Quan tâm xây dựng thương hiệu Măng Lục trúc Tân Yên

Lượt xem: 220

Bén rễ sau 30 nămVề xã Ngọc Châu bây giờ, điều dễ nhận thấy là rất nhiều vườn tre Lục trúc để lấy măng. Tre trải dài theo các con đường, trong các vườn bãi. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tre, chị Dương Thị Luyện, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cho biết, năm 1995, dự án trồng thử nghiệm giống măng này được triển khai tại xã Ngọc Châu. Mặc dù tham gia nhưng không nghĩ mình sẽ gắn bó với cây trồng này nên chị ít quan tâm mà tập trung phát triển chăn nuôi. Đến năm 2004, dự án kết thúc, cây trồng này không có nhiều cơ hội để phát triển.

 Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xã Lan Giới chăm sóc cây tre Lục trúc.
án bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân xã Lan Giới chăm sóc cây tre Lục trúc.
“Khi dự án kết thúc, cả xã chỉ còn bố và em trai tôi giữ được 20 gốc măng. Nhận thấy giống măng ngon, dễ ăn lại có chút am hiểu về kỹ thuật chăm sóc nên em tôi tiếp tục phát triển cây trồng mới này, phần để phục vụ nhu cầu của gia đình, phần bán cho một số nhà hàng. Tuy nhiên, việc này gặp khó bởi không có sự liên kết sản xuất lại ít người biết tới sản phẩm”, chị Luyện kể.
Năm 2017, chăn nuôi lợn bị dịch bệnh, thua lỗ gần 4 tỷ đồng nên chị Luyện chuyển hướng sang phát triển cây măng Lục trúc. Nghĩ là làm, chị cải tạo 2 mẫu đất vườn của gia đình trồng tre, vừa làm vừa nhờ em trai hướng dẫn kỹ thuật. Không dừng lại ở đây, tháng 9/2018, được sự trợ giúp của UBND xã Ngọc Châu và cơ quan chuyên môn huyện, chị thành lập HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu với 8 thành viên, diện tích trồng hơn 20 ha.Sau khi khảo sát, năm 2020, HTX liên kết với hộ dân ở các xã: Lam Cốt, Lan Giới, Liên Chung và An Dương (cùng huyện) trồng măng trên chân lúa gặp khó khăn về nguồn nước, qua đó nâng tổng diện tích trồng măng của HTX lên 85 ha. Với quy mô 1,2 nghìn gốc/ha, sản lượng (từ năm thứ 3 trở đi) đạt 40- 50 kg/gốc, giá bán 100-120 nghìn đồng/kg tươi, mỗi ha cho thu nhập khoảng 5 tỷ đồng/năm. “Trồng măng Lục trúc không quá khó, nếu như nắm chắc kỹ thuật trồng, chăm sóc và việc thu hoạch (từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch) thì nông dân có thu nhập ổn định trong cả năm”, anh Dương Xuân Sinh, người trồng măng ở xã Ngọc Châu chia sẻ.Để sản phẩm vươn xaTừ khi thành lập đến nay, HTX Măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu liên tiếp đón nhận những tin vui như được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (tháng 10/2020), được Ban chỉ đạo tôn vinh sản phẩm nông nghiệp công nhận sản phẩm tiêu biểu lần thứ III (tháng 9/2021). Đặc biệt, tháng 8/2021, UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm măng Lục trúc tươi Lâm Sinh Ngọc Châu đạt OCOP 4 sao. Đây là động lực để HTX tiếp tục mở rộng diện tích, đồng thời phát triển thêm nhiều sản phẩm khác từ cây trồng này.Được biết, hiện cùng với sản phẩm tươi, HTX đã có thêm sản phẩm măng khô, măng ngâm ớt; toàn bộ sản phẩm được các đối tác thu mua đưa vào các siêu thị cũng như xuất khẩu. “Để sản phẩm của HTX chính danh vào các siêu thị cũng như xuất khẩu (hiện đang qua đối tác thứ 3), chúng tôi đang đẩy nhanh hoàn thiện bao bì, nhãn mác. Khi đó người tiêu dùng sẽ được hưởng giá ưu đãi nhất, sản phẩm măng Lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu cũng từng bước bay xa”, chị Luyện nói. Thực tế, ngay sau khi được công nhận OCOP 4 sao, HTX đã có kế hoạch phát triển, nâng sao cho sản phẩm măng tươi, đưa sản phẩm măng khô, măng ớt vào kế hoạch dự thi trong những năm tới. Để đưa măng Lục trúc thành sản phẩm chủ lực của địa phương, UBND huyện Tân Yên đang có hướng mở rộng diện tích măng lên 200 ha và mời các doanh nghiệp vào tìm hiểu, nghiên cứu để đa dạng sản phẩm từ măng Lục trúc cũng như hướng tới thị trường xuất khẩu. Cùng đó triển khai xây dựng mô hình thực nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Suma Grow trên cây măng với diện tích 3,5 ha làm tiền đề đề nghị công nhận sản phẩm hữu cơ.Bà Đào Thu Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết: “Cây măng Lục trúc khá dễ tính, chi phí đầu tư thâm canh không cao trong khi cho thu nhập lớn. Cùng với vải sớm Phúc Hòa, ổi lê, vú sữa Hợp Đức đã có thương hiệu, địa phương sẽ quan tâm xây dựng thương hiệu măng Lục trúc, coi đây là sản phẩm chủ lực của địa phương”.
Nguồn: baobacgiang.com.vn