Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng

Lượt xem: 106
Với lợi thế diện tích đất đồi rất thích hợp cho cây dứa Queen phát triển, chất lượng quả ngon nên dứa Bảo Sơn (Lục Nam) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Với lợi thế diện tích đất đồi rất thích hợp cho cây dứa Queen phát triển, chất lượng quả ngon nên dứa Bảo Sơn (Lục Nam) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Xin ông đánh giá khái quát về các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Bắc Giang là tỉnh có lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với đa dạng các sản phẩm. Ngày 31-8-2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1517/QĐ-UBND về việc Phê duyệt danh mục các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng, tiềm năng gồm: Nhóm 8 sản phẩm chủ lực là các loại nông sản có số lượng lớn, tiềm năng về thị trường, tỷ lệ dân tham gia nhiều, tận dụng tốt điều kiện tự nhiên, thân thiện với môi trường, tạo giá trị gia tăng cao, đã được cấp giấy chứng nhận về sở hữu công nghiệp dưới hình thức: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.­­­­

Nhóm 14 sản phẩm đặc trưng bao gồm các nông sản đã có thương hiệu, thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế khá, mang đặc trưng riêng từng vùng, địa phương như: Chè Yên Thế, na Lục Nam, bưởi, rau cần Hoàng Lương, nấm Lạng Giang, gạo thơm Yên Dũng, gạo nếp cái hoa vàng Thái Sơn, bánh đa Kế…

Nhóm 30 sản phẩm tiềm năng là những sản phẩm nông nghiệp, TTCN có quy mô, sản lượng chưa tương xứng với tiềm năng nhưng có khả năng phát triển thành sản phẩm chủ lực hoặc sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Được biết, yếu tố KH-CN đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, TTCN là rất quan trọng. Vậy ngành KH-CN tỉnh đã triển khai công tác này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Mấy năm gần đây, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã quan tâm phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh đưa KH-CN vào việc xây dựng, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, TTCN chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh. Theo đó, tích cực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như phối hợp với huyện Lục Ngạn, Tân Yên triển khai dự án sản xuất vải thiều dùng hệ thống tưới tiết kiệm nước của Israel, cũng như đưa công nghệ của Israel vào bảo quản vải thiều; nghiên cứu thực trạng và biện pháp kỹ thuật tổng hợp duy trì, nâng cao độ phì nhiêu của đất góp phần tăng năng suất và ổn định chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang; phối hợp cùng huyện Yên Thế, Sơn Động triển khai các đề tài, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển một số sản phẩm như chè, gà đồi Yên Thế, cam V2; phối hợp với huyện Lạng Giang thực hiện dự án nhân rộng mô hình trồng lúa Japonica, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây cam…

Trong lĩnh vực TTCN, chúng tôi quan tâm chuyển giao tiến bộ KH-CN vào sản xuất, nhất là tại các làng nghề mỳ Thủ Dương (Lục Ngạn), mộc Bãi Ổi, bún Đa Mai, mỳ Kế (TP Bắc Giang), rượu Làng Vân, bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên)… Kết quả, toàn tỉnh đã có 1.349 đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, trong đó 683 đơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng. Đặc biệt, hơn 45 sản phẩm nông nghiệp, TTCN được bảo hộ dưới các hình thức: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Bên cạnh đó, đã có 10 sản phẩm không có trong kế hoạch nhưng đã được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể như: Mật ong rừng Sơn Động; hạt dẻ Lục Nam; bún, bánh Đa Mai; rau an toàn Đa Mai; mộc Bãi Ổi; mỳ gạo Châu Sơn; lợn sạch Tân Yên… Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm được bảo hộ, trong đó có một số sản phẩm được bảo hộ ở nước ngoài, như vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, mỳ Kế, gà đồi Yên Thế.

Chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Danh Lam.

Chè xanh bản Ven, xã Xuân Lương (Yên Thế) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Ảnh: Danh Lam.

Theo ông, khó khăn lớn nhất khi xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh là gì?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Còn hiện tượng nông sản ghi xuất xứ hàng hóa không rõ hoặc ghi tương tự gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, làm tổn hại đến danh tiếng, uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

Việc tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa còn chậm, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa (trừ vùng sản xuất vải thiều) cũng là trở ngại lớn khi xây dựng thương hiệu và bảo hộ sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Vai trò của tổ chức tập thể trong kiểm soát, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đã được bảo hộ trong nhiều trường hợp chưa phát huy hiệu quả.

Để phát huy tốt giá trị từ những sản phẩm chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh, thời gian tới, ngành KH-CN tỉnh sẽ triển khai, thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Với chức năng, nhiệm vụ của mình, chúng tôi tiếp tục quan tâm duy trì và phát triển các thương hiệu sản phẩm nông sản đã được bảo hộ, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng để đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo ra sản phẩm có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước; phối hợp với UBND các huyện, TP lựa chọn các thương hiệu nông sản của địa phương để đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện dự án phát triển thương hiệu theo Kế hoạch số 802/KH-UBND ngày 2-4-2014 của UBND tỉnh nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất, canh tác tăng năng xuất, chất lượng sản phẩm.

Ngành KH-CN phối hợp các ngành chức năng xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc sản chiến lược của địa phương, trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư.

Cuối cùng, quan tâm giúp các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi, nhằm bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp gắn với xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn baobacgiang.com.vn