Rút ngắn quãng đường, thu hẹp cuộc đời

Lượt xem: 92
Điểm hộ lan bị tháo dỡ tại lối vào Công ty Chiến Đại Thắng ở thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).

Điểm hộ lan bị tháo dỡ tại lối vào Công ty Chiến Đại Thắng ở thôn Tân Văn 3, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang).

Đi tắt dễ tai nạn

Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, nguyên nhân được xác định là do lỗi của chính nạn nhân chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong đó có thói quen đi tắt, ngược chiều. Cuối năm 2015, một nam thanh niên điều khiển xe máy chở người thân đi khám thai. Trên đường về đến ngã tư Đình Trám (Việt Yên), do muốn đi tắt cho nhanh nên đã đi vào đường một chiều. Khi đến khu vực thuộc địa phận thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái đã va chạm với một xe mô tô khác khiến người phụ nữ mang thai tử vong trên đường đi cấp cứu.

Quan sát tại một số nút giao thông như chân cầu vượt khu vực Đình Trám, ngã tư tử thần Yên Dũng( quốc lộ 1 giao cắt với quốc lộ 17) thấy nhiều người tham gia giao thông đi tắt qua cao tốc, băng qua dải phân cách nhằm rút ngắn khoảng cách di chuyển để đón bắt xe khách. Sáng 31-7-2017, tại địa phận xã Nội Hoàng (Yên Dũng), một phụ nữ sinh năm 1966 quê tỉnh Phú Thọ đã bất ngờ đi tắt qua cao tốc Hà Nội – Bắc Giang để đón xe về quê đã bị xe bán tải chạy với tốc độ nhanh đâm vào gây tử vong. Được biết khu vực xảy ra tai nạn không cho phép người đi bộ sang đường.

Quả thật, chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ đứng quan sát tại đây, chúng tôi ghi nhận gần chục trường hợp xe máy chở người đỗ bên này đường trả người, sau đó họ cố tình chạy bộ vút qua cao tốc sang bên kia đường để bắt xe đi về phía xã Tiền Phong (Yên Dũng) thay vì xe máy phải rẽ phải về hướng xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang) để đi lên cầu vượt. Với cách đi này có thể rút ngắn được quãng đường khoảng 300m nhưng họ đâu biết đi như thế rất dễ rút ngắn cuộc đời, khi mà chỉ trong tích tắc ô tô qua đây đi với tốc độ cao, giới hạn lên đến 100km/giờ sẽ gây ra tai nạn thảm khốc.

Khắc phục những đoạn đường tắt, đường ngang

Lợi dụng việc thi công tuyến cao tốc Hà Nội- Lạng Sơn, gần một năm qua, trên đoạn quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), nhiều đoạn hàng rào hộ lan, dải tôn lượn sóng bảo vệ an toàn đường bộ bị người dân địa phương, doanh nghiệp ngang nhiên tháo dỡ để đấu nối đường dân sinh, lối đi vào nhà xưởng, bãi đỗ ô tô, cơ sở kinh doanh, dịch vụ nằm sát quốc lộ nhằm rút ngắn thời gian, quãng đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trước thực trạng này, ngày 4-4 vừa qua, các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện Lạng Giang đã tổ chức đóng lại các điểm rào đã bị tháo dỡ trái phép, trả lại nguyên trạng ban đầu. Ông Đào Văn Dự, Chủ tịch UBND xã Tân Dĩnh cho biết: Lối dân sinh cũng được đóng bớt lại còn 5 mét thay vì 28 mét như trước đây.

Tại các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Lục Nam và TP Bắc Giang nơi có tuyến đường sắt đi qua, để rút ngắn quãng đường, người dân đã tự mở những đường ngang trái phép, lối đi dân sinh qua đường sắt không chỉ là nguy cơ mất an toàn chạy tầu mà còn đe dọa tính mạng của chính người tham gia giao thông khi qua lại những lối này. Qua rà soát, toàn tỉnh có 199 vị trí đường ngang, đường dân sinh giao cắt với đường sắt. Cơ quan chức năng đã đề xuất xử lý 95 vị trí, năm 2017 đã tháo dỡ hơn chục lối đi dân sinh mở trái phép.

Bỏ ngay thói quen xấu

Chỉ vì ngại đi đường vòng, mất vài phút nhiều người chọn phương án đi tắt, “leo” lên bất cứ đoạn nào của dải phân cách mà họ có thể sang đường hoặc bất ngờ quay đầu xe bằng con đường ngắn nhất. Những lúc hấp tấp như vậy khiến cho các phương tiện lưu thông khác khó tránh được tai nạn. Đáng chú ý, những con đường tắt thường là đường đất do người dân tự mở nên rất nhỏ hẹp, tạm bợ, mềm sụt, không có biển chỉ dẫn, biển cảnh báo những chỗ nguy hiểm.

Những hành vi vi phạm pháp luật như trên cần phải được ngăn chặn để thay đổi thói quen “đi tắt dễ rút ngắn cuộc đời” của người tham gia giao thông.

Nguồn baobacgiang.com.vn