Bắc Giang: “Mạnh tay” ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn

Lượt xem: 95

Cùng cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) – trật tự (Công an huyện Hiệp Hòa) tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường tại thị trấn Thắng, chúng tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện xung quanh việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Sau khi bị dừng xe mô tô vì lỗi không đội mũ bảo hiểm, anh Phạm Văn Bắc (SN 1998), trú tại xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa) tiếp tục được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Cho rằng mình không uống rượu, anh Bắc khóa xe rồi bỏ sang quán nước gần đó ngồi. Tổ tuần tra phải mất gần 30 phút giải thích và yêu cầu anh Bắc chấp hành.

Khi máy đo nồng độ báo thông số 0,285 miligam/1 lít khí thở, anh Bắc mới chịu ký vào biên bản và thừa nhận vừa đi “giao lưu” cùng bạn. Với lỗi không đội mũ bảo hiểm, vi phạm về nồng độ cồn, không mang các giấy tờ theo quy định và cản trở yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, anh Bắc bị xử phạt tổng cộng 7 triệu đồng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định, từ ngày 1-8, người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ. Đối với người điều khiển mô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt từ 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Ông Đào Nguyên Quý, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết: “Uống rượu bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Việc tăng mức phạt đối với hành vi có sử dụng nồng độ cồn góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hạn chế xảy ra tai nạn”.

Theo Thiếu tá Dương Quốc Thông, Đội trưởng Đội CSGT – trật tự (Công an huyện Yên Thế), cơ bản người vi phạm chấp hành yêu cầu của lực lượng chức năng, tuy nhiên cũng có người khi bị yêu cầu dừng xe thì đóng cửa ô tô “cố thủ”. Có trường hợp không chịu thổi vào máy đo hoặc thổi rất nhẹ rồi tìm cách câu giờ như gọi điện thoại cho nhiều người… Còn chuyện say xỉn rồi thách thức, có hành vi thiếu văn hóa với công an vẫn diễn ra.

Thực tế, bên cạnh việc xử lý kiên quyết, lực lượng còn lồng ghép tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh các quy định, chế tài xung quanh việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện. Tại huyện Sơn Động, quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT phát tờ rơi về quy định xử phạt cũng như nguy cơ tai nạn do hành vi sử dụng rượu bia.

Còn tại các địa phương khác, như: TP Bắc Giang; Việt Yên, Hiệp Hòa… lực lượng chức năng tăng cường tuần tra lưu động vào khung giờ “nhạy cảm” (từ 19 đến 22 giờ) ở nơi tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu. Từ đó, đa số người dân đều nắm được quy định xử phạt mới và có ý thức hơn khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia khi điều khiển các loại xe tham gia giao thông.

Bị xử phạt vì có nồng độ cồn là 0,482 miligam/1 lít khí thở, anh Nguyễn Văn Lưu (SN 1973), trú tại thôn Đống Cao, xã Canh Nậu (Yên Thế) nói: “Đây là lần đầu tiên tôi bị phạt vì nồng độ cồn. Mất tiền nhưng là bài học lớn để bản thân chấp hành nghiêm hơn, hạn chế mối nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông”.

Tăng cường lực lượng CSGT tuyên truyền, xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là chủ trương đúng đắn, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. Bởi khi đã biết mức xử phạt cao, người điều khiển phương tiện sẽ phải cân nhắc giữa việc uống hay không trước khi ra đường.

Theo BGĐT