Chỉ trồng bưởi da xanh ở vùng thâm canh cao

Lượt xem: 117

Công chăm sóc, phân bón gấp nhiều lần giống bưởi khác

Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế) được người dân đánh giá là người trồng bưởi có kinh nghiệm nhất địa bàn. Theo chị với điều kiện kinh tế và kỹ thuật chăm sóc của người dân tại xã thì không nên khuyến khích trồng bưởi da xanh vì đây là giống đòi hỏi thâm canh cao mới cho hiệu quả.

Những cây bưởi da xanh kém hiệu quả của hộ ông Nguyễn Văn Quý, xã Đồng Lạc (Yên Thế).

Những cây bưởi da xanh kém hiệu quả của hộ ông Nguyễn Văn Quý, xã Đồng Lạc (Yên Thế)

Dẫn khách thăm vườn, bên cây bưởi da xanh sai trĩu cành với hàng trăm quả/cây, chị cho biết: “Để cây cho quả như thế này không đơn giản. Mỗi tháng tôi phải bón phân vi sinh cho cây một lần trong khi những giống khác chỉ cần bón phân hai lần/vụ”.

Theo lời chị Anh, bưởi da xanh ưa loại phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp. Ví như phải ủ đậu tương, cá mắm… tưới vào gốc chứ không đơn thuần là phân chuồng hay phân hóa học. Qua thực tế trồng, chăm sóc các giống bưởi, chị Anh chỉ trồng vài chục cây bưởi da xanh để đa dạng cho vườn quả, còn lại chị mở rộng các giống bưởi khác để phát triển kinh tế.

Là hộ được biết đến có của ăn của để, thậm chí thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng bưởi da xanh, chị Lại Thị Tâm, thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) cũng khẳng định, cây trồng này khá khó tính. Nếu không chăm sóc kịp thời thì khó mà đạt năng suất cao. Chị Tâm chia sẻ, không thể để cây thiếu nước, thiếu phân bón được.

Nếu một số giống bưởi khác khi trời nắng to, hạn mà mình bận có thể để ngày mai tưới nhưng loại bưởi này thì lỡ một ngày là cây kém ngay. Vì thế, ngày nào cũng phải để mắt đến vườn. Với hơn 400 gốc, chị thu được hơn 5 nghìn quả, bình quân đạt 1,8-2kg/quả.

Vừa qua, chị bán hơn 3 tấn bưởi với giá 38-40 nghìn đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Ưu điểm của cây là hoa ra rải vụ, có thể bắt quả lứa chiêm hoặc chính vụ. Nhà chị có bưởi bán từ tháng 7 năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Nơi đây trở thành địa chỉ mà nhiều thương nhân ở Thanh Hóa, Quảng Ninh về thu mua, mang đi tiêu thụ.

Lựa chọn cây trồng phù hợp

Vì là cây trồng đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ nên trên thực tế không phải hộ nào cũng thu được lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh. Ví như vườn quả của hộ ông Nguyễn Văn Quý, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc có nhiều cây bưởi vàng vọt, chết dần. Trước đó, ông phải chặt 10 cây.

Vườn bưởi da xanh của gia đình chị Lại Thị Tâm, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) được chăm sóc đúng kỹ thuật.

Vườn bưởi da xanh của gia đình chị Lại Thị Tâm, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) được chăm sóc đúng kỹ thuật

Cây lá xanh tốt thì chỉ có vài quả. Tại một số gốc có những bao phân lợn được tập kết tại gốc để bón cho bưởi. Theo cán bộ nông nghiệp của huyện đến thăm vườn, do ông Quý sử dụng loại phân bón không phù hợp vì phân lợn không thích hợp với bưởi da xanh đã khiến cây không phát triển được. Để khắc phục, tới đây ông Quý tiếp tục chọn lọc, chặt bỏ một số cây bưởi da xanh thay bằng cây trồng khác.

Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Yên Thế, trên địa bàn huyện có nhiều hộ như gia đình ông Quý khi trồng bưởi da xanh không hiệu quả. Hiện toàn huyện có 8 ha bưởi da xanh. Nhiều hộ đã chặt bỏ bưởi và chỉ còn trồng xen với cây trồng khác trên diện tích chừng hơn 2 ha.

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo chỉ đạo duy trì ổn định diện tích bưởi da xanh hiện có, tập trung chăm sóc để nâng chất lượng quả. Đối với diện tích không hiệu quả thì chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, chất đất trên địa bàn không phù hợp với bưởi da xanh nên nhiều năm qua, trong chỉ đạo sản xuất, phòng không khuyến cáo mở rộng giống bưởi này mà tập trung hướng dẫn người dân mở rộng giống bưởi đỏ, bưởi Diễn và nâng cao chất lượng bưởi địa phương.

Tại huyện Lạng Giang, Lục Nam cũng có một số hộ trồng bưởi da xanh nhưng ở chân đất trũng, kém hiệu quả. Đa phần bưởi chỉ cho quả chất lượng ở vụ đầu sau đó thoái hóa dần ở những năm tiếp theo.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, bưởi da xanh là giống cây ưa nóng, đòi hỏi người trồng cần nắm vững kỹ thuật cũng như chăm sóc tỉ mỉ thì mới cho năng suất cao. Đất trồng bưởi da xanh là loại đất giàu dinh dưỡng như đất cát pha, đất bùn… Vì thế tại vùng cây ăn quả Lục Ngạn-nơi bà con có kinh nghiệm sản xuất, nhiều hộ đã thu được lợi nhuận lớn.

Hiện Lục Ngạn duy trì hơn 530 ha bưởi da xanh. Bên cạnh đó, bưởi da xanh cũng có ưu điểm là cây trồng rải vụ, chín sớm không thu hoạch dồn vào cùng thời điểm nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Giá bưởi luôn cao hơn so với giống khác. Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo duy trì ổn định diện tích bưởi da xanh hiện có, tập trung chăm sóc để nâng chất lượng quả. Đối với diện tích không hiệu quả thì chuyển đổi sang cây trồng khác.

Cây ăn quả thường trồng vài năm mới cho thu hoạch. Nếu không hiệu quả phải phá bỏ thì sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của của người trồng. Vì vậy, người dân nên thận trọng, nghiên cứu kỹ, lựa chọn cây trồng phù hợp với chất đất cũng như điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của gia đình.

Nguồn: baobacgiang.com.vn