Hà Nội – Bắc Giang: Hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực

Lượt xem: 94

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái giới thiệu về các sản phẩm thế mạnh của tỉnh Bắc Giang.

Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Phát huy thế mạnh địa phương

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái giới thiệu khái quát tiềm năng thế mạnh, cơ hội phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bắc Giang. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đang phát triển toàn diện theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Phát huy điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, từng bước gắn kết giữa nhà sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa của tỉnh. Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, một số sản phẩm hàng hóa đã tạo dựng được thương hiệu như: vải thiều Lục Ngạn, lúa thơm Yên Dũng, lạc giống Tân Yên, rau an toàn, rau xuất khẩu ở Tân Yên…

Trong khi đó, Hà Nội là trung tâm lớn nhất ở Bắc Bộ, có sức hút và khả năng thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển sản xuất, kinh doanh của vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi Bắc Bộ và các vùng, miền trong cả nước. Đây là thị trường tiêu thụ lớn về hàng hóa với mạng lưới phân phối lớn có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước. Thời gian qua, hai địa phương Bắc Giang – Hà Nội đã có nhiều kết nối cung – cầu sản phẩm, trao đổi giao thương, tuy nhiên vẫn cần có một kế hoạch hợp tác lâu dài và bài bản.

Chương trình hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang sẽ giúp hỗ trợ, mở rộng thị trường, đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của hai địa phương. Xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa ổn định, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Trên cơ sở đó nâng dần thị phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Bắc Giang tại thị trường Hà Nội và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Hà Nội tại Bắc Giang.

Kiểm soát chất lượng sản phẩm

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội phát biểu liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đề cập tại hội nghị là chất lượng sản phẩm nông sản.Trong bối cảnh an toàn thực phẩm đang là mối lo ngại hàng đầu đã đặt ra câu hỏi “thực phẩm sạch có thể mua ở đâu” cho cả hai địa phương. Nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng sạch, có thể truy suất được nguồn gốc ngày một lớn. Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng cần có người chịu trách nhiệm đầu mối trong từng khâu từ sản xuất cho đến khâu tiêu thụ. Các cơ quan chức năng hai địa phương cần tăng cường truyền thông, xây dựng các chương trình bình ổn giá đảm bảo lợi nhuận cho người nông dân, tránh tình trạng gian dối trong sản xuất. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bên phía Bắc Giang cũng kiến nghị Hà Nội hỗ trợ tạo điều kiện trong quá trình vận chuyển hàng nông sản của tỉnh lưu thông trên địa bàn thành phố Hà Nội vào những khung giờ thích hợp để kịp thời cung ứng, đặc biệt với các mặt hàng tươi sống.

Ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho rằng Bắc Giang cần tăng cường đầu tư, gắn tem nhãn cho các sản phẩm đã được kiểm định, đảm bảo về chất lượng sản phẩm. Đây sẽ là căn cứ để người tiêu dùng nhận biết sản phẩm an toàn. Tới đây thành phố Hà Nội sẽ thu hút và đẩy mạnh các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm này. Các siêu thị nếu không sử dụng các sản phẩm có tem nhãn bảo hộ đã được khẳng định thương hiệu sẽ không được phát triển trên thị trường Hà Nội. Tuy nhiên, ông Thăng cũng lưu ý, các thương hiệu này phải thực sự có chất lượng và duy trì được chất lượng. Các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm dịch hàng nông sản từ Bắc Giang vào thị trường Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết tỉnh Bắc Giang đang mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Liên quan vấn đề này, ông Vũ Đình Phượng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap, GlobalGap với nhiều loại sản phẩm và tới đây sẽ tiếp tục mở rộng quy mô. Đã quy hoạch các vùng sản xuất an toàn. Tập trung cao hình thành các tổ hợp tác sản xuất với các sản phẩm đặc thù, chủ lực. Với các sản phẩm đã được bảo hộ, bảo vệ và nâng cao chất lượng thương hiệu, đồng thời tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm mới.

Thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang hoàn tất việc ký kết Chương trình hợp tác. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Sau khi bàn bạc, thảo luận, thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang đã thống nhất ký kết Kế hoạch hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực của hai địa phương giai đoạn 2016-2020. Theo đó, hàng năm phối hợp xây dựng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học, VietGap, GlobalGap có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, đặc biệt trong chuỗi các siêu thị, chợ đầu mối, chợ truyền thống. Hỗ trợ tuyên truyền về sản phẩm nông sản hàng hóa của Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Trước mắt năm 2016, thực hiện Chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội” dự kiến vào tháng 06, chương trình “Ngày hội Trái cây Lục Ngạn – Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bắc Giang dự kiến vào tháng 11.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh:BGP/Trâm Anh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản khẳng định, để Kế hoạch đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Bắc Giang và thành phố Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện, có sự tiếp xúc trao đổi thường xuyên, đặc biệt giữa doanh nghiệp và nhà sản xuất. Trước mắt, Bắc Giang cần lựa chọn một số mặt hàng chủ lực để tập trung đưa sản phẩm xâm nhập vào thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, tiêu thụ hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, không đảm bảo chất lượng.

Nguồn bacgiang.gov.vn