Nông sản Việt: Chính ngạch và chính danh góp mặt trên thị trường thế giới

Lượt xem: 101

Tổng lực tấn công “Nông sản Việt-Thương hiệu ngoại”Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước, hơn 80% hàng nông sản Việt bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc nhận định: Để tăng giá trị cho nông sản Việt, và tạo chỗ đứng trên thị trường thế giới, việc xây dựng thương hiệu-chỉ dẫn địa lý ngày càng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng. Cục Sở hữu trí tuệ đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tìm cách đăng ký sở hữu trí tuệ ở một số thị trường cho một số sản phẩm quan trọng.

Thực tế, Chính phủ và các bộ-ngành đang có những bước đi cụ thể trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt nói chung và nông sản nói riêng, với tổng lực gồm các chương trình phát triển thương hiệu của Chính phủ; Chương trình hỗ trợ phát triển đặc sản địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016 – 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cũng đang tập trung vào 5 mặt hàng có thế mạnh để đầu tư xây dựng thương hiệu trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, gồm: Xoài, thanh long, chè, cà phê, cá tra. Đặc biệt, gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN-PTNT và Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Đầu tư khâu chế biến sẽ giúp gia tăng giá trị cho nông sản.

Thắng lợi ban đầu của trái xoàiNgày 18/4/2019 có thể xem là cột mốc lịch sử cho trái xoài Việt Nam khi lô hàng 8 tấn đầu tiên đã lên máy bay thẳng tiến sang Mỹ với chính danh “Made in Vietnam”, đây là loại quả tươi thứ 6 của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ sau thanh long, chôm chôm, nhãn, vải và vú sữa. Địa phương vinh dự thực hiện cuộc phát pháo này là tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, trên kệ hàng của các siêu thị tại nước Mỹ, trái xoài Việt đàng hoàng góp mặt cạnh tranh cùng trái xoài của các quốc gia khác. Ông Lê Quốc Doanh -Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho biết: Để trái xoài vào được thị trường Mỹ, Việt Nam đã nộp hồ sơ xin mở cửa thị trường từ năm 2009.

Theo các chuyên gia, đây là thị trường vô cùng tiềm năng cho trái xoài Việt Nam. Về số lượng, hàng năm thị trường Mỹ nhập khẩu gần 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ, như Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala. Hiện sản lượng xoài trồng ở Mỹ chỉ được khoảng 3.000 tấn/năm, bằng gần 1/100 số lượng phải nhập khẩu.

Về chất lượng, trái xoài Việt có nhiều cơ hội cạnh tranh tại thị trường Mỹ vì chủng loại đa dạng và hương vị đặc trưng. Qua khảo sát, hiện xoài của Mexico đang chiếm thị phần lớn nhất tại Mỹ do ngay sát biên giới với Mỹ. Tuy nhiên, xoài của Mexico tuy ngọt nhưng không có hương vị. Ngược lại, trái xoài cát của Việt Nam có hương vị thơm ngon nên có thể cạnh tranh được dù giá thành cao hơn.

Đúng một tháng sau, ngày 18/5/2019, An Giang cũng đã đưa được lô hàng đầu tiên 1 tấn xoài cát Hòa Lộc sang Mỹ. An Giang có diện tích trồng xoài hơn 10.000ha, trong đó, có khoảng 7.700ha xoài Đài Loan và cát Hòa Lộc, chiếm khoảng 80% diện tích. Sản lượng bình quân đạt khoảng 95.000 tấn/năm, trong đó chính vụ chiếm 70-80% sản lượng, nghịch vụ chiếm 20-30% sản lượng. Riêng diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 193ha, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm, được cấp 18 mã số vùng trồng xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với diện tích gần 244ha.

Sau Đồng Tháp và An Giang, nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện xúc tiến thương mại cho trái xoài. Vĩnh Long ký kết với CTCP thương mại và xuất nhập khẩu Green Path (Hà Nội) để xuất khẩu xoài sang thị trường Mỹ. Vĩnh Long hiện có gần 4.900ha xoài (93ha đạt chứng nhận VietGAP), trồng tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình với các giống như: Cát Núm, cát Chu, xanh Đài Loan, Tứ Quý….

UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xác định xoài là cây trồng chủ lực, tăng diện tích trồng từ khoảng 8.800ha hiện nay lên hơn 10.000ha vào năm 2020. Xoài Khánh Hòa tập trung nhiều ở huyện Cam Lâm, chiếm 60% tổng diện tích xoài toàn tỉnh. Ngoài vụ chính từ tháng Tư đến tháng Bảy hàng năm, nhà vườn còn sản xuất xoài trái vụ phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Xoài Khánh Hòa hiện được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch, do đó giá trị khá bấp bênh.

Đầu tư mạnh khâu chế biếnTheo các chuyên gia kinh tế, một khâu đột phá khác giúp gia tăng giá trị nông sản Việt là đầu tư vào chế biến, giúp khách hàng nhận biết, phân biệt được sản phẩm của Việt Nam so với các nước khác, tăng cường công tác xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh nông sản Việt ra quốc tế.

Ngày 10/5/2019 tại TP.Hải Phòng, Nhà máy chế biến rau củ quả công nghệ cao Haphofood đã được khởi công xây dựng trên diện tích 15ha, nhà máy được đầu tư các dây chuyền hiện đại với công nghệ hàng đầu thế giới, sơ chế và chế biến trái cây-rau quả đạt tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu cũng như phục vụ thị trường tiêu dùng trong nước.

Tham dự sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của TP.Hải Phòng và CTCP Lavifood trong việc triển khai xây dựng Nhà máy Haphofood, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Hải Phòng và các tỉnh lân cận, tạo được công ăn việc làm, gia tăng thu nhập cho người nông dân. Hải Phòng cần xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ người nông dân khi tham gia phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy.

Trước đó tại Tây Ninh, Nhà máy chế biến rau củ quả Tanifood của Lavifood với công nghệ hiện đại bậc nhất Việt Nam đã được vận hành, nơi đây sẽ chế biến các loại trái cây, rau củ đặc trưng của Tây Ninh và các tỉnh thành lân cận. Từ năm 2018, Lavifood đã bắt đầu triển khai cho các nông dân Tây Ninh trồng nhiều loại rau, trái theo nhu cầu của Nhà máy để đáp ứng công suất chế biến 500 tấn nguyên liệu/ngày (tương ứng với tổng diện tích hơn 7.000ha). Hiện nay, đã có khoảng 400ha các loại cây ăn trái được ký hợp đồng bao tiêu.

Cuối năm 2018, Công ty Vina T&T khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất dừa tươi Kim Thanh tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre với công suất theo thiết kế đạt 25 triệu trái dừa tươi/năm. Dự kiến dự án hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2019. Ông Nguyễn Đình Tùng -Tổng giám đốc Vina T&T, cho biết: Dừa Bến Tre đang cạnh tranh rất mạnh với những sản phẩm cùng loại của Thái Lan, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Chúng tôi sẽ bao tiêu toàn bộ dừa tươi của người dân Bến Tre với giá cao, ổn định. Sẽ không còn tình trạng không bán được dừa vào mùa mưa như trước đây.

CTCP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-DOVECO xây dựng Nhà máy chế biến rau quả tại huyện Mang Yang, Gia Lai. Ông Đinh Cao Khuê -Chủ tịch HĐQT DOVECO, cho hay: Mỗi năm nhà máy sẽ mua và chế biến hàng trăm nghìn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang, rau chân vịt, đậu tương, ngô ngọt, bí Nhật và nhiều loại rau quả khác của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên.

Nguồn langmoi.vn