Bảo hiểm nông nghiệp: Hy vọng của nông dân

Lượt xem: 79

4 điều kiện được hỗ trợ:

Tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: 1- Có đối tượng được bảo hiểm theo quy định; 2- Có quyền lợi được bảo hiểm; 3- Tham gia thí điểm BHNN và đóng phí bảo hiểm thuộc phần trách nhiệm của mình; 4- Thực hiện sản xuất, canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, phòng dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNN.

Quyết định cũng nêu rõ, mỗi tỉnh, thành phố có thể triển khai thí điểm toàn bộ địa bàn hoặc trên một số huyện, xã tiêu biểu. Các rủi ro được bảo hiểm và bồi thường bảo hiểm như bão lũ, rét hại, sương giá, dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng,…

Các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm BHNN phải đáp ứng đủ 4 điều kiện sau: 1- Kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ; 2- Đáp ứng khả năng thanh toán theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm; 3- Có hệ thống công ty, chi nhánh, văn phòng giao dịch tại địa bàn triển khai thí điểm BHNN; 4 – Có đội ngũ nhân viên làm BHNN.

Việc thực hiện thí điểm BHNN sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2011 đến hết năm 2013

Đối tượng được bảo hiểm và khu vực được thực hiện thí điểm BHNN:

a) Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

b) Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.

c) Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi cá tra, ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau

Một trong những điểm nổi bật của Quyết định 315 là: Người tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hưởng lợi cao hơn người không tham gia trên cùng địa bàn. Hộ nông dân nghèo sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, nuôi trâu, bò, lợn; nuôi cá tra, ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ được hỗ trợ cao nhất, đến 100% phí bảo hiểm. Hộ nông dân cận nghèo được hỗ trợ 80%. Mức hỗ trợ 60% được áp dụng cho các hộ tham gia chương trình; các tổ chức sản xuất nông nghiệp (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã) sẽ được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm.

Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, nông dân mua bảo hiểm cho 1 con bò thông thường phải bỏ ra khoảng 320.000 đồng (5% giá trị bảo hiểm). Với quyết định mới, họ sẽ được hỗ trợ tới 90% phí mua bảo hiểm, tức là nhà nước sẽ hỗ trợ tới 288.000 đồng, nông dân chỉ phải nộp 32.000 đồng. Nếu không may bò chết vì dịch bệnh, người không mua bảo hiểm chỉ được nhận tối đa 800.000 đồng nhưng nếu đóng bảo hiểm, họ sẽ được nhận bồi thường lên tới 7,2 triệu đồng, tức là gấp hơn 200 lần.

Theo Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỷ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 1% tổng diện tích cây trồng, 0,24% số trâu – bò, 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm.

BHNN cho nông dân ra đời từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX khi Tập đoàn Bảo Việt thí điểm bảo hiểm trên cây lúa tại tỉnh Nam Định. Năm 1998, mở rộng ra 26 tỉnh, thành khác. Song đến năm 1999, Bảo Việt buộc phải bỏ cuộc vì thu phí chỉ được 13 tỉ đồng còn bồi thường lên tới 14,4 tỉ đồng.

Theo HND