Xử lý bến, bãi vi phạm pháp luật đê điều: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Lượt xem: 119

Cương quyết xử lý

Cách đây chưa lâu, vi phạm pháp luật đê điều của các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn các xã: Quang Châu, Tiên Sơn và Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đến nay, nhiều trường hợp vi phạm đã được giải tỏa.

Một bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Quang Châu nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép, hiện đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Một bãi tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Quang Châu nằm trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép, hiện đã bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xây dựng kế hoạch và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2020, UBND huyện Việt Yên đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo, tổ giúp việc Ban chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều và PCTT; chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp UBND các xã: Vân Trung, Quang Châu, Tiên Sơn rà soát việc quản lý, sử dụng đất công ích, đất công do tập thể quản lý đối với các bến bãi ven sông.

Huyện ban hành văn bản yêu cầu các xã Tiên Sơn, Quang Châu rà soát và thanh lý các hợp đồng giao, thuê thầu trái quy định đối với các bến bãi ven sông. Đồng thời, đôn đốc các xã lập kế hoạch xử lý, giải tỏa bến bãi vi phạm…

Thống kê của cơ quan chuyên môn, hiện trên địa bàn huyện Việt Yên có 26 bến bãi tập kết, kinh doanh, trung chuyển vật liệu ven đê tả Cầu. Trong đó có 14 bến bãi nằm trong quy hoạch của tỉnh và 12 bến bãi nằm ngoài quy hoạch. Hiện nay, cùng với việc tạm dừng tất cả các bến bãi, đối với các điểm nằm ngoài quy hoạch, UBND huyện đã yêu cầu tháo dỡ, giải tỏa; xử phạt hành chính 5 trường hợp với số tiền 110 triệu đồng.

Trong đó, xử phạt chủ 2 bến bãi là ông Tạ Như Tuyên và ông Hoàng Bá Khai cùng ở xã Tiên Sơn với tổng số tiền 50 triệu đồng; xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Pháp 30 triệu đồng, hộ bà Nguyễn Thị Đỡ 15 triệu đồng và ông Hoàng Vũ Cường 15 triệu đồng. UBND xã Quang Châu xử phạt hành chính 14 chủ bến bãi vi phạm với số tiền 56 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, Trưởng Ban chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều và PCTT huyện, quan điểm xử lý của địa phương là cương quyết và triệt để. Với các bến bãi nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chưa đủ các điều kiện được phép hoạt động, huyện giao cơ quan chuyên môn xem xét, hướng dẫn quy trình, làm thủ tục theo quy định của pháp luật. Riêng các trường hợp nằm ngoài quy hoạch, huyện đã yêu cầu kiên quyết giải tỏa.

Tháo gỡ vướng mắc

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 119 nhà đầu tư đang hoạt động tại các bãi có liên quan tới đê điều. Trong đó có 72 nhà đầu tư hoạt động tại các bãi trong quy hoạch và 47 nhà đầu tư đang hoạt động tại các bãi ngoài quy hoạch, tập trung tại các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 119 nhà đầu tư đang hoạt động tại các bãi có liên quan tới đê điều. Trong đó có 72 nhà đầu tư hoạt động tại các bãi trong quy hoạch và 47 nhà đầu tư đang hoạt động tại các bãi ngoài quy hoạch, tập trung tại các huyện: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và TP Bắc Giang.

Bên cạnh đó, 72 nhà đầu tư có bến bãi nằm trong quy hoạch song cũng chưa hoàn tất các thủ tục theo quy định tại Quyết định số 194/2013/QĐ-UBND ngày 16/5/2013 của UBND tỉnh quy định về quản lý khai thác cát sỏi lòng sông và sử dụng bãi ven sông chứa cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tất cả các trường hợp này đều chưa có giấy phép hoạt động do UBND tỉnh cấp theo quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 25, Luật Đê điều.

Theo kế hoạch, năm nay, tổng số vi phạm về bến bãi phải xử lý là 44 trường hợp nhưng đến thời điểm này toàn tỉnh mới xử lý được 24 trường hợp. Ông Trần Đình Hải, Trưởng Phòng Thanh tra-Pháp chế, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, quá trình kiểm tra xử lý vi phạm đã gặp những vướng mắc. Ví dụ như, việc hoàn tất thủ tục để các chủ hộ kinh doanh bến bãi nằm trong quy hoạch được cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đang khó khăn do phần diện tích đất từ mép bờ sông tự nhiên trở vào trước đây không được giao cho các hộ, nay phải điều chỉnh lại.

Công tác giải tỏa các bến bãi không nằm trong quy hoạch của các cơ quan chức năng các huyện, TP chưa triệt để, chậm hoàn thành, mới tạm dừng không chất tải vật liệu thêm nhưng vẫn chưa di chuyển hết số vật liệu đã chất tải và công trình ra khỏi bãi sông theo chỉ đạo của UBND tỉnh (UBND tỉnh yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động trước ngày 1/5/2020 kể cả các bãi có trong quy hoạch nhưng chưa được cấp phép hoạt động).

Nguyên nhân là do các chủ hộ đã chất tải cát, sỏi trên bãi với số lượng lớn, chưa tiêu thụ được. Các bến bãi vật liệu đã hoạt động từ nhiều năm trước. Một số chủ bến bãi đã ký hợp đồng nhiều năm và trả tiền một lần với UBND các xã nên việc thanh lý hợp đồng khoán thầu rất phức tạp. Các chủ bến bãi đã đầu tư kinh phí lớn để hoạt động nên khi dẹp bỏ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình và người lao động làm thuê của địa phương. Mặt khác, các địa phương đều đang tập trung phát triển công nghiệp, nhu cầu về vật liệu xây dựng công nghiệp và dân dụng rất lớn.

Từ thực tế trên, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đề nghị đối với bến bãi nằm trong quy hoạch, các ngành Tài nguyên và Môi trường, Giao thông- Vận tải, Xây dựng, Công an tỉnh và UBND các huyện, TP phối hợp hướng dẫn các thủ tục về cấp phép bến thủy nội địa; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất phần giáp bờ sông cho các hộ đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn cụ thể các chủ bến bãi trong việc xác nhận công trình đã hoàn thành theo Giấy phép xây dựng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.

Với các trường hợp không nằm trong quy hoạch, cương quyết giải tỏa, xử lý triệt để qua đó góp phần bảo vệ an toàn các tuyến đê, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Nguồn: baobacgiang.com.vn