QUỸ HỖ TRỢ NÔNG DÂN GIÚP XÂY DỰNG VÀ NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Lượt xem: 89

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang được triển khai và đi vào hoạt động từ năm 1996, đến nay nguồn quỹ đạt 25 tỷ 615 triệu đồng. Trong đó, nguồn Quỹ Hỗ trợ Trung ương uỷ thác 9 tỷ 985 triệu đồng, nguồn ngân sách tỉnh 5 tỷ đồng, nguồn của huyện, thành hội vận động 10 tỷ 530 triệu. Hiện nay, nguồn quỹ trên đã giải ngân đạt 100% kế hoạch. Trong đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng 10 dự án về mô hình nuôi cá thâm canh với 3,8 tỷ đồng cho 146 hộ tham gia; 10 dự án về mô hình chăn nuôi bò và lợn nái sinh sản với 3,415 tỷ đồng cho 106 hộ; 09 dự án về mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp với 4 tỷ 250 triệu đồng hỗ trợ cho 166 hộ; 01 dự án về mô hình sản xuất nấm hàng hoá và trồng hoa với 600 triệu đồng cho 17 hộ tham gia …. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân do các huyện, thành hội vận động (10 tỷ 530 triệu đồng) giải ngân cho 1.373 hộ nông dân vay đầu tư phát triển sản xuất.

Có thể nói, với mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ và tối đa 50 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã thực sự có ý nghĩa đối với các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt quy mô hộ gia đình. Từ nguồn quỹ này đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có của từng vùng mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các mô hình kinh tế cho hiệu quả cao điển hình như: Mô hình chăm sóc cải tạo vườn chè theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Xuân Lương, xã Đồng Tâm (Yên Thế); Mô hình trồng, chăm sóc cây cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Tân Quang, xã Tân Mộc, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn); Mô hình nuôi cá thâm canh tại xã Tân Tiến, phường Đa Mai (TP Bắc Giang), xã Đồng Phúc, xã Lão Hộ (Yên Dũng); Mô hình trồng, chăm sóc cây Na dai theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Huyền Sơn, xã Đông Phú (Lục Nam); Mô hình nuôi bò sinh sản, bảo vệ môi trường tại các xã Hoàng Thanh, xã Mai Trung (Hiệp Hoà); Mô hình nuôi lợn nái sinh sản, bảo vệ môi trường tại các xã Đại Hoá (Tân Yên), xã Yên Mỹ (Lạng Giang), xã Bắc Lý (Hiệp Hoà), Mô hình sản xuất Nấm hàng hoá tại xã Nghĩa Hưng, xã Mỹ Hà (Lạng Giang)….

Bên cạnh hỗ trợ vốn, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan tổ chức hàng nghìn lớp chuyển giao KHKT, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất cho hàng trăm nghìn lượt người tham dự mỗi năm, cung ứng hàng chục nghìn tấn phân bón trả chậm; duy trì hơn 2 nghìn tổ vay vốn Ngân hàng nông nghiệp và NHCSXH; phát huy hiệu quả 68 nhóm hộ liên kết thực hiện dự án Quỹ hỗ trợ nông dân, 32 chi hội nghề nghiệp và hàng nghìn tổ sản xuất và dịch vụ; phối hợp tổ chức các buổi thăm quan, hội thảo để nhân rộng các mô hình có hiệu quả…

Từ các mô hình trên, nhiều hộ nông dân đã nâng cao được chất lượng cuộc sống, xoá đói, giảm nghèo, nhiều hộ trở thành khá, giàu như: Hộ ông Ninh Quảng Trung, Ông Hoàng Văn Tùng, Bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) cho thu nhập bình quân 65 triệu đồng/năm; Hộ ông Nguyễn Văn Phùng, Ông Nguyễn Văn Quy, thôn Văn Phúc, xã Đồng Cốc (Lục Ngạn) cho thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/năm; Hộ ông Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Thi, thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (Yên Dũng); Hộ chi Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Chanh, thôn Chè, xã Đại Hoá (Tân Yên) cho thu nhập bình quân đạt 70 triệu đồng/năm….

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Tuy số vốn còn ít so với nhu cầu vay nhưng nguồn vốn có ý nghĩa quan trọng đối với tổ chức Hội và hội viên, nhất là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thiếu vốn sản xuất. Quỹ Hỗ trợ nông dân đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nông thôn. Nếu nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp tục phát triển, nhiều mô hình mới tiếp tục được đầu tư, nhân rộng, ngày càng có nhiều nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo, xây dựng thành công các mô hình kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh./.

Nguyễn Văn Nhật

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang