Phê duyệt Đề án tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Lượt xem: 70

Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho cán bộ quản lý, người lao động trong các KCN, CCN và người dân sống xung quanh các KCN, CCN. Đồng thời nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông tại khu vực KCN, CCN. Tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm TTATGT nhằm giảm 5 -10% số người chết hàng năm do tai nạn giao thông và giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các KCN, CCN trên địa bàn cả nước.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý và người lao động làm việc trong các KCN, CCN và người dân sống xung quanh các KCN, CCN được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT hàng năm; 100% lái xe cho các doanh nghiệp trong KCN, CCN được tập huấn hàng năm về kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức của người lái xe; xóa bỏ 100% các điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại khu vực xung quanh các KCN, CCN; 100% hệ thống báo hiệu đường bộ được chuẩn hóa; 80 – 100% các KCN, CCN quy mô lớn và vừa được kết nối xe buýt có điểm dừng, đỗ thuận tiện và an toàn trong KCN, CCN.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đề án nêu rõ Ban ATGT cấp tỉnh chủ trì xây dựng và ban hành quy chế phối hợp giữa Ban ATGT cấp tỉnh với Ban Quản lý các khu công nghiệp, LĐLĐ tỉnh và UBND cấp huyện trong công tác bảo đảm TTATGT; chủ trì lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT vào các Chương trình của Ban ATGT; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đào tạo, tập huấn cho mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.

Sở Giao thông vận tải các tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Đề án phù hợp với tình hình của địa phương, trong đó, tập trung tiến hành cải tạo xóa bỏ các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông trên hệ thống đường tỉnh, đường đô thị khu vực xung quanh các KCN, CCN; rà soát, cải tạo điều kiện ATGT tại các điểm đấu nối KCN, CCN với đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị.

Đầu tư xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, xe đạp và xe máy sang đường trên các tuyến đường địa phương tại các khu vực KCN, CCN có nhu cầu người sang đường cao và có tổ chức giao thông phức tạp; điều chỉnh quy hoạch xe buýt của địa phương, đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt đến các KCN, CCN, bố trí các điểm đón, đưa cán bộ, công nhân trong KCN, CCN; chủ trì, đề xuất UBND cấp tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm TTATGT tại các KCN, CCN; chủ trì, đề xuất UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện triển khai các nội dung của đề án đối với các CCN trên địa bàn địa phương.

Ban Quản lý các KCN rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các KCN phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải; tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan đến bảo đảm TTATGT. Đồng thời yêu cầu các nhà đầu tư, nhà khai thác và các doanh nghiệp phải bố trí bộ phận làm đầu mối theo dõi, quản lý về công tác bảo đảm ATGT hoặc có người phụ trách về vấn đề này; rà soát, thay thế hệ thống báo hiệu đường bộ trong các KCN; cải tạo điều kiện ATGT tại các nút giao trong khu vực KCN; xây dựng bãi đỗ xe ô tô trong các KCN; bố trí các điểm đón, trả khách trong KCN; khuyến khích các doanh nghiệp trong các KCN bố trí xe ô tô đưa đón công nhân; yêu cầu các KCN xây dựng và ban hành quy chế riêng về giao thông vận tải trong khu vực, phù hợp với từng điều kiện thực tế của các KCN.

Xem chi tiết Quyết định tại đây./.