Chính thức thu phí cao tốc Hà Nội – Bắc Giang từ 25/5

Lượt xem: 96

Mức phí của dự án được quy định tại Thông tư 28 ngày 22/2/2016 của Bộ Tài chính. Theo đó, đối với vé lượt: Mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 22 tấn và các loại xe buýt vận tải công cộng; mức phí cao nhất là 200.000 đồng/lượt được áp dụng đối với xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT là phân đoạn trong tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT tại Văn bản 2238 ngày 18/12/2013 và Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 113 ngày 10/01/2014.

Với chính sách thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng và khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa, dự án chính thức được khởi động ngày 20/2/2014 với tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng, chiều dài 45,8km, điểm đầu tại Km 113+985 QL1 (thuộc địa phận TP Bắc Giang), điểm cuối tại Km 159+100 QL1 (thuộc địa phận huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương – Tổng công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam – Công ty cổ phần đầu tư và Thương mại 319 – Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest (Liên danh OGC-VCG-319 INVEST-VANPHU INVEST) làm nhà đầu tư dự án theo Quyết định số 406 ngày 12/02/2014. Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang.

Sau hơn 18 tháng triển khai thi công, dự án đã hoàn thành và vượt tiến độ 6 tháng so với kế hoạch, được Bộ GTVT cho phép thông xe kỹ thuật vào ngày 3/1/2016.

Việc thông xe dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên các tỉnh Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang; góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1; thúc đẩy đầu tư và phục vụ phát triển KT-XH; bảo đảm an ninh quốc phòng cho các tỉnh có dự án đi qua nói riêng và khu vực Đồng bằng Bắc bộ nói chung.

Thời gian qua, ngoài việc tổ chức thu phí thử để giải quyết các tình huống phát sinh, rút kinh nghiệm, nhà đầu tư đã thực hiện các giải pháp để hạn chế tối đa khả năng ùn tắc giao thông tại trạm thu phí như: Phân làn giao thông từ xa, lắp đặt bổ sung thiết bị đảo làn, bố trí các lực lượng cứu thương, cứu hộ…, đồng thời, doanh nghiệp dự án cũng đã cầu thị tiếp thu các ý kiến phản ảnh của các phương tiện truyền thông về một số vấn đề như: Tình trạng mất các bu lông trên hộ lan tôn sóng hay nỗi lo bị phạt trên cao tốc Hà Nội – Bắc Giang…

Đến nay, nhà đầu tư dự án đã hoàn thiện toàn bộ các điều kiện để thu phí chính thức và Bộ GTVT cũng hoàn tất việc kiểm tra và chính thức ban hành quyết định cho phép dự án được thu phí hoàn vốn đầu tư kể từ 0 giờ ngày 25/5.

Mức phí của dự án đã được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 28/2016/TT-BTC ngày 22/2/2016 như sau:

Số TT

Phương tiện chịu phí đường bộ

Mệnh giá (đồng/vé)

Vé lượt

Vé tháng

Vé quý

1

Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng

35.000

1.050.000

2.835.000

2

Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn

50.000

1.500.000

4.050.000

3

Xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn

75.000

2.250.000

6.075.000

4

Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit

140.000

4.200.000

11.340.000

5

Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit

200.000

6.000.000

16.200.000

(Theo Báo Giao thông)