Khi nào có…giao thông tự giác?

Lượt xem: 87

Mặc dù có biển cấm và có đường gom cho mô tô, xe máy nhưng nhiều người vẫn đánh cược tính mạng của mình trên cao tốc. Ảnh: BGP/Đức Thắng

Thảm họa chưa dừng lại

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra 16.167 vụ TNGT, làm chết 6.827 người, bị thương 13.281 người. Riêng trong tháng 10/2017 đã có 702 người chết vì TNGT.

Như vậy, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 23 người chết và 44 người thương tật vì TNGT. Cùng thời gian trên, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra 160 vụ, làm chết 74 người, bị thương 140 người.

So với cùng kỳ năm 2016, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, việc kéo giảm TNGT chưa thật bền vững, số người chết và số người bị thương vì TNGT vẫn ở mức cao, tổn thất về TNGT rất lớn. Theo ước tính mỗi năm, TNGT ở Việt Nam làm thiệt hại khoảng 50.000 tỷ đồng, bằng 30% ngân sách giáo dục và 60% giá trị xuất khẩu lúa gạo, tương đương 1,5 triệu người không có thu nhập trong 1 năm.

Số người thương vong nói trên vượt qua tất cả các thảm họa thiên tai gây ra với con người từ trước đến nay. Chúng ta không thể chấp nhận trong cuộc sống hòa bình, văn minh mà hằng ngày con người lại luôn phải đối mặt với hiểm họa giao thông rình rập cướp đi sinh mạng của hàng chục con người.

Nếu chứng kiến những gia đình có người thân tử vong hay tàn phế vì TNGT, chúng ta mới cảm nhận được tận cùng của nỗi đau do thảm họa TNGT gây ra. Theo con số thống kê nói trên, trung bình mỗi ngày trên cả nước có khoảng 23 gia đình phải chịu cảnh tang tóc, hơn 40 gia đình đang phải gồng mình chống chọi với nỗi đau có người thân bị tàn phế suốt đời và theo đó cũng là hàng trăm ước mơ, khát vọng, dự định về tương lai dang dở…

Bỏ lại sau đó là những ngôi nhà lạnh lẽo, những ánh mắt mờ đục, khô cạn nước mắt của những bậc cha mẹ mất con; những người vợ, người chồng cô quạnh và những đứa trẻ mất cha, mất mẹ chỉ sau một tích tắc ớn lạnh. Những người còn lại trong mỗi gia đình đó sẽ phải đối mặt với khủng hoảng về cả vật chất, lẫn tinh thần và dĩ nhiên nỗi đau chưa dừng lại sau mỗi thảm họa ập xuống.

Vì đâu nên nỗi?

Tại các hội nghị, hội thảo về bảo đảm trật tự ATGT từ Trung ương đến địa phương, các học giả, nhà quản lý đều có chung nhận định về những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT, như: Hạ tầng giao thông không đồng bộ, chất lượng đường xuống cấp; hệ thống cọc tiêu, biển báo còn nhiều bất cập… Tuy nhiên, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới TNGT là do lỗi chủ quan, ý thức chấp hành những quy định, quy tắc về ATGT của người dân không tốt.

Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ cho nên biển báo “chỉ mang tính minh họa”. Ảnh: BGP/Đức Thắng

Theo phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý thì 71,6% số vụ TNGT là do ý thức chấp hành quy định về trật tự ATGT của người dân không tốt.

Thực tế cho thấy, vẫn cùng một tuyến đường, lúc chưa được nâng cấp, mở rộng thì ít xảy ra TNGT, nhất là TNGT nghiêm trọng, nhưng khi được nâng cấp, mở rộng thì số vụ TNGT tăng lên, mà hầu hết khi xảy ra tai nạn thì phần lớn nạn nhân tử vong.

Cùng đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đoàn thể nhân dân; được thực hiện rất bài bản, kiên trì, với nhiều hình thức phong phú, tới các đối tượng… bảo đảm cả chiều rộng, lẫn chiều sâu. Khi hỏi kiến thức, vốn hiểu biết về một số tín hiệu, biển báo và quy tắc giao thông cơ bản thì hầu hết mọi người đều nắm rõ. Tuy nhiên, việc hiểu quy tắc và thực hiện quy tắc lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau!?

Hình ảnh người điều khiển phương tiện, nhất là xe máy vượt đèn đỏ hay đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ cho phép; xe dừng đỗ trái làn đường; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện…, và đặc biệt nguy hiểm hơn là tình trạng sử dụng chất cấm khi tham gia giao thông từ lâu đã là “chuyện thường ở huyện”. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT liên quan đến rượu bia và con số này đang có xu hướng gia tăng.

Tình trạng người điều khiển, ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm không khó bắt gặp ở nhiều nơi. Ảnh: BGP/Đức Thắng

Thêm vào đó, nơi này, nơi kia còn xem nhẹ, làm chiếu lệ đối với công tác kiểm định phương tiện vận tải, vô hình trung đã cấp phép cho những phương tiện giao thông không bảo đảm về an toàn khi tham gia giao thông. Đây cũng là nguồn cơn dẫn tới các vụ TNGT nghiêm trọng, số người thương vong lớn.

Anh bạn tôi đã đi du lịch, công tác nhiều nơi trên thế giới thừa nhận rằng: “Ở trong nước, nhiều người chúng ta rất tùy tiện trong việc chấp hành các quy định, quy tắc giao thông vì… ít khi bị xử phạt. Tuy nhiên, khi đi sang các nước tiên tiến như Singapore, Nhật Bản, châu Âu…, nếu không chấp hành tín hiệu giao thông, trước hết sẽ nhận được hàng trăm ánh mắt của người đi đường nhìn vào với thái độ đáng xấu hổ và sau đó sẽ nhanh chóng được lực lượng chức năng “hỏi thăm” và “trao cho” hóa đơn nộp phạt, bởi camera giám sát được gắn ở nhiều nơi. Do đó, khi tham gia giao thông ở nước ngoài, chúng tôi luôn rất tự giác trong việc chấp hành các quy tắc giao thông…”

Như vậy, vẫn là con người đó, khi tham gia giao thông ở trong nước thì tùy tiện, thiếu trách nhiệm nhưng khi ra nước ngoài lại chấp hành rất nghiêm quy định về trật tự ATGT. Nguyên nhân vì sao chắc chúng ta đều có câu trả lời.

Nói gọn lại, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn tới các vụ TNGT xét cho cùng chủ yếu là do con người gây ra. Trong đó, một phần nhỏ do sự thiếu hiểu biết về quy tắc, quy định ATGT, song phần lớn là do ý thức chấp hành không nghiêm túc, thậm chí thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình và cộng đồng – hay nói cách khác, chúng ta đang thiếu tự giác khi tham gia giao thông.

Vì cái lợi của cá nhân, một bộ phận người dân bán hàng ngay tại cao tốc bất chấp nguy hiểm đối với chính mình và cộng đồng. Ảnh: BGP/Đức Thắng

Để chấm dứt nỗi đau do thảm họa giao thông gây ra, bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng trong việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu, thì mỗi chúng ta cần có cách nhìn nghiêm khắc hơn về hành vi, trách nhiệm của chính mình khi tham gia giao thông.

atgt.bacgiang.gov.vn