Kết quả 2 năm các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang thực hiện Đề án số 24-ĐA/HNDTW ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp.

Lượt xem: 146

Để cụ thể hóa nội dung của đề án, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 130- KH/HNDT ngày 29/7/2016 chỉ đạo các cấp hội triển khai thực hiện; giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố và xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên gắn liền với nhiệm vụ xây dựng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội. Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân các huyện thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng đơn vị để thành lập chi hội, tổ hội nghề nghiệp phù hợp như: tổ hội nuôi ong, tổ hội chăn nuôi lợn, tổ hội nuôi trồng thủy sản, tổ hội trồng hoa, mây tre đan xuất khẩu, làm hương trầm, tổ hội trồng cây ăn quả…

Kết quả, sau 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã thành lập được 89 tổ hội nghề nghiệp với 1.123 hội viên hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề (trong đó: Tỉnh hội thành lập10 tổ hội; huyện, thành phố 28 tổ hội; cơ sở 51tổ hội)… Một số đơn vị điển hình như: huyện Việt Yên thành lập 20 tổ hội với 336 hội viên; Tân Yên 15 tổ và 1 chi hội với 239 hội viên; Lạng Giang 13 tổ hội nghề nghiệp với 186 hội viên tham gia; Yên Thế 12 tổ với 148 hội viên… Bước đầu, các tổ hội đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa các hội viên khi có chung lợi ích, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo sự cạnh tranh hàng hóa ra thị trường…

Sau khi được thành lập và đi vào hoạt động các tổ Hội nghề nghiệp đã xây dựng được quy chế hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình sản xuất của tổ hội, định kỳ hàng tháng các tổ hội tổ chức sinh hoạt với các nội dung đa dạng, phong phú như: trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ; thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây con; phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất; cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay…

Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, tổ chức tập huấn ứng dụng KHKT mới vào sản xuất, định hướng tổ hội nghề nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo chuỗi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Kết quả, đã tổ chức được 91 lớp cho 1.883 hội viên tổ hội nghề nghiệp tham gia; vận động hội viên xây dựng được 80.500.000 đồng quỹ hoạt động. Ngoài ra hội viên trong tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế trong sản xuất, chăn nuôi; tổ chức đi thăm quan học tập các mô hình điển hình… từ đó ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất.

Để tiếp tục đổi mới, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh theo hướng thiết thực, hiệu quả, làm nòng cốt cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình chi, tổ nghề nghiệp; tạo điều kiện cho các chi, tổ được vay vốn để mở rộng các mô hình sản xuất trong trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng nhóm tổ liên kết “4 nhà” theo hình hướng chuỗi giá trị, để tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thiết thực trong việc phát triển và nâng cao kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho nông dân.