Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ vải thiều

Lượt xem: 93
Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo các phương án thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2020, diện tích vải toàn tỉnh là 28.126 ha, sản lượng ước đạt 160.000 tấn, trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng ước đạt 45.000 tấn, vải thiều chính vụ diện tích 22.126 ha, sản lượng ước đạt 115.000 tấn. Trong đó, vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap 14.300 ha, vải chứng nhận GlobalGap 80 ha, cùng đó duy trì vùng vải sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, EU…

Để chuẩn bị cho việc sản xuất vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và PTNT tiến hành rà soát, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của Nhật Bản. Đến nay đã đề nghị phía Nhật Bản chấp thuận được 19 mã số vùng trồng với diện tích 103 ha và có 107 hộ tham gia. Tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, cấp quy trình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, ghi chép nhật ký sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp và PTNT mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, đến nay đã có 3 doanh nghiệp khảo sát để ký hợp đồng.

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá chất lượng vải thiều năm nay rất tốt, trên 95% đậu quả. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng năm nay sẽ là một năm khó khăn đối với việc tiêu thụ quả vải thiều do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp.

Giám đốc Sở Công Thương Trần Quang Tấn cho biết, đơn vị đã xây dựng các kịch bản tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát hoặc khi dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vẫn phải được xác định là thị trường chính. Dự kiến năm nay vải sớm thu hoạch từ 20/5 – 5/6; vải chính vụ thu hoạch từ 10/6. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục, giá vải và sản lượng tiêu thụ dự kiến giảm. Do đó cần đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước… Tiến hành xúc tiến trực tuyến, nhắn tin quảng bá về quả vải thiều. Sử dụng mã QR để tra cứu thông tin sản phẩm thay vì phát tờ rơi quảng bá, treo biển quảng cáo. Ngược lại, các phương án về xúc tiến tiêu thụ cũng đã sẵn sàng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: BGP/Trâm Anh

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn khẳng định năm nay là một năm khủng hoảng đối với nền kinh tế nói chung và việc tiêu thụ quả vải thiều nói riêng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương liên quan cần đánh giá được cụ thể về tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước năm nay, đánh giá năng lực đóng gói, bảo quản sản phẩm. Từ đó chuẩn bị các kịch bản ứng phó phù hợp. Tiếp tục chú trọng đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị. Nghiên cứu lại các hoạt động xúc tiến, đảm bảo phù hợp trong điều kiện thực tế năm nay. Chủ động liên hệ sớm hơn với các đầu mối Trung Quốc để có phương án tiêu thụ phù hợp. Trong trường hợp bất lợi, cần có các phương án ứng phó, hướng dẫn, cảnh báo người dân tránh tình trạng bán đổ, bán tháo gây thiệt hại lớn cho người dân, thay vào đó áp dụng các phương pháp chế biến, bảo quản. Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Sở Công Thương xây dựng báo cáo đánh giá tình hình, có kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành địa phương cần quyết tâm, tập trung cao hơn nữa với tinh thần vì bà con nông dân, góp phần giúp bà con tiêu thụ vải thiều.

Cho ý kiến chỉ đạo về phương án Quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021 – 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát đảm bảo sự thống nhất về số liệu đánh giá hiện trạng. Tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các đề xuất về mục tiêu, phân bổ không gian phát triển đảm bảo phù hợp với các quy hoạch khác. Cùng đó chú trọng tăng giá trị hiệu quả của ngành nông nghiệp, phát triển hạ tầng nông nghiệp, phòng chống thiên tai đảm bảo phát triển bền vững. Đảm bảo sự phát triển của ngành nông nghiệp nhưng không làm xáo trộn mục tiêu các ngành khác./.

Nguồn: bacgiang.gov.vn