Hoàn tất các khâu chuẩn bị xuất khẩu trái vải tươi đầu tiên sang Nhật Bản

Lượt xem: 82

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ với phóng viên về những công việc chuẩn bị cho những quả vải đầu tiên sang thị trường này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn ra tại cả hai nước.

Thu hoạch vải tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Thu hoạch vải tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang)

Vụ thu hoạch vải năm nay đang tới gần, xin ông cho biết, công việc chuẩn bị, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp cho xuất khẩu vải vào thị trường Nhật Bản đã và đang diễn ra như thế nào?

Ngay sau khi Nhật Bản đồng ý và cung cấp cho Việt Nam các yêu cầu về kiểm dịch thực vật để có thể xuất khẩu quả vải sang thị trường này, đặc biệt là dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc và cùng các địa phương xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng yêu cầu của họ.

Cục Bảo vệ thực vật đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra, đánh giá từng khu vực để cấp mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản.

Theo yêu cầu kiểm dịch từ phía Nhật Bản, các lô hàng vải tươi xuất khẩu sang thị trường này đều phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide. Cục Bảo vệ thực vật ngay lập tức phối hợp với các đơn vị khử trùng, doanh nghiệp, đặc biệt là chính quyền địa phương tiến hành xây dựng các cơ sơ xử lý. Hiện chúng ta hầu như hoàn tất các cơ sở xử lý này tại Hà Nội, Bắc Giang và Hải Dương.

Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang kiểm tra, đánh giá lại các cơ sở xử lý này. Bên cạnh đó, Cục sẽ cùng với các chuyên gia Nhật Bản và doanh nghiệp xem xét về mẫu mã, bao bì đóng gói đối với quả vải xuất khẩu sang thị trường này.

Đến nay, hầu hết công việc chuẩn bị để cho các lô hàng xuất khẩu quả vải sang Nhật Bản gần như hoàn tất. Cục Bảo vệ thực vật sẽ cùng các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục kiểm tra, rà soát đánh giá lại một lần nữa việc chuẩn bị này để đón vụ vải đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản thành công.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, ông có khuyến cáo gì với các địa phương và làm thế nào trong công tác làm việc với các đối tác để đến khi vào vụ, chúng ta có thể xuất khẩu thuận lợi?

Trong bối cảnh dịch Covid-19, khó khăn đầu tiên là về chuyên gia. Theo dự kiến, các chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam để kiểm tra, thẩm định đối với các cơ sở xử lý. Nhưng do tình hình dịch bệnh nên các chuyên gia chưa sang được Việt Nam.

Các chuyên gia cũng sẽ cùng phía Việt Nam xác định các mẫu mã, chuẩn mực, quy cách bao bì. Tuy nhiên, trong điều kiện mà các chuyên gia không thể sang được thì Việt Nam sẽ đề nghị họ ủy quyền cho cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam thực hiện các việc này. Để làm việc này, chúng ta cần sự hợp tác của địa phương, doanh nghiệp và các cơ quan trực thuộc của bộ, Cục.

Tình hình dịch bệnh cũng có ảnh hưởng đến việc mà hai bên đang cần thảo luận, thống nhất và những việc cụ thể cần làm cũng đang bị chậm so với tiến độ. Nhưng chúng tôi hi vọng, đến cuối tháng 5 đầu tháng 6, vụ vải mới chính thức cho thu hoạch thì thời gian từ nay đến đó, những việc nào có thể chuẩn bị trước thì sẽ được chuẩn bị, những công việc nào phải đặt chống dịch lên trên thì sẽ được làm sau. Chúng ta hy vọng vẫn kịp tiến độ và bảo đảm các yêu cầu kiểm dịch của phía Nhật Bản thông suốt.

Với địa phương, đặc biệt là những nông dân trồng vải, ông có khuyến cáo gì với họ?

Cục Bảo vệ thực vật đã nhiều lần họp để cùng phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để tất cả các vùng đã được cấp mã số theo quy định của Nhật Bản cũng như một số nước cần được giám sát chặt chẽ.

Theo đó, địa phương phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; những nhóm thuốc, hoạt chất bảo vệ thực vật nào được sử dụng và cấm sử dụng phải theo đúng danh mục đã đăng ký với cơ quan chuyên môn. Bởi, đây là cơ sở khi gần đến thời điểm thu hoạch chúng tôi có chương trình giám sát về an toàn thực phẩm, tức là xác định toàn bộ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải để đáp ứng yêu cầu của phía Nhật Bản.

Điều này đòi hỏi việc giám sát của địa phương và sự nguyện, tự giác, sự nhận thức trong chuyển đổi của người dân để làm sao tuân thủ đúng quy trình và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Thứ hai là giám sát các loại sâu bệnh trên quả vải. Muốn có quả vải tốt thì công tác bảo vệ thực vật phải tiếp tục thực hiện với sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn và người dân để loại bỏ được các đối tượng sâu bệnh mà phía Nhật Bản quan tâm ngay trên đồng ruộng. Quả vải sẽ phải đáp ứng được yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và sâu bệnh. Khi đó, chúng ta chỉ còn một khâu là bảo đảm tuyệt đối và diệt trừ hoàn toàn mối nghi đối tượng sâu bệnh mà phía Nhật Bản yêu cầu.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baobacgiang.com.vn