4 nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và từng bước tham gia kinh tế số

Lượt xem: 158
Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số.
Đồng chí Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (thứ 2 từ bên phải sang) và đoàn công tác thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao (đang từng bước chuyển đổi số) tại tỉnh Bắc Giang
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên Xác định cuộc cách mạng số sẽ thực sự tạo ra được sự bứt phá cho đất nước ta trong những thập niên tới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong 3 đột phá chiến lược, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số và xã hội số được xác định là yếu tố rất quan trọng. Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế số trong Văn kiện Đại hội XIII đã chỉ rõ là phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và kinh tế số. Với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam đã và đang triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia(1) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Chuyển đổi số trong nông nghiệp được xác định là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, trong đó người nông dân được xác định là trung tâm của chuyển đổi số. Việt Nam là một quốc gia có quy mô nông nghiệp lớn với khu vực nông thôn chiếm tới 62% dân cư, 66% số hộ gia đình, lao động nông nghiệp còn chiếm hơn 30% lực lượng lao động xã hội. Thời gian qua, nông nghiệp trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị – xã hội và phát triển đất nước. Nông nghiệp hiện chiếm 14% GDP Việt Nam với 5 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Chuyển đổi số trong nông nghiệp đã bước đầu được quan tâm, từng bước giúp nông dân và doanh nghiệp nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa hoạt động sản xuất và nâng cao giá trị. Các công nghệ, nền tảng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tự hành (Robotics), cảm biến (sensors), dữ liệu lớn (Big Data)… bước đầu triển khai trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… với sự xuất hiện của các trang trại hiện đại, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn, phân tích dữ liệu môi trường, cảm biến nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… Tuy nhiên hiện nay việc chuyển đổi số trong nông nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản. Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị. Trình độ cơ giới hóa sản xuất còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp. Trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn là nông dân không được đào tạo chuyên môn bài bản, mà hầu hết là kinh nghiệm được truyền từ đời trước sang đời sau; nguồn nhân lực này cũng hạn chế trong việc tiếp nhận đào tạo tiến bộ khoa học kỹ thuật. Sự liên kết với nông dân còn hạn chế, nhiều sản phẩm chưa có chiến lược phát triển rõ ràng ở tầm quốc gia.
Hội ND tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp
Là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số. Có thể nghiên cứu tập trung triển khai một số nội dung và giải pháp sau:
Một là, truyền thông nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, theo đó: (1) Xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong cả nước; phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (app Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân. (2) Tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp, trực tuyến để giúp cán bộ Hội và hội viên nông dân hiểu, vận dụng và hình thành các ý tưởng, dự án về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. (3) Biên soạn, phát hành các tài liệu tư vấn, tuyên truyền về chuyển đổi số; định kỳ phát hành bản tin “Chuyển đổi nông dân số”; các clip, motion graphics, infographics, , video tuyên truyền về các nội dung chuyển đổi số… phát hành trực tiếp tới các cơ sở Hội và chuyển tải lên các kênh truyền thông của Hội. (4) Các tỉnh, thành Hội chú trọng phối hợp cung cấp kịp thời làm tài liệu sinh hoạt tại các chi hội, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp; phổ biến trên các website, fanpage, group zalo… của các tổ chức Hội. Hai là, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn trực tiếp hoặc trực tuyến cung cấp kiến thức, các mô hình về chuyển đổi số trong nông nghiệp (dữ liệu số, tín dụng số, chuyển đổi canh tác dựa trên dữ liệu, bán hàng và tiếp cận thị trường, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…) tới các chủ doanh nghiệp, trang trại, mô hình kinh tế trong nông nghiệp; thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp xây dựng Bộ Công cụ đào tạo, các bài giảng trực tuyến (qua E-Learning, ứng dụng di động) về chuyển đổi nông dân số: Xây dựng các bài giảng mẫu (video thuyết trình) phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho hội viên Hội Nông dân, bao gồm các kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, giới thiệu sản phẩm… Tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến về xây dựng dữ liệu số nông nghiệp, tiếp cận tín dụng số, thị trường tiêu thụ, marketing, xây dựng thương hiệu, dự báo (giá, thời vụ, phân phối, thị trường), ứng dụng công nghệ số trong sản xuất… Xây dựng và phát triển mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi công nghệ số, phát triển kinh tế số, nông dân số nhằm tham gia tư vấn, hỗ trợ thường xuyên đối với hội viên nông dân. Tổ chức chương trình “Con đường chuyển đổi số” nhằm tạo điều kiện cho người nông dân đến tham quan, giao lưu chia sẻ, học tập kinh nghiệm về các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp tại các doanh nghiệp, tổ chức, mô hình tiêu biểu trong và ngoài địa phương. Tham gia phối hợp với Bộ NN&PTNT trong quá trình xây dựng hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) về nông nghiệp, xây dựng Bản đồ số nông nghiệp. Phát huy vai trò của Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến và phát huy người nông dân trực tiếp tham gia xây dựng các dữ liệu lớn về cây trồng, vật nuôi, thủy sản, đất đai; cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; quản lý và phát triển thị trường nông – lâm – thủy sản. Ba là, xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số Tham mưu phát triển Quỹ Hỗ trợ Nông dân với việc điều chỉnh quy mô, hình thức phù hợp hỗ trợ các mô hình, dự án, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo…) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân, như: Cho vay ngân hàng, thanh toán không tiền mặt, Mobile money. Xây dựng và triển khai ứng dụng di động (App Store, Google Play) hỗ trợ chuyển đổi nông dân số. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức như: Nền tảng AutoAgri, các sàn thương mại điện tử (Postmart, Shopee, Sendo, Lazada, Voso.vn), giải pháp nông nghiệp thông minh (như ONE Farm của VNPT)… triển khai các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong tự động hóa sản xuất, kết nối thị trường và tiêu thụ sản phẩm, thuê mua vật tư nông nghiệp… Hướng tới mục tiêu đến năm 2025, 30% cơ sở Hội xây dựng và triển khai được ít nhất một mô hình hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân; đến năm 2030, 60% cơ sở Hội xây dựng và triển khai được ít nhất 1 mô hình chuyển đổi số cho nông dân. Các cấp Hội cần phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”. Bốn là, nâng cao năng lực hỗ trợ chuyển đổi số của các cơ sở Hội và tăng cường phối hợp để khai thác nguồn lực chuyển đổi số Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số, chuyển đổi số trong nông nghiệp cho cán bộ Hội Nông dân các cấp; cán bộ, cộng tác viên các Trung tâm hỗ trợ nông dân, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp số, Hội Nông nghiệp tuần hoàn xây dựng và triển khai các mô hình liên kết ứng dụng công nghệ số sản xuất nông nghiệp, liên kết chuỗi giá trị, công nghiệp chế biến và dịch vụ hậu cần hỗ trợ nông nghiệp… trong các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Xây dựng cụ thể các mô hình hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân trong chương trình, kế hoạch công tác hàng năm của các cơ sở Hội (các mô hình ứng dụng công nghệ IoT, Blockchain, công nghệ sinh học, chuyển đổi canh tác nông nghiệp dựa trên dữ liệu, công nghệ tự động hóa…). Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức cuộc thi sáng tạo, ý tưởng sáng tạo về chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tổ chức tuyên dương, khen thưởng những mô hình, cá nhân nông dân tiêu biểu toàn quốc thực hiện tốt việc chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Kế hoạch Hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa trong năm 2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã ký văn bản thỏa thuận như sau: Dự kiến thu thập thông tin 2,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp cập nhật giới thiệu và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn. Đối tượng lựa chọn nhóm ưu tiên là hộ sản xuất kinh doanh giỏi, hộ nông dân sản xuất quy mô trang trại. Nhóm hộ sản xuất hàng hóa chủ yếu để bán gồm: hộ thuần túy sản xuất nông nghiệp, hộ chuyên làm các ngành nghề như cơ khí, mộc nề, rèn, sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, vận tải, thủ công mỹ nghệ, dệt, may, làm dịch vụ kỹ thuật cho nông nghiệp; hộ vừa làm nông nghiệp vừa làm tiểu thủ công nghiệp; tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân…

Về sản phẩm giới thiệu, bày bán trên sàn điện tử là các loại hàng hóa nông sản, nhưng ưu tiên nhóm hàng nông sản an toàn có giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

Chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn/Agri-postmart.vn và hệ thống điểm bán hàng được hai bên triển khai trên quy mô toàn quốc. Bên cạnh đó, tận dụng thế mạnh về hạ tầng của Bưu điện và các điểm bán hàng lưu động tại các khu đông dân cư (khu chung cư, khu đô thị, thị trấn, thị tứ…).

Trong tháng 3/2022, triển khai phân bổ mục tiêu dự kiến cho từng Hội Nông dân và Bưu điện các tỉnh, thành phố và hướng dẫn các tỉnh, thành phố rà soát, xác định mục tiêu số hộ sản xuất nông nghiệp đưa lên sàn Postmart.vn; xây dựng tài liệu tập huấn; kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các tổ/nhóm…

Chương trình kế hoạch phối hợp được hai bên thống nhất triển khai hoạt động từ Trung ương đến cơ sở; giám sát hỗ trợ và đánh giá tình hình thực hiện của từng địa phương, phân công từng thành viên của Tổ công tác chuyên quản theo từng địa bàn/cụm địa bàn thực hiện.

Theo T.Ư Hội Nông dân Việt Nam

Nguồn: tapchinongthonmoi.vn