Nông dân bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn

Lượt xem: 147

BÃO GIÁ VÀ HỆ LỤY

Giá phân bón tăng mạnh ngay từ đầu vụ đã kéo chi phí sản xuất tăng theo. Trong khi đó, có đến 90% nông dân ĐBSCL là mua phân bón thiếu đến cuối vụ và thường mua ở các đại lý cấp II, III nên phải chịu giá rất cao. Theo tính toán, nếu mua ở đại lý nhỏ và mua thiếu thì giá phân bón sẽ tiếp tục tăng thêm từ 10 đến 15% so với khi mua trả tiền ngay.

Ông Danh Đảnh, ở xã Long Thạnh, Giồng Riềng- Kiên Giang cho biết, gia đình có 2ha ruộng, vụ ĐX này cần phải đầu tư khoảng 700-750kg phân hóa học các loại. Do không có tiền mặt nên đành phải bóp bụng mua chịu với giá cao và phải chịu lãi tới cuối vụ. Ông Đảnh tính toán: “Với lượng phân bón cho 2ha đất lúa thì mỗi vụ gia đình tui mất đứt trên 2 triệu đồng tiền chênh lệch do mua chịu và mua ở đại lý cấp III phải chịu nhiều tầng nấc trung gian. Như vậy, với 3 vụ lúa/năm thì nông dân đã mất không số tiền khoảng 6-7 triệu đồng cho riêng khoản trả lãi phân bón”.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như năm nay, nếu đến khi thu hoạch mà giá lúa chỉ ở mức 4.000 đồng/kg thì cầm chắc nông dân sẽ không có lãi. Vụ lúa sau nông dân lại tiếp tục cái vòng luẩn quẩn mua chịu đến cuối vụ, khó mà thoát ra được.

Ông Lê Hồng Châu, một nông dân ở khu vực Lò Gạch, xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang) than phiền, chỉ còn hơn 10 ngày nữa là xuống giống vụ đông xuân nhưng ông vẫn còn ngần ngại chưa đến đại lí VTNN để mua phân bón, thuốc BVTV vì giá cả đang tăng quá cao. Nhiều đại lí thân thiết bảo ông ráng chờ thêm một thời gian nữa xem giá phân có hạ xuống chút nào không rồi hãy mua. Thông thường, trước khi gieo sạ khoảng 15 ngày là ông đã lo chu đáo phân thuốc để sẵn trong nhà chờ sử dụng.

Ông Châu cho biết, trung bình mỗi công đất sử dụng khoảng 50 kg phân bón hỗn hợp, tương đương 500 ngàn đồng/công. Với tổng diện tích đất canh tác 210 công, mỗi năm ông Châu sử dụng trên 10 tấn phân bón các loại. Thế nhưng năm nay lũ về kém, lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng không nhiều thì người nông dân muốn làm lúa đạt năng suất cần sử dụng nhiều phân bón hơn. Hiện tại các đại lí VTNN cho ông biết là giá phân đang tăng lên khoảng 100 ngàn đồng/bao.

Ông Châu nói: Phần lớn bà con nông dân làm ruộng nơi đây đều mua phân thiếu ở các đại lí VTNN và phải chịu kê thêm 10.000 – 20.000 đồng/bao phân. Đã vậy nếu tới ngày thu hoạch mà không bán lúa để trả nợ ngay thì các đại lí sẽ tính thêm 3% tiền lời nữa thì nông dân càng chồng chất khó khăn.

Tại ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Bình (Châu Thành, An Giang), anh Nguyễn Thanh Phương canh tác được hơn 30 công đất ruộng cho biết, mấy ngày nay thấy giá phân tăng lên vùn vụt mà anh không khỏi lo âu. Bởi vụ mùa vừa qua mặc dù giá phân bón còn nằm ở mức chấp nhận được nhưng làm lúa đã chịu lỗ. Bây giờ giá phân đội lên thêm gần 100 ngàn đồng/bao thì giá thành sản xuất sẽ tăng cao hơn nữa. Nếu giá lúa giữ được như hiện nay (gần 6.000 đồng/kg) may ra nông dân có thể có lãi chút ít. Nhưng theo anh Phương, điều đó khó khả năng diễn ra, vì cứ vào vụ thu hoạch rộ là giá lúa cũng bắt đầu tụt dốc.

LÀM SAO GIẢM GIÁ THÀNH?

Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết, dự kiến toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 230.000 ha. Năm nay bà con nông dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Một mặt bà con phải chịu sự tăng chi phí sản xuất như vệ sinh đồng ruộng, chuột đồng, ốc bươu vàng gây hại, giá lúa giống cũng đang tăng cao… Phân bón, thuốc BVTV đang tăng khoảng 15% – 20% so với vụ trước, kéo giá thành sản xuất tăng theo.

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, ông An khuyến cáo bà con nên áp dụng triệt để chương trình 1 phải 5 giảm để tiết kiệm chi phí sản xuất. Trong đó phải đảm bảo việc tránh sử dụng thừa các loại phân bón, giảm số lần bơm tưới nước cho ruộng lúa ở những thời điểm không cần thiết. Ngoài ra bà con nên áp dụng KHKT để tránh thất thoát sau thu hoạch lúa.

Theo ông An, nếu bà con thực hiện đúng theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì sẽ giảm chi phí sản xuất một cách đáng kể. Về vấn đề phân bón tăng giá, ông An cho biết thêm, tỉnh cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thường xuyên kiểm tra các đại lí phân phối và bán lẻ phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn nhằm tránh trường hợp các đại lí cố tình ghim hàng, tạo nên cơn sốt giá gây khó khăn cho nông dân trong thời gian sắp tới.

Ông Phù Khí Nguyên, PGĐ Trung tâm KNKN Kiên Giang cho biết, thông thường chi phí đầu tư vụ ĐX của nông dân Kiên Giang vào khoảng 15-16 triệu đồng/ha. Trong đó, chi phí phân bón chiếm 30%, thuốc BVTV 30%, còn lại là chi phí làm đất, giống, bơm tưới và công chăm sóc. Tuy nhiên, chi phí này không cố định mà tăng giảm theo từng vụ do lệ thuộc vào tình hình thời tiết và giá cả vật tư đầu vào.

Năm nay, giá thành sản xuất chắc chắn sẽ tăng do tình hình thời tiết bất lợi và giá đầu vào đang tăng nóng. Giá thành sản xuất lúa trung bình vụ ĐX 2009-2010 của nông dân Kiên Giang là 2.400 đồng/kg. Tuy nhiên, trong bối cạnh vụ ĐX năm nay, với việc giá cả vật tư tăng 30-40% cộng với những chi phí khác tăng theo như làm đất, bơm tưới, do nguy cơ dịch bệnh… thì giá thành bình quân có thể sẽ tăng lên 2.800-3.000 đồng/kg. Nếu nông dân không áp dụng triệt để các biện pháp để kéo giá thành xuống thì lợi nhuận sẽ rất thấp.

Theo NNVN