Cơ cấu lại trên cơ sở tích hợp chính sách hỗ trợ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, miền núi

Lượt xem: 105
Quang cảnh buổi giám sát.

Quang cảnh buổi giám sát.

Cùng dự có các ĐBQH gồm các bà: Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Leo Thị Lịch, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh có 188 xã vùng dân tộc và miền núi, trong đó có 58 xã khu vực I, 90 xã khu vực II, 40 xã khu vực III với 407 thôn đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2012-2018, toàn tỉnh huy động và phân bổ hơn 938 tỷ đồng thực hiện CTMTQGGNBV cho vùng DTTS, MN; trong đó có hơn 913 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư, còn lại do nhân dân đóng góp (chủ yếu từ hiến đất và ngày công).

Nhờ sự quan tâm bố trí nguồn lực của Đảng, Nhà nước và các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh, diện mạo nông thôn vùng DTTS, MN có những thay đổi căn bản; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước cải thiện; không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ hộ nghèo vùng khó khăn từ 40,8% năm 2011 còn 22,3% năm 2015, bình quân giảm 4%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; giảm từ 35,1% năm 2015 còn 20,7% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Ở các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 51,6% năm 2015 xuống còn 32,16% năm 2018. Tại huyện nghèo Sơn Động, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 50,81% năm 2015 xuống còn 35,61% năm 2018. Nhận thức về mục tiêu giảm nghèo bền vững của cán bộ và nhân dân đã chuyển biến tích cực; ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trong vùng dân tộc được nâng lên.

Bà Hoàng Thị Hoa trao đổi tại buổi làm việc.

Bà Hoàng Thị Hoa trao đổi tại buổi làm việc.

Tại hội nghị, bên cạnh nhấn mạnh những kết quả đạt được, các đại biểu thảo luận, làm rõ một số tồn tại, hạn chế như: Trình độ phát triển giữa các khu vực, thành phần dân tộc không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS cao, chiếm 35,9% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh (trong khi dân số người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh); một số văn bản hướng dẫn của T.Ư triển khai đến địa phương còn chậm, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Tuy đã triển khai trong nhiều năm nhưng mức đầu tư còn thấp, nguồn vốn phân bổ chưa đủ so với định mức quy định; tiêu chí phân định xã, huyện, tỉnh là MN, vùng cao được thực hiện trong thời gian dài (từ năm 1993 đến nay) nhưng chưa có tổng kết, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tiễn, gây chồng chéo trong áp dụng chính sách. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác giảm nghèo; một bộ phận cán bộ và người dân còn tâm lý bị động, có tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, chưa nỗ lực vươn lên.

Trao đổi tại buổi làm việc, bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, việc đánh giá kết quả giảm nghèo cần được triển khai hiệu quả thông qua công tác rà soát hộ nghèo. Trong đó, ngoài xác định thu nhập bình quân nên đặc biệt quan tâm, tích hợp đầy đủ, chính xác những tiêu chí đa chiều về nhà ở, vệ sinh, thông tin, văn hóa, sức khỏe, giáo dục. Qua đó, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm dần khoảng cách giữa vùng DTTS, MN với vùng xuôi.

Đồng chí Lê Ánh Dương nêu một số kiến nghị với đoàn giám sát.

Đồng chí Lê Ánh Dương nêu một số kiến nghị với đoàn giám sát.

Trước ý kiến của một số đại biểu về hạn chế trong hỗ trợ triển khai các mô hình giảm nghèo, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đều kiến nghị tích hợp chính sách và phân công cơ quan quản lý phù hợp để lồng ghép các nguồn lực đầu tư, giúp người dân sử dụng hiệu quả đồng vốn. Quan tâm chọn đối tượng, cây, con giống phù hợp để nhân rộng; chỉ đạo ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cao.

Tại đây, đồng chí Lê Ánh Dương nhấn mạnh hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vùng DTTS, MN, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, trình độ sản xuất, đời sống bà con. Tuy nhiên, trên cơ sở những tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với đoàn giám sát để báo cáo với Quốc hội về việc cơ cấu lại trên cơ sở tích hợp chính sách; trong đó, tập trung vào 5 vấn đề chính gồm: Giao thông; đất sản xuất; tín dụng (cho vay sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động); đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo đảm nguồn nước sản xuất và sinh hoạt; giáo dục, y tế. Đồng chí nhấn mạnh, cần xóa cơ chế cho không, chuyển sang cho vay có điều kiện, có đối ứng; khắc phục hạn chế trong bố trí vốn hợp lý, tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Đồng chí Trần Văn Lâm kết luận buổi giám sát.

Đồng chí Trần Văn Lâm kết luận buổi giám sát.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Văn Lâm đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực, đầu tư cho vùng DTTS, MN. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ đặc thù cho vùng lòng hồ Cấm Sơn, tạo điều kiện để bà con có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Nâng cao chất lượng các dự án, nhất là mô hình giảm nghèo đã triển khai; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý cho đội ngũ cán bộ vùng khó khăn. Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác bình xét hộ nghèo bảo đảm chính xác, công bằng; chú trọng xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho vùng DTTS, MN. Có cơ chế thu hút để các DN đầu tư trên địa bàn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; quan tâm bảo vệ rừng; bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số.

Nguồn baobacgiang.com.vn