi hạt lần cuối bằng 2kg đạm và 4 kg kali cho 1 sào (55 kg urê và 110 kg kali clorua cho 1ha). – Tưới nước: Lúa có 3 lá: Tưới nước cho láng mặt luống. Lúa có 5 lá: Tưới nước ngập hết luống (lớp nước khoảng 3-4cm). Lúa phân hóa đòng: Rút hết nước trong ruộng để cạn 2-3 ngày, khi thấy giun đùn mùn đều hoặc ruộng lúa se bùn thì tưới nước trở lại ở mức 7-10 cm. Lúa có đòng già: Rút nước lần 2 song chỉ để cạn 1-2 ngày rồi tưới lại ngay. Lúa chín sáp: Rút hết nước trong ruộng.

HNDVN