Một số hộ ở Bắc Giang trồng đặc sản, nhận “trái đắng”

Lượt xem: 113

Chăm sóc không đúng cách

Từ tháng 4 đến tháng 5/2020, 5 hộ dân ở huyện Lục Nam, gồm gia đình các ông: Vũ Anh Thái, thôn An Thuẫn; Nguyễn Đức Thân, thôn Trung Đồng; Nguyễn Văn Phương, thôn Chấu; Nguyễn Văn Thực, thôn Bãi Chánh (cùng xã Bảo Đài) và Nguyễn Văn Hon, thôn Rìa Ngoài, xã Đông Phú, mỗi hộ trồng từ 200 đến gần 1 nghìn cây nho hạ đen.

Đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng anh Thụy (bên trái) vẫn chưa được thu quả ngọt.

Đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng anh Thụy (bên trái) vẫn chưa được thu quả ngọt.

Ông Hon cho biết, trước khi trồng, các hộ đều được phía cung ứng cây giống cam kết tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật thâm canh, bảo đảm sau khoảng 7 tháng sẽ cho thu lứa đầu, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, đã gần 1 năm sau khi trồng nhưng toàn bộ diện tích nho trên đều chưa cho quả. Hiện mỗi vườn chỉ có lác đác vài chùm quả li ti.

Riêng vườn của ông Hon và ông Thực không cây nào báo quả. “Mỗi hộ đầu tư từ 50 đến hơn 100 triệu đồng mua cây giống, phân bón và làm giàn đỡ nho (chưa kể xây dựng nhà lưới). Giờ không biết nên chăm sóc tiếp hay phá bỏ”, ông Hon băn khoăn.

Cũng gặp tình cảnh như các hộ trồng nho ở Lục Nam nhưng hộ anh Vũ Ngọc Thụy, thôn Nam Bắc Thành, xã Trí Yên (Yên Dũng) thiệt hại nặng hơn bởi anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng làm giàn, mái che, lắp đặt hệ thống tưới nước… để trồng 4 nghìn cây nho hạ đen (tương ứng 1 ha).

Vì nho sinh trưởng kém nên đầu năm nay, anh đã cắt hết thân leo, chỉ giữ lại gốc để chăm sóc lại từ đầu. Nâng những cây nho còi cọc trên tay, anh Thụy giãi bày: “Đơn vị cung ứng cây giống có cử người lên hỗ trợ kỹ thuật nhưng họ chỉ hướng dẫn qua loa vì không có nhiều thời gian. Vả lại, họ cũng không nắm chắc quy trình thâm canh loại cây này”.

Trước thực tế này, các hộ nêu trên (trừ hộ ông Thực) đã mời Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ Nông – Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang) về hỗ trợ kỹ thuật. Ông Phùng Duy Hiếu, Giám đốc Trung tâm cho biết, qua kiểm tra, các diện tích nho trên đều chăm sóc sai quy trình kỹ thuật.

Theo ông Hiếu, các hộ phải tốn thêm từ 20 đến 150 triệu đồng để bổ sung giàn và cắt, tỉa cành lại từ đầu thì cây mới cho quả. “Hiện không chỉ có 5 hộ ở Lục Nam và Yên Dũng mà nhiều trường hợp khác ở huyện Việt Yên và Gia Bình (Bắc Ninh) cũng mời chúng tôi đến hỗ trợ kỹ thuật, bởi đơn vị cung cấp giống không hỗ trợ chăm sóc nho như cam kết ban đầu”, ông Hiếu nói.

Nhiều cây giống không rõ nguồn gốc

Được biết, cả 6 hộ trên đều mua cây giống nho hạ đen của HTX Sản xuất nông nghiệp Hợp Thành (HTX Hợp Thành), khu Đông Hồ, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (TP Hà Nội) với giá từ 40 đến 60 nghìn đồng/cây (rẻ hơn gần một nửa so với giá nho giống do Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cung ứng). Riêng hộ anh Thụy mua trực tiếp của HTX Hợp Thành.

Bắc Giang hiện có hơn 30 hộ gia đình, HTX ở các huyện: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa trồng nho hạ đen. Tổng diện tích khoảng 10 ha. Mức đầu tư trồng nho hạ đen khoảng 1 tỷ đồng/ha.

Còn gia đình các ông: Hon, Thái, Thân, Phương do ông Thực (trong vai trò Phó Giám đốc HTX Giống cây trồng An Thuẫn, xã Bảo Đài (Lục Nam) môi giới, tư vấn kỹ thuật chăm sóc (bản chất vẫn là sử dụng nguồn cây giống của HTX Hợp Thành).

Toàn bộ số nho giống các hộ này trồng đều do nhập lậu nên ngày 8/9/2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt hành chính 12 triệu đồng đối với HTX Hợp Thành (do ông Lê Việt Hùng làm Giám đốc) vì đã kinh doanh giống cây trồng không có tên trong danh mục giống được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời yêu cầu HTX phải thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số nho kinh doanh tại địa bàn Bắc Giang.

Tuy nhiên, theo lời ông Thực và những video được phát trên trang Facebok cá nhân của mình, hiện ông đang tiếp tục cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều hộ tại Bắc Ninh. “Thậm chí, ông Thực còn mượn danh liên kết với Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang để bán cây giống kiếm lời”, ông Hiếu nói.

Để thuyết phục khách hàng, ông Thực thường đưa họ đến các vườn nho hạ đen do Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trước đó tham quan và hứa bao tiêu sản phẩm cho các hộ sau khi trồng. Trong khi đó, vườn nho của ông Thực cũng đang sống dở, chết dở vì không biết cách chăm sóc.

Nho hạ đen được Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang liên kết với Viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc) trồng khảo nghiệm thành công tại Việt Nam năm 2018.

Sau khi được chuyển giao kỹ thuật và trồng khảo nghiệm thành công, phía bạn đã ủy quyền cho Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang được phép nhân, cung ứng giống và chuyển giao kỹ thuật trồng nho hạ đen tại Việt Nam. Ngày 8/7/2020, Trường được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp bằng bảo hộ đối với giống nho này trong thời hạn 25 năm. Như vậy, ngoài Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang, không đơn vị, cá nhân nào được phép cung ứng và chuyển giao kỹ thuật trồng giống nho hạ đen tại Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết, tránh nguy cơ trồng ồ ạt nho hạ đen và các loại nho nhập nội khác, từ tháng 8/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo cơ quan chuyên môn và đề nghị chính quyền các huyện, TP tăng cường kiểm tra các giống cây trồng mới nhập nội không rõ nguồn gốc được trồng trên địa bàn, trong đó có nho hạ đen.

Bởi dễ phát sinh dịch bệnh nguy hiểm và rủi ro về kinh tế cho nông dân. “Dù vậy, đến thời điểm này vẫn còn một số cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, nhập lậu nho hạ đen và một số giống nho khác về trồng. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp kiểm tra, có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại cho nông dân”, ông Tặng nói.

Nguồn: baobacgiang.com.vn