Ẩn họa tốc độ cao

Lượt xem: 95

Theo Thông tư 91 của Bộ Giao thông – Vận tải, từ ngày 1-3-2016, phương tiện ô tô được chạy với vận tốc tối đa cao hơn tốc độ cho phép trước đây 10km/giờ trong đô thị và tuyến quốc lộ. Cụ thể, trên đường đôi có dải phân cách, hoặc đường một chiều có từ 2 làn xe trở lên là 60km/giờ; còn đường hai chiều không có dải phân cách, hoặc đường một chiều có một làn xe cơ giới, tốc độ tối đa 50km/giờ. Trong khi hạ tầng giao thông, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn hạn chế thì nhiều người lo lắng nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) từ việc nâng tốc độ này.

Tăng cường kiểm soát

Đầu giờ sáng, phóng viên có mặt tại chốt xử lý vi phạm trật tự ATGT theo chuyên đề chạy quá tốc độ của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tại Quốc lộ 1 khu vực cầu Lường, xã Quang Thịnh (Lạng Giang). Là tuyến đường gần nhất nối thủ đô Hà Nội với tỉnh biên giới Lạng Sơn nên mật độ phương tiện tham gia giao thông ở đây rất cao. Mỗi ngày có hàng nghìn xe ô tô chở hàng hóa qua lại, nhiều nhất là container, xe đầu kéo, xe tải. Đó là chưa kể vào giờ cao điểm, học sinh đến trường, người dân đi lại càng làm cho tuyến đường vốn chật hẹp, đông đúc càng trở nên bí bách.

“Chị thấy đấy, người xe nườm nượp thế này mà ô tô chạy với vận tốc hơn 50km/giờ thì nguy cơ xảy ra tai nạn sẽ rất cao”- Thượng úy Nguyễn Hữu Mạnh, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm nói với tôi như vậy. Quan sát dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) đến khu vực cầu Lường, phóng viên nhận thấy cả tuyến đường dài gần 30 km có rất nhiều chướng ngại vật, qua khu vực đông dân cư, có nhiều điểm đấu nối, đường ngang dân sinh vắt qua đường sắt để ra quốc lộ, một số đoạn đang nâng cấp, lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông quá đông…

Bị Tổ kiểm tra ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế Cao Xuân Vinh (SN 1989) ở thôn Hồ Thanh, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) điều khiển taxi 98A-077.73 gãi đầu giãi bày: “Em biết mình vi phạm chạy quá tốc độ, nhưng vì khách giục quá nên vội vàng”. Với lỗi chạy quá tốc độ 7 km/giờ, Vinh chấp nhận ký vào biên bản nộp phạt hành chính mức từ 600- 800 nghìn đồng, bị tạm giữ giấy phép lái xe: “Vậy là đi toi mấy ngày chạy xe, lại phải xuống tận TP Bắc Giang nộp phạt, vừa mất tiền, mất công lại mang tiếng vi phạm”, Vinh hối hận.

Xử lý xong xe taxi, Tổ công tác lại tiếp nhận một xe vi phạm khác mang BKS 15A-21761 do anh Nguyễn Đức Lâm ở thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão (TP Hải Phòng) điều khiển. Với lỗi vi phạm chạy quá tốc độ 76/50km/giờ, tổ công tác kiên quyết lập biên bản, phạt từ 2-3 triệu đồng, tạm giữ giấy phép lái xe.

9 tháng năm 2016, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã lập biên bản xử lý 5.888 phương tiện, trong đó có 2.737 trường hợp vi phạm tốc độ chủ yếu là ô tô, xe máy. Theo đánh giá, sau các đợt xử lý, ý thức tham gia giao thông chấp hành các quy định về ATGT của lái xe được nâng lên rõ rệt.

Quá trình kiểm soát, xử lý vi phạm, một số lái xe không chấp hành mà tăng tốc bỏ chạy. Điển hình là xe mô tô BKS 12H7-6872 và 98D1-47625 đều chạy với tốc độ hơn 60km/giờ. Khi bị lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế không những không chấp hành còn tăng tốc, lợi dụng đường đông phương tiện liền lạng lách nhằm trốn tránh bị xử lý. Đối với những trường hợp bỏ chạy như vậy, cảnh sát giao thông sẽ truy xuất xử phạt ít nhất hai lỗi: Chạy quá tốc độ cho phép và không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Chưa đầy hai giờ đồng hồ, tại chốt kiểm soát khu vực cầu Lường, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện thêm gần chục trường hợp xe máy và ô tô vi phạm lỗi chạy quá tốc độ.

Trung tá Ngô Quang Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết: Để kéo giảm nguy cơ tai nạn, chúng tôi tăng cường tuần tra kiểm soát. Đặc biệt tại Quốc lộ 1 thường xuyên có 5 ca tuần tra khép kín 24/24 giờ để xử lý vi phạm.

Vạch kẻ sơn, chỉ dẫn tim quốc lộ 37

Không nườm nượp phương tiện ô tô, container như Quốc lộ 1 song Quốc lộ 37 đi qua huyện Việt Yên và Hiệp Hòa lại quá đông xe máy, xe đạp điện. Là nơi có nhiều khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh, mỗi ngày hàng vạn lượt công nhân qua lại nên thường xuyên ùn tắc, va chạm, dễ xảy ra tai nạn.

Chị Chu Lan Anh, chủ một tiệm làm đẹp ở thị trấn Bích Động (Việt Yên) than vãn: “Nhà tôi ở xã Thượng Lan, ngày nào cũng hai lần đi về, quãng đường có hơn chục cây số nhưng phải mất tiếng đồng hồ mới đến nhà vì mật độ phương tiện quá đông. Nếu đi nhanh chắc chắn xảy ra tai nạn”. Trên tuyến này còn có nhiều đường ngang ngõ tắt giao cắt, vạch kẻ sơn, chỉ dẫn đã mờ, buổi tối người tham gia giao thông rất khó nhận biết phần đường của mình. “Trong khi dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 37 chưa được triển khai thì việc kẻ sơn, tim đường chỉ dẫn trên tuyến Quốc lộ này là rất cần thiết để tránh TNGT. Bên cạnh đó, nên hạn chế tốc độ ở những nơi không có dải phân cách cứng” – Trung tá Ngô Quang Phục đề xuất.

Ngoài tăng tốc độ cho ô tô, việc nâng tốc độ tối đa thêm 10km/giờ tại khu vực đông dân cư đối với xe đạp điện, xe máy điện theo Thông tư 91 cũng gây lo lắng về nguy cơ xảy ra TNGT. Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng chục nghìn xe máy điện, xe đạp điện lưu hành. Đây là loại phương tiện phổ biến, gọn nhẹ, lướt êm, không gây tiếng ồn, nhóm sử dụng đông nhất là học sinh nên lo lắng của một bộ phận người dân, đặc biệt là phụ huynh về những tiềm ẩn gây tai nạn là có cơ sở. Anh Nguyễn Xuân Hùng, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) có con gái học lớp 10 bày tỏ: “Ở tuổi này cho con sử dụng xe đạp điện đi học mà cứ nơm nớp lo. Bắt buộc chúng đi xe đạp thì không đành vì trong lớp ai cũng có xe đạp điện. Với tốc độ tối đa 40km/giờ sẽ tăng thêm các yếu tố nguy hiểm, dễ dẫn đến tai nạn”.

Đừng vì nhanh một phút, chậm cả đời

TNGT luôn rình rập con người hàng ngày, hàng giờ, ở mọi lúc, mọi nơi, trên mỗi tuyến đường, trong từng ngõ phố. Mất mát nào cũng đớn đau nhưng mất mát do TNGT luôn để lại hậu quả khốn cùng, ám ảnh những người ở lại. Đã có rất nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, Công an tỉnh, Ban ATGT và từng địa phương về việc đẩy mạnh các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. 9 tháng năm 2016 (tính từ ngày 16-12-2015 đến ngày 15-9-2016), toàn tỉnh vẫn xảy ra 144 vụ TNGT, làm chết 75 người, bị thương 112 người.

Ngoài nguyên nhân do mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ… thì nguyên nhân chính vẫn là ý thức của người điều khiển phương tiện, nhất là khi thực hiện quy định nâng tốc độ. Người tham gia giao thông phóng nhanh, vượt ẩu, đi quá tốc độ cho phép dẫn đến không làm chủ tay lái… là nguyên nhân phổ biến gây ra tai nạn hiện nay. Nhanh một phút mà chậm cả đời, thay vì hối hận muộn màng của những người gây ra tai nạn, mỗi người cần biết cách tự bảo vệ bản thân bằng cách tham gia giao thông bằng sự tự giác, luôn nêu cao ý thức, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATGT.

Thu Phong/BGĐT