Kinh tế trang trại: “Đòn bẩy” của ngành nông nghiệp

Lượt xem: 145

Những nông dân triệu phú

Ở ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, trang trại của ông Phạm Văn Thí được coi là mô hình trồng quýt đường hiệu quả nhất huyện Xuyên Mộc. Năm 2001, ông Thí bắt đầu trồng quýt đường với diện tích 1,5ha. Sau 3 năm, vườn quýt của vợ chồng ông đã thu hoạch vụ đầu tiên, sản lượng đạt hơn 40 tấn, bán với giá 10.000 đồng/kg, ông thu lãi 300 triệu đồng. Những năm tiếp theo, năng suất quýt ngày một tăng cũng đồng nghĩa với việc thu nhập của trang trại tăng cao. Từ thành công đó, đến nay diện tích trồng quýt của ông Thí đã mở rộng lên 11ha. ông Thí cho biết: “Quýt ngọt thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng đất Bàu Chiên nên cho năng suất cao, chất lượng thơm, ngon. Sau khi trừ chi phí, bình quân nhà vườn thu lãi 200 triệu đồng/ha/năm”. Với 11ha đất trồng quýt, ông Thí thu lời hơn 2 tỷ đồng/năm.

Năm 2001, sau khi thất bại với các loại vật nuôi như: heo, gà, vịt anh Đặng Đình Toản ở phường 11, TP.Vũng Tàu nảy ra ý tưởng đưa heo rừng ở Tây Nguyên về nuôi. Theo đó, với số vốn 20 triệu đồng, anh Toản mua bốn con heo rừng cái ở Đắk Lắk, sau đó sang Campuchia mua heo đực về làm giống. Năm tháng sau, đàn heo này đã tăng lên 24 con, cứ thế, những năm sau, đàn heo phát triển mạnh, đến nay đã là 150 con. Trung bình 1 con heo nái sinh 2,5 lứa/năm, mỗi lứa 5-7 con heo giống, heo giống khi xuất chuồng có trọng lượng 4kg, giá bán 150.000 đồng/kg. Mỗi tháng anh xuất chuồng 50 con heo giống, mỗi năm riêng tiền bán heo giống anh đã thu về hơn 1 tỷ đồng. Còn heo thịt, mỗi năm anh xuất khoảng 50 con, thu về 300 triệu đồng. Khi đã có vốn trong tay, anh tiếp tục mở thêm 2 trang trại ở Núi Dinh (thị xã Bà Rịa) và xã Tân Phước (Tân Thành). Ngoài ra, anh còn có kế hoạch mở rộng quy mô đàn theo hướng cung cấp heo thịt, phục vụ nhu cầu thị trường.

Biến đất bạc thành “vàng”

Theo đánh giá của ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa – Vũng Tàu, nhiều năm qua, kinh tế trang trại đã trở thành đòn bẩy của ngành nông nghiệp, góp phần quan trọng biến những vùng đất đồi trọc, hoang hóa trở nên trù phú, thúc đẩy phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ vậy, hiệu quả sử dụng đất được nâng cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, hiện kinh tế trang trại vẫn còn nhiều khó khăn như: một số chủ trang trại thiếu thông tin, chưa nắm được quy hoạch, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ… Dẫn tới, việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, thiếu sự liên kết của “4 nhà”. Nhiều chủ trang trại có năng lực tài chính song chưa dám đầu tư lớn vì chưa hoàn tất thủ tục thuê đất. Trong khi đó, chủ trang trại lại vay được quá ít vốn để mở rộng mô hình…

Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh: “Kinh tế trang trại phát triển, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp đạt 17%/năm. Vì vậy, để biến đất bạc thành “vàng”, ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển kinh tế trang trại; chỉ đạo các địa phương, hỗ trợ các trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tạo điều kiện để các tổ chức, hội nghề nghiệp được thành lập, nhằm liên kết các chủ trang trại, đồng thời khắc phục tình trạng phát triển tự phát của trang trại”.

Thanh Nga KTNT