Làm sao giữ ổn định 3,8 triệu hecta đất lúa?

Lượt xem: 169

Giảm sẽ có lợi?

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) từng đưa ra 4 kịch bản với 6 phương án cho ANLT quốc gia từ nay tới năm 2030. Trong đó, đáng chú ý là kịch bản 4 hay còn gọi là tình huống xấu nhất, khi ấy cho dù diện tích đất trồng lúa của nước ta chỉ còn 3 triệu hecta, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha và mức tiêu dùng là 120kg/người/năm thì sản lượng lúa vẫn đạt gần 32 triệu tấn, lượng gạo tiêu thụ xấp xỉ 13 triệu tấn. Như vậy, nước ta vẫn có thể xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Ông Nguyễn Ngọc Quế, thành viên ban soạn thảo kịch bản khá lạc quan và cho rằng: “Khả năng đến năm 2030, vấn đề đảm bảo ANLT vẫn thoải mái và có thể xuất khẩu. ANLT không phải là vấn đề đáng ngại nhất trong hoạch định chính sách”.

Mới đây, tại hội thảo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Ipsard cho rằng, việc giảm đất lúa không những không ảnh hưởng đến ANLT mà còn góp phần cải thiện đời sống nông dân. Các luận điểm được đưa ra là do năng suất lúa tăng mạnh; nhu cầu sử dụng gạo trong bữa ăn có xu hướng giảm. Ông Sơn cho rằng, nếu cho phép chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng cây – con khác sẽ góp phần cải thiện đời sống vì bà con có thể tăng thu nhập trên một diện tích canh tác mà với nông dân hiện nay, thu nhập và việc làm là quan trọng nhất.

Cựu Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn cho rằng, ANLT không đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều lúa gạo mà còn phải tính đến thực phẩm từ chăn nuôi và các cây trồng khác. Tuy nhiên, ông Tạn lại đồng tình với việc nên duy trì diện tích lúa như hiện nay để làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Do đó, ông kiến nghị nên sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất dành cho công nghiệp, đô thị để dành đất cho sản xuất nông nghiệp; phát triển các mặt hàng nông sản khác vì nước ta là nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp.

Giữ đất lúa để đảm bảo ANLT cho đời sau

Đất lúa luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm vì có ảnh hưởng trực tiếp đến ANLT, yếu tố sống còn đối với một quốc gia với lực lượng dân số sống chủ yếu bằng nông nghiệp như Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong 10 năm qua, tại một số địa phương, diện tích đất lúa giảm với tốc độ tương đối nhanh. Mỗi năm, Cà Mau giảm 6.200ha, Bạc Liêu 5.400ha, TP.Hồ Chí Minh 2.700ha, nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc cũng giảm trên 1.000 ha/năm. Hiện, cả nước còn 4,1 triệu hecta đất lúa và 3,164 triệu hecta đất chưa sử dụng.

Ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Còn rất nhiều yếu tố khác tác động tới sản xuất lúa, diện tích đất trồng lúa. Trước đây, chưa bao giờ nước ta trải qua những đợt rét đậm và kéo dài như năm 2008 và năm 2011. Trong tương lai, diễn biến thời tiết như thế nào chưa thể dự báo chính xác. Mục tiêu ANLT quốc gia không chỉ trong 20 – 30 năm mà phải là 100, 200 năm hoặc lâu hơn nữa, làm sao không chỉ đời sống của chúng ta mà còn của con cháu và các thế hệ mai sau phải được đảm bảo. Quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước là phải tính toán một cách toàn diện và lâu dài”.

Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhận định, Việt Nam hiện không còn nhiều diện tích đất trồng lúa. Trước đây, diện tích đất trồng lúa của cả nước là 4,3 triệu hecta nhưng với sức tấn công của các khu công nghiệp và đô thị hoá trong vài năm gần đây, diện tích này chỉ còn khoảng 4 triệu hecta. Với diện tích lúa như vậy, về lâu dài khó gánh vác được nhiệm vụ đảm bảo ANLT quốc gia.

Hiện, sản lượng lúa trung bình hàng năm đạt trên 36 triệu tấn nên nhiệm vụ đảm bảo ANLT chưa quá nặng nề nhưng nó cũng đã giảm rất lớn về nguồn gạo xuất khẩu. Nếu áp dụng các biện pháp khoa học vào sản xuất để tăng năng suất thì cũng chỉ nâng tổng sản lượng gạo cả nước lên mức 40 triệu tấn/năm. Song sản lượng này mới đảm bảo ANLT cho dân số ở mức 100 triệu người, trong khi tương lai dân số ổn định của nước ta khoảng 120 triệu người, đó là chưa tính đến yếu tố mất mùa, diện tích trồng lúa không được giữ ổn định…

Đảm bảo hài hòa lợi ích

Ở bất kỳ nước nào cũng có những mâu thuẫn về lợi ích giữa các nhóm, ngành, nhất là đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Phải thừa nhận trên thực tế, quỹ đất dành cho các nhu cầu y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, giao thông… ở nước ta còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, giao thông, khu dân cư là cần thiết, có điều là lấy đất ở đâu?

Theo nhiều nhà khoa học, nên chuyển khu công nghiệp đến các vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả như trung du, đất cát, bạc màu. Như vậy, chúng ta giải quyết đồng thời được ba việc. Thứ nhất, vẫn giữ được những vùng đất màu mỡ, dành cho sản xuất lương thực. Thứ hai, giảm được áp lực dân số ở vùng đồng bằng vì khi xây dựng các khu công nghiệp ở đâu thì ở đó xảy ra tình trạng quá tải về dân số. Thứ ba, giảm được áp lực môi trường bởi các khu công nghiệp gây ra ô nhiễm. Trong khi đó, thực tế đã chứng minh, đất lúa không phải chỗ nào cũng làm được, hàng nghìn năm mới hình thành sinh thái đất lúa và một khi đã bị bê-tông hoá, đất sẽ không thể quay lại sản xuất nông nghiệp. Do vậy, bằng mọi giá phải giữ lại 3,8-4 triệu hecta đất lúa và coi đó là vùng bất khả xâm phạm.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, diện tích đất lúa của cả nước có gần 4,1 triệu hecta. Dự báo đến năm 2020, sẽ có 5.700ha mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và đến năm 2030 là 19.900ha. Từ năm 2000 đến nay, đất lúa giảm nhưng chất lượng đất được cải thiện, hệ số sử dụng tăng do có sự đầu tư phát triển thủy lợi, khoa học công nghệ, giống lúa, nên năng suất tăng cao. Nhưng để bảo đảm ANLT, không đơn thuần chỉ là giữ đất mà còn phải giải quyết hài hòa lợi ích…

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ: “Để trồng lúa, cây lương thực thì tư liệu cần nhất là đất đai. Đất không thể “đẻ” thêm, trong khi dân số ngày càng tăng lên. Trong khi bất cứ quốc gia nào, người dân cũng cần phải sống bằng lương thực, như lúa gạo. Vì vậy, để đảm bảo ANLT quốc gia buộc phải giữ đất lúa. Hơn nữa, sau cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, bài học rút ra là muốn phát triển bền vững, không có gì thay thế được việc cần thiết phải đầu tư cho nông nghiệp. Như vậy, phải đặt lên bàn cân để tính toán thiệt hơn giữa chuyện giữ đất lúa và phát triển công nghiệp, đô thị. Và rõ ràng, xét về tầm nhìn, giữ đất lúa là hoàn toàn cần thiết. Đó cũng là lý do mà Bộ Chính trị đã thông qua Đề án ANLT quốc gia. Trong Thông báo số 53 của Bộ Chính trị khẳng định, để đảm bảo ANLT, mục tiêu đến năm 2020 phải đảm bảo giữ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa, trong đó 3,2 triệu hecta chuyên trồng lúa nước”.

Trong định hướng và phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 – 2015), Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm quản lý chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững. Quy hoạch sử dụng đất phải là công cụ quan trọng của Nhà nước thực hiện quyền định đoạt về đất đai, hỗ trợ điều tiết thị trường bất động sản.

Ông Lê Quốc Dung, cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về lâu dài cần xây dựng chiến lược quy hoạch sử dụng đất trước khi bắt tay vào việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể.

Ông Hoàn cũng cho rằng, cần phải xác định, trồng lúa không phải là một ngành kinh tế thuần tuý, nó còn là vấn đề ANLT và an sinh xã hội. Nhà nước cần giữ đất lúa bằng chính sách, chứ không thể cứ buộc nông dân phải trồng lúa. Về lâu dài cần đưa ra bản đồ diện tích lúa trình Quốc hội và coi đó là vùng bất khả xâm phạm. Trong 3,8-4 triệu hecta trồng lúa, phải xác định Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long là các vùng chuyên lúa, công nghiệp không được đụng chạm đến hoặc chỉ phát triển ở quy mô nhỏ và theo hướng sơ chế ban đầu.

Theo KTNT