Về Canh Nậu (Yên Thế), nghe bàn “đầu ra” cho nông sản

Lượt xem: 105

Bức tranh Canh Nậu hôm nay

Trước giờ khai mạc Đại hội Đảng bộ xã Canh Nậu nhiệm kỳ 2020 -2025, bên ấm trà với Bí thư Huyện ủy Yên Thế Bùi Thế Chung; Bí thư Đảng ủy xã Vũ Mạnh Thủy và nhiều cán bộ chủ chốt xã, tôi đã ghi được nhiều con số ấn tượng về phát triển kinh tế – xã hội của Canh Nậu 5 năm qua.

Gia đình ông Đương thu hoạch chè.

Gia đình ông Đương thu hoạch chè.

Huy động hơn 63 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng; gần 300 hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm; 13/14 bản có nhà văn hóa đạt chuẩn; tất cả các bản có câu lạc bộ bóng chuyền hơi, 2 bản có câu lạc bộ hát then, đàn tính; 59 em đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, 32 em đỗ đại học, cao đẳng; đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới… Tôi biết, những con số trên với một xã miền xuôi là chuyện thường còn với xã đặc biệt khó khăn thì đã là một bước tiến lớn.

Gần 300 hộ có thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm, chiếm khoảng 1/6 tổng số hộ trong xã, tôi hỏi lại con số này bởi nó là tiêu chí cốt lõi của xây dựng nông thôn mới – tiêu chí nâng cao thu nhập của người dân. Các đồng chí lãnh đạo xã nói rằng, dù Đảng bộ xã có bao nhiêu nghị quyết, nghị quyết hay thế nào chăng nữa nhưng sau một nhiệm kỳ mà người dân chưa nâng cao thu nhập thì chưa thể nói nghị quyết đã sát thực với cuộc sống. Quả đúng như vậy!

Đường giao thông ở Canh Nậu được cứng hóa từ

Đường giao thông ở Canh Nậu được cứng hóa từ “Nghị quyết 07” của HĐND tỉnh

Trong số gần 300 hộ “triệu phú”, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vũ Huy Thông kể cho tôi nhiều mô hình kinh tế nổi bật, như hộ ông Hoàng Đương, tổ trưởng mô hình chè VietGAP Trại Sông; mô hình băm, bóc gỗ của hộ ông Bùi Duy Vân, bản Đồn; mô hình nuôi dê của hộ ông Dương Đình Chiến, bản Chay… và nhiều mô hình nuôi ong, trồng dưa khác.

Qua trao đổi với đồng chí Thông được biết, Canh Nậu thực hiện nhiều chính sách “bà đỡ” cho các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp bằng cách lồng ghép các chương trình, mục tiêu hỗ trợ cho các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi về vốn, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Mới đây, nhiều mô hình kinh tế của Canh Nậu còn được tiếp sức từ Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh giai đoạn 2018-2020.

Tôi đã đôi lần nghe Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Chung từng là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trò chuyện về xây dựng các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp. Trong các mô hình kinh tế ở Canh Nậu, đồng chí Chung đã nhiều lần đến và tâm đắc với mô hình chè sạch Trại Sông của ông Hoàng Đương. Theo cách nói hình ảnh của đồng chí Chung thì mô hình ấy chính là “chim đầu đàn” để thay đổi tư duy làm kinh tế cho nông dân. Người nông dân sẽ làm theo dễ dàng nhất khi học hỏi từ mô hình kinh tế hiệu quả ngay trong bản làng mình.

Nhìn lại bức tranh kinh tế – xã hội khởi sắc, bài học kinh nghiệm mà Đại hội Đảng bộ xã Canh Nậu rút ra từ nhiệm kỳ qua là tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, chú trọng phát huy lợi thế so sánh để đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, bắt đầu từ hạt nhân là các mô hình kinh tế.

Bí thư Đảng ủy Vũ Mạnh Thủy nói rằng, đây là bài học quý, chúng tôi sẽ phát huy trong nhiệm kỳ tới. Muốn làm giàu trước tiên phải lo làm đường, xã tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực để phát triển giao thông; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản từ việc ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế.

Mô hình, mô hình và mô hình

Theo chân ông Vũ Tiến Luận, cán bộ thú y xã, tôi đến thăm mô hình kinh tế trồng chè của gia đình ông Hoàng Đương, bản Trại Sông, mô hình nuôi ong, nuôi dê của ông Lượng, ông Chiến ở bản Chay…

Mô hình trồng chè của gia đình ông Hoàng Đương, bản Trại Sông

Mô hình trồng chè của gia đình ông Hoàng Đương, bản Trại Sông

Trong cơ ngơi khang trang, thưởng thức chén trà xanh thơm mát từ tay ông chủ chè Hoàng Đương, ngắm nương chè xanh thắm, điệp trùng, cảm giác thật thư thái, nhẹ nhàng. Nghe chuyện ông Đương, càng lúc càng thú vị, vì ít ai ngờ chỉ hơn chục năm trước gia đình ông Đương rất nghèo. Ông Đương vất vả buôn bán khắp nơi nhưng chẳng đủ chi tiêu. Được hỗ trợ vốn từ chương trình xóa đói giảm nghèo, trong khi hầu như cả bản đua nhau trồng keo, bạch đàn thì ông Đương lại trồng chè.

Ông Đương suy tính đơn giản, người ta uống chè quanh năm, như vậy là “đầu ra” sẽ thuận lợi, chỉ bán nhanh hoặc chậm, chứ chè chẳng bao giờ ế.

Có “đầu ra” là yên tâm rồi, còn trồng, chăm sóc, chế biến thì vừa học, vừa làm, nghĩ vậy nên ông Đương đi khắp các vùng sản xuất chè lớn để học nghề. Canh Nậu giáp với vùng chè lớn nhất miền Bắc là Thái Nguyên nên thuận lợi cho ông Đương thường xuyên sang học hỏi kinh nghiệm.

Chè “Hoàng Đương” hiện có bao bì, nhãn mác đẹp, bán đi khắp cả nước, làm ra đến đâu bán hết đến đấy. Bí quyết của ông Đương là không ngừng nâng cao chất lượng và tìm cách giới thiệu sản phẩm. Không tăng năng suất bằng mọi giá, không sử dụng phân bón lá mà chỉ dùng phân gà đã ủ mục. Chăm sóc, thu hoạch, chế biến được thực hiện theo quy trình VietGAP. Quảng bá sản phẩm thì “quăng” lên Zalo, Facebook.

 Mô hình nuôi dê của gia đình ông Chiến ở bản Chay.

Mô hình nuôi dê của gia đình ông Chiến ở bản Chay.

Với cách làm ấy, tổ trưởng mô hình chè VietGAP Hoàng Đương xứng đáng là “Chim đầu đàn” chè Trại Sông, hiện gia đình ông có hơn một mẫu, mỗi năm cho sản lượng hơn 1 tấn chè, thu về từ 200 – 300 triệu đồng.

Đầu ra ổn định, bán được giá, thu nhập cao, vậy ông còn lo nỗi gì? Tôi hỏi. “Buôn có bạn, bán có phường”, tôi lo là nhiều hộ không chú trọng nâng cao chất lượng, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, dùng phân bón lá để tăng năng suất, như vậy việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho chè Trại Sông sẽ rất khó” – ông Đương nói.

Tôi cảm nhận nông dân Hoàng Đương có tư duy sản xuất, kinh doanh chẳng kém một chủ doanh nghiệp. Biết nắm bắt nhu cầu thị trường, cung ứng cái thị trường cần, tăng hàm lượng chất xám vào sản phẩm, ứng dụng mạng xã hội để tìm kiếm thị trường, giữ uy tín với khách hàng… Không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế cây chè cho gia đình, anh em họ hàng mà ông Đương muốn cả bản Trại Sông có thu nhập cao từ hàng chục héc – ta chè hiện có và mở rộng thêm diện tích trồng chè mới.

Mô hình nuôi ong của gia đình bà Lượng ở bản Chay.

Mô hình nuôi ong của gia đình bà Lượng ở bản Chay.

Trước khi chia tay, ông Đương nói với tôi là mong muốn Nhà nước quan tâm giải quyết những vấn đề mà người dân không làm được và khó làm, đó là quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp thành các vùng chuyên canh; chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đào tạo nghề cho nông dân; xây dựng nhãn hiệu tập thể; xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thăm các mô hình nuôi dê, nuôi ong, trồng dưa, bóc gỗ, tôi cũng ghi nhận được những bước tiến mới về nâng cao trình độ sản xuất, hiệu quả kinh tế. Điều đáng mừng là chè Trại Sông và một số sản phẩm khác đã có tổ hợp tác, riêng nuôi ong đã thành lập được hợp tác xã. Và các chủ trang trại đều có những trăn trở, đề xuất như “chim đầu đàn” Hoàng Đương.

Trở về trụ sở xã, chúc mừng Đại hội thành công và chuyển những đề xuất của các chủ mô hình kinh tế đến Bí thư Đảng ủy Vũ Mạnh Thủy vừa tái cử và Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Chung, đồng chí Thủy, đồng chí Chung đều cho rằng các giải pháp để “đầu ra” nông sản bền vững là một trong nhiệm vụ trọng tâm mà xã, huyện phải tập trung cao thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Huyện ủy Bùi Thế Chung nhấn mạnh, chủ trương của huyện là các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông, lâm nghiệp sẽ không dàn trải mà dồn vào “mô hình, mô hình và mô hình”. Có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì sức lan tỏa, khả năng nhân rộng càng cao, sẽ thúc đẩy phát triển nông, lâm nghiệp bền vững.

Tạm biệt Canh Nậu, đọng lại trong tôi là những gương mặt lãnh đạo huyện, xã trẻ trung với nhiều trăn trở, tâm huyết tìm cách giúp người dân làm giàu trên quê mình. Đọng lại trong tôi là những “chim đầu đàn” đang sải dài đôi cánh đưa nông, lâm sản Canh Nậu vươn xa. Như vậy, tôi tin rằng, mục tiêu phấn đấu để Canh Nậu đạt chuẩn nông thôn mới trong nhiệm kỳ này ắt sẽ thành.

Nguồn: baobacgiang.com.vn