Kéo giảm TNGT, mạnh tay xử lý xe quá khổ, quá tải

Lượt xem: 88
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn kết luận hội nghị.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lại Thanh Sơn kết luận hội nghị.

TNGT tăng

Ba tháng đầu năm là thời gian đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cùng với việc các địa phương tổ chức nhiều lễ hội Xuân nên là thời điểm tình hình ATGT diễn biến phức tạp nhất. Toàn tỉnh xảy ra 75 vụ TNGT, làm chết 37 người, bị thương 55 người, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 6 vụ, 9 người chết, giảm 15 người bị thương. Bắc Giang đứng thứ 47/63 tỉnh, TP về tăng TNGT.

Các huyện xảy ra TNGT tăng gồm: Lạng Giang, Lục Nam, Tân Yên, Hiệp Hòa, Yên Thế, Việt Yên và Yên Dũng. Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải (GTVT), Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng tai nạn vẫn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông.

Qua phân tích cho thấy khoảng 70% người vi phạm ở độ tuổi thanh thiếu niên, 60% do không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đúng về công tác này, còn tâm lý chủ quan, xem nhẹ và phó mặc cho lực lượng chức năng.

Nhiều đại biểu cho rằng, biểu hiện rõ nhất là một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo dẫn đến vi phạm pháp luật về ATGT có xu hướng tăng, nhất là tình trạng lấn chiếm lề đường bán hàng trên một số tuyến đường, nổi bật như: Đường gom thuộc tuyến cao tốc Hà Nội- Bắc Giang, Quốc lộ 37 khu vực Đình Trám (Việt Yên), Quốc lộ 31, khu vực ngã 3 Lim (Lục Ngạn), dốc Sàn (Lục Nam), đường tỉnh 295B khu vực xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), Hồng Thái (Việt Yên)… Ngoài ra, tình trạng xe đưa đón công nhân chạy sai làn đường, dừng đỗ không đúng quy định làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, tiềm ẩn nguy hiểm về TNGT. Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên kiến nghị Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh cần sớm bố trí xây dựng bãi đỗ xe ô tô chở công nhân. Ngành giao thông đẩy nhanh tiến độ làm dải phân cách cứng đoạn đầu cầu vượt Quốc lộ 37 để hạn chế ùn tắc vào các khung giờ cao điểm.

Xe quá khổ, quá tải giảm nhưng chưa triệt để

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng và địa phương đã tích cực triển khai công tác này. Công an tỉnh mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ô tô cơi nới, cải tạo thùng trái phép, chở hàng quá khổ, quá tải trọng; Sở GTVT chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Trạm Kiểm tra tải trọng tăng cường kiểm soát phương tiện tại đầu nguồn (điểm tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, mỏ khai thác vật liệu, khoáng sản); Ban ATGT tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành… Cùng đó duy trì đường dây nóng, giải quyết phản ánh của người dân, cơ quan báo chí về tình hình phương tiện quá khổ, quá tải…

Thông qua tuần tra, kiểm soát giao thông, lực lượng chức năng các địa phương đã xử lý 530 trường hợp xe chở quá tải, 232 trường hợp chở quá khổ và gần 900 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thùng xe, bạt che không tác dụng.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Ngọc Anh

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Ảnh: Ngọc Anh

Tuy vậy, đánh giá của ngành chức năng cho thấy tình trạng xe cơi nới chở hàng quá khổ, quá tải vẫn chưa triệt để, vi phạm còn diễn ra nhiều ở các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Thế. Lái xe, chủ xe tranh thủ chạy vào ban đêm đến sáng sớm; nhiều doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản chưa chấp hành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo quy định. Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin: Qua tổng kiểm tra 27 DN được cấp phép khai thác khoáng sản, hiện mới có 5 DN lắp trạm cân, 18 DN lắp camera giám sát. Lý giải nguyên nhân, ông Tuyến cho biết do nhiều DN có mỏ khai thác ở xa đường điện, khu dân cư, một số đơn vị thời hạn khai thác đã gần hết hạn nên chưa thực hiện.

Triển khai đồng bộ nhiều biện pháp

Phát biểu kết luận, đồng chí Lại Thanh Sơn nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm quý II của Ban ATGT tỉnh và các địa phương là tiếp tục có nhiều biện pháp để kéo giảm TNGT, mạnh tay xử lý xe quá khổ, quá tải, đồng thời quan tâm giải tỏa hành lang ATGT. Giải pháp trước tiên vẫn là nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, bởi các vụ vi phạm về trật tự ATGT hầu hết do phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng chí đề nghị Công an tỉnh đánh giá lại thực trạng trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh, nắm rõ nơi nào còn khó khăn, phức tạp để cùng với ngành liên quan và chính quyền địa phương có biện pháp tháo gỡ. Về vấn đề thống kê số liệu TNGT, ngành Công an phải phối hợp với Viện KSND, TAND cùng cấp để nắm bắt số liệu chuẩn xác nhất.

Đối với công tác kiểm soát tải trọng xe, đồng chí yêu cầu, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của tỉnh, các địa phương và lực lượng chức năng phải tập trung làm tốt, nhất là các tuyến đường, địa bàn trọng điểm gần đầu nguồn khai thác khoáng sản, bến, bãi vật liệu xây dựng, khu vực thi công công trình. Về lắp trạm cân và camera giám sát tại khu vực khai thác khoáng sản, đồng chí chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trong tháng 5 phải hoàn thành thống kê các điểm cần lắp.

Nếu đơn vị khai thác nào không chấp hành phải yêu cầu dừng hoạt động. Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh sớm có kế hoạch làm việc với các DN có ô tô đưa đón công nhân để chấn chỉnh các hành vi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang:“Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trên quốc lộ 1”

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Lạng Giang xảy ra 10 vụ TNGT nghiêm trọng làm chết 11 người (tăng 7 vụ, 8 người chết so với cùng kỳ năm 2017). Nguyên nhân được xác định là tuyến quốc lộ 1 chạy qua địa bàn có chiều dài 20 km, qua ba trung tâm dân cư lớn, giao cắt với nhiều tuyến đường của huyện. Ngoài ra huyện cũng có nhiều dự án lớn liên quan đến phương tiện vận tải. Mật độ phương tiện ngày càng tăng, nguy cơ xảy ra tai nạn lớn. Về chủ quan, nguyên nhân xảy ra tai nạn là do ý thức của người tham gia giao thông chưa cao, nhiều trường hợp chạy quá tốc độ, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện; sang đường, vượt xe không chú ý quan sát…

Trước tình hình TNGT diễn biến phức tạp, huyện xác định thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó ngoài tiếp tục tăng cường tuyên truyền, huyện tập trung chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Yêu cầu cơ quan chức năng và các xã, thị trấn mở các đợt cao điểm giải tỏa vi phạm trật tự hành lang ATGT, nhất là ở những nơi có mật độ dân cư đông, phức tạp dọc Quốc lộ 1, tỉnh lộ 295, 292.

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp; rà soát, làm lại hệ thống biển báo trên các tuyến đường. Đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát dọc tuyến Quốc lộ 1, xử lý nghiêm vi phạm không đội mũ bảo hiểm, cố tình không chấp hành tín hiệu giao thông và phối hợp xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải chạy trên địa bàn.

Ông Trần Vũ Thông, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh:“Quản lý chặt chẽ phương tiện đưa đón công nhân”

Hiện toàn tỉnh có 4/6 khu công nghiệp (KCN) đã hoạt động với khoảng 86 nghìn lao động. Hàng ngày tại các khu vực này có gần 1.300 xe ô tô từ 4 đến 50 chỗ đưa đón cán bộ, chuyên gia và công nhân; 15 đến 20 nghìn xe gắn máy cùng khoảng 600 lượt xe vận tải hàng hóa lưu thông. Hầu hết các KCN đều nằm ở các đầu mối giao thông quan trọng như: Cao tốc Hà Nội- Bắc Giang; quốc lộ 37… khiến lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông đông, nhất là vào giờ cao điểm, gây ùn tắc các tuyến đường lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Nhằm góp phần khắc phục tình trạng này, Ban quản lý các KCN tỉnh có văn bản chỉ đạo các DN thường xuyên tuyên truyền đến người lao động trong việc chấp hành pháp luật ATGT; bố trí lực lượng bảo vệ cùng với địa phương tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông lúc cao điểm. Về lâu dài đề xuất với UBND tỉnh, Bộ Giao thông-Vận tải nghiên cứu bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 (đoạn từ huyện Hiệp Hòa đi quốc lộ 1); chỉ đạo đơn vị liên quan nâng cấp, sửa chữa các hầm chui và đường gom dân sinh; giải quyết tình trạng lều quán bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường quanh khu vực các KCN…

Đặc biệt, có giải pháp quản lý chặt chẽ chất lượng phương tiện vận chuyển, đưa đón công nhân trong các DN bởi hiện nay nhiều phương tiện trong số đó hết niên hạn sử dụng, rất nguy hiểm trong việc tham gia giao thông.

Nguồn baobacgiang.com.vn