Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao

Lượt xem: 74

Chưa có vaccine hữu hiệu đối với virus H5N1 biến thể

Cục Thú y đã bảo vệ quan điểm tạm ngừng tiêm vaccine cúm gia cầm từ giữa năm 2011. Theo giám sát sau tiêm phòng của Cục Thú y, virus H5N1 đã xuất hiện nhánh mới 2.3.2 và hiện nay đã lưu hành ở hầu khắp các tỉnh miền bắc, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên thay thế cho nhánh 2.3.4. Riêng nhánh virus cũ (nhánh 1) vẫn lưu hành ở các tỉnh phía nam.

Ảnh minh họa nguồn Internet

Nhánh virus mới 2.3.2 lại biến đổi, chia thành hai nhánh phụ A và B có sự khác biệt lớn về kháng nguyên. Theo Cục Thú y, độc lực của virus H5N1 2.3.2 rất độc với gà và ít độc hơn với thủy cầm.

Theo đánh giá của Cục Thú y, tỉ lệ bảo hộ của vaccine H5N1 Re-5 đối với nhánh phụ 2.3.2-A trong phòng thí nghiệm khoảng 70%, còn virus 2.3.2-B gần như không có kết quả. Vì vậy, chiến lược tiêm phòng vaccine cúm gia cầm đã có sự thay đổi: Ngừng tiêm ở khu vực các tỉnh có chủng virus mới và chỉ tiêm phòng ở các tỉnh phía nam có virus H5N1 nhánh 1 lưu hành.

Ông Hoàng Văn Năm – Cục trưởng Cục Thú y cho rằng: “Không thể tiêm phòng vaccine cúm gia cầm mãi mãi được mà phải đề phòng với một số chủng khác. Vì chúng tôi đã phát hiện ra những mẫu H5N1 có độc lực biến đổi có khả năng là do một chủng khác gây nên”. Ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng thống nhất không quay lại tiêm vaccine đại trà: “Có thể chúng ta không quay trở lại chiến lược tiêm đại trà, nhưng ở những nơi và đối tượng cần thiết thì vẫn có thể sử dụng”.

Do đó, Bộ NNPTNT nhận định nguy cơ bùng phát dịch ở các tỉnh phía bắc là rất cao do chưa có được vaccine phù hợp với chủng virus biến đổi. Hiện Bộ NNPTNT đã đề nghị Chính phủ cho nhập 50 triệu liều vaccine H5N1 chủng Re-5. Tuy nhiên, hiện chưa có bản đồ dịch tễ để xác định chủng virus cho từng vùng, từng địa phương để sử dụng vaccine cho hiệu quả. Được biết, Cục Thú y đã gửi mẫu sang Hàn Quốc để phân tích độc lực của virus nhưng dự kiến tuần sau mới có kết quả.

Vẫn chủ quan

Trong cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng vẫn còn tình trạng chủ quan, lơ là thậm chí là giấu dịch ở một số địa phương. Đây cũng là một nguy cơ cản trở việc khoanh vùng, dập dịch.

Như tỉnh Thái Nguyên, đến ngày 17.2 đã qua 20 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Nhưng ngay sau đó, mẫu bệnh phẩm ở xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình đã cho kết quả dương tính với virus H5N1. Điều đáng nói là TX.Sông Công – địa bàn tiếp giáp với huyện Phú Bình đã có dịch bệnh, UBND tỉnh đã có thông báo để các địa phương, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh vùng dịch có phương án phòng, chống. Nhưng thực tế các địa phương vẫn còn tâm lý xem nhẹ, chủ quan và không thực hiện đầy đủ các phương pháp phòng ngừa do đó đã tiếp tục để dịch bệnh tiếp tục phát sinh.

Như ở gia đình ông Bùi Thế Bảy, xóm Nam Hương 2, xã Thanh Ninh, huyện Phú Bình – nơi phát sinh ổ dịch mới sau khi cơ quan chức năng đến tiêu hủy đàn gia cầm gia đình mới thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc khu vực chuồng trại.

Ở hầu hết các hộ chăn nuôi của xã Thanh Ninh cũng chưa thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Nguyên nhân ở đây là do chính quyền sở tại chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt để tuyên truyền hướng dẫn đôn đốc người dân.

Ngoài ra, cũng cần nói đến trách nhiệm của cơ quan thú y khi chưa chủ động tham mưu tiêm phòng sớm cho đàn gia cầm ở các địa phương lân cận vùng dịch uy hiếp. Địa phương thường lấy lý do thiếu vaccine mà chưa chủ động đề xuất đẩy sớm việc tiêm phòng mà trông chờ vào sự chỉ đạo của cơ quan thú y cấp trên.

Theo LĐ