Nói không với rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông

Lượt xem: 102

Nhiều lần theo chân các tổ công tác kiểm tra nồng độ cồn của Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đi làm nhiệm vụ nhưng mới đây, lần đầu tiên tôi bị lái xe say rượu dọa khi giơ máy chụp ảnh.

Công an huyện Lục Nam kiểm soát phương tiện lưu thông qua địa bàn

Bộ dạng say khướt, đầu không đội mũ bảo hiểm, không… nhớ nổi tên mình nhưng người đàn ông này vẫn nhất quyết không chịu hợp tác với tổ công tác. Thậm chí người này còn đòi mượn xe máy tổ công tác để về lấy giấy tờ xe.

Trong khi ngồi chờ làm việc, người đàn ông này đã… ngủ ngay trên yên xe máy. Tổ công tác sau đó phải phối hợp với Công an phường Xương Giang (TP Bắc Giang – khu vực chốt kiểm soát) tìm nơi ở của người vi phạm để đưa về và xử lý vi phạm sau.

Bên cạnh những tình huống “dở khóc, dở cười” khi xử lý vi phạm nồng độ cồn như trên, cơ quan chức năng còn gặp phải không ít đối tượng chống đối, sẵn sàng “ăn vạ”, thậm chí gây thương tích cho cán bộ làm nhiệm vụ.

Thiếu tá Dương Văn Thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Yên Thế) cho biết: “Đối với các trường hợp tài xế say xỉn, không phối hợp làm việc, tổ công tác sẽ căn cứ vào phiếu đo nồng độ cồn và tiến hành lập biên bản dưới sự chứng kiến của người dân xung quanh”.

Chỉ trong tháng 7, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện khoảng 4.300 trường hợp vi phạm quy định về ATGT. Trong đó có gần 250 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Các đơn vị đã tạm giữ 866 phương tiện, tước có thời hạn gần 500 giấy phép lái xe.

Theo nhận định của cơ quan tuần tra, số trường hợp sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bị phát hiện chỉ chiếm phần nhỏ so với thực tế.

Lý do là những đối tượng này thường chủ động trốn tránh lực lượng chức năng. Bên cạnh đó, lực lượng cảnh sát giao thông mỏng, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, phương tiện kỹ thuật cũ, thường xuyên hỏng hóc cũng dẫn tới hiệu quả phát hiện, xử lý vi phạm hạn chế.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và 11% các vụ TNGT nghiêm trọng là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia. Nhiều trường hợp, nạn nhân say rượu, ngủ gật tự ngã, đâm vào các phương tiện khác bị thương hoặc tử vong.

Đơn cử như vụ thanh niên điều khiển xe máy lao vào xe đầu kéo ngược chiều vừa xảy ra đêm 4-8 tại quốc lộ 1, đoạn qua xã Phi Mô (Lạng Giang) tử vong tại chỗ. Hay như vụ tài xế ô tô say rượu gây tai nạn liên hoàn chiều 27-7 tại quốc lộ 37, đoạn qua xã Lương Phong (Hiệp Hòa).

Chính quyền, ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện nhiều.

7 tháng năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 246 vụ TNGT, làm chết 125 bị thương 216 người, so với cùng kỳ năm trước giảm 35 vụ, 6 người chết, 9 người bị thương. Trong các lỗi chủ yếu trực tiếp gây nên các vụ tai nạn nghiêm trọng thì vi phạm về nồng độ cồn vẫn đứng đầu.

Đại tá Nguyễn Đình Hoàn, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: “Để hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc, mỗi tài xế cần phải “nói không với rượu, bia” trước khi điều khiển phương tiện. Ngoài kiểm tra tại những tuyến trọng điểm, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường lực lượng cảnh sát khác kiểm soát lỗi này tại khu vực nông thôn để tạo chuyển biến trong ý thức của mỗi người”.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nên nâng chế tài xử phạt đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn để tăng tính răn đe. Đồng thời, các ngành chức năng cần xây dựng giải pháp về công nghệ và dịch vụ để hạn chế tình trạng sử dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông như: Ứng dụng các phần mềm cảnh báo nồng độ cồn trên điện thoại thông minh hoặc ứng dụng khóa liên động (đo nồng độ cồn nếu quá quy định sẽ tự khóa tay lái) trên phương tiện ô tô, xe máy…

Nguồn baobacgiang.com.vn