Cánh đồng mẫu lớn- Bước đệm cho thương hiệu lúa gạo Việt Nam

Lượt xem: 197

Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là bước đột phá của ngành nông nghiệp, là nơi áp dụng tất cả tiến bộ kỹ thuật tiên tiến làm gia tăng năng suất, chất lượng hạt lúa, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân. Điều quan trọng là có sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân thay vì sự dè chừng như trước đây.

Gia tăng chất và lượng

Sau khi Bộ NN&PTNT phát động xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 3-2011, vụ hè thu vừa rồi đã có 7.803 ha với 6.400 hộ nông dân ở 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham gia.

Với giá thành từ 3.000 – 4.000 đồng/kg lúa, giá bán lúa hàng hóa bình quân trên 6.000 đồng/kg, nông dân ĐBSCL đạt lợi nhuận từ 40%-60% trên 3 vụ lúa trong năm 2011 là một kỳ tích. Trong đó, bước đầu mô hình xây dựng cánh đồng mẫu lớn mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực tế vận dụng ở các địa phương khi triển khai chủ trương cánh đồng mẫu lớn rất sáng tạo, tùy theo điều kiện thực tế ở các địa phương nhưng cơ bản đã đạt được các bước: cung ứng lúa giống xác nhận (một đến hai loại); cung ứng phân bón, thuốc BVTV (từ doanh nghiệp đến thẳng người nông dân, không qua trung gian); hợp tác với doanh nghiệp thu mua lúa hoặc doanh nghiệp đứng ra tổ chức khép kín các khâu, từ cung ứng đầu vào đến bao tiêu đầu ra cho nông dân như Cty CP BVTV An Giang.

Mô hình cánh đồng mẫu lớn được xây dựng nhằm thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân trong toàn vùng.

Việc hình thành một cánh đồng lớn theo nguyên tắc tự nguyện của các nông dân cùng tham gia, có ruộng liền kề nhau, cùng xuống giống một ngày (chỉ 1 đến 2 loại giống); chăm sóc lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm phân bón, thuốc trừ sâu, giảm giống, giảm nước, giảm thất thoát). Những nông dân khi đăng ký tham gia mô hình này sẽ được tập hợp thành tổ, nhóm sản xuất, tất cả đều phải mở sổ ghi chép theo dõi quá trình sản xuất.

Thắt chặt quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân

Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang cho biết, trong vụ hè thu 2011, công ty đã thực hiện xây dựng mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành (An Giang)với quy mô 1.600ha. Trong đó, công ty thực hiện cung ứng giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân với lãi suất 0% và trừ lại khi nông dân bán lúa cho công ty. Trong quá trình canh tác, nông dân được đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty, gọi tắt là FF (Farmer Friend, tạm dịch Bạn nhà nông) thực hiện tư vấn canh tác. Mỗi FF của công ty sẽ phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên diện tích 50ha.

Sau khi thu hoạch, nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí sấy và lưu kho trong vòng 30 ngày và mua theo giá trị trường. Qua kết quả, nông dân tham gia mô hình có chi phí sản xuất thấp hơn nông dân không tham gia mô hình.

Chỉ tính trong vụ hè thu 2011, công ty Phân bón Bình Điền đã hỗ trợ cho các mô hình cánh đồng mẫu lớn lượng phân bón gần 1.000 tấn các loại, với giá trị hỗ trợ trên 1 tỷ đồng.

Ngoài việc hỗ trợ phân bón với giá gốc, nợ 4 tháng không tính lãi, cùng các nhà khoa học trong công ty, công ty còn thường xuyên tập huấn cho nông dân kỹ thuật và hướng dẫn ghi chép sổ tay, được cụ thể hóa thông qua những suất khen thưởng tham quan các mô hình nước ngoài.

Khi tham gia cánh đồng mẫu lớn, nông dân sẽ được hưởng thêm lợi nhuận vì không phải trả lãi mua thiếu vật tư nông nghiệp, chi phí phơi sấy, vận chuyển. Như vậy lợi nhuận tối thiểu là 40- 60%, thay vì 30% như sản xuất nhỏ lẻ bình thường. Còn doanh nghiệp xuất khẩu thì có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng tốt.

Tuy vậy, để cho mô hình nhân rộng một cách vững chắc, như định hướng của Bộ NN-PTNT, đến hết năm 2012 có từ 40 đến 80 ngàn ha, năm 2013 đạt 100 đến 200 ngàn ha, tiến tới vùng sản xuất lúa nguyên liệu một triệu ha vào năm 2015 thì đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thu mua lúa. Nếu 123 doanh nghiệp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng xây dựng cho mình một vùng nguyên liệu từ một ngàn đến vài ngàn ha, thì cả nước đã có vùng nguyên liệu ổn định từ 200 đến 500 ngàn ha.

Tạo cơ hội cho thương hiệu “Gạo Việt”

Mục tiêu xuất khẩu gạo trong thời gian tới là phải xây dựng được thương hiệu quốc gia cho hạt gạo Việt Nam, chủ lực là gạo trắng hạt dài bao gồm một nhóm giống siêu tốt, gắn với chuẩn sản xuất Global GAP. Làm sao để đẩy mạnh thương hiệu cho gạo Việt nam và nâng cao giá trị cho nó? Từ lâu chúng ta vẫn lúng túng trong câu chuyện về chất lượng và hình thức của hạt gạo Việt so với gạo Thái Lan.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay còn hai tồn tại lớn cần phải giải quyết căn cơ về lúa gạo Việt Nam. Đó là khâu quy hoạch và quản lý vùng lúa chất lượng cao ở ĐBSCL chưa ổn – chưa có quy trình cụ thể. Mối liên kết bốn nhà trong bao tiêu nông sản còn rất hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do chưa xác định được nhân tố nào quyết định cho chuỗi liên kết.

Nhưng xét cho cùng, để đẩy mạnh thương hiệu cho gạo Việt, ngoài các yếu tố như đẩy mạnh truyền thông, maketting sản phẩm thì các biện pháp kỹ thuật mới, lợi nhuận thu về của mô hình phải có ưu thế cạnh tranh so với kỹ thuật thông thường lâu nay thì mới tạo ra sự tin tưởng.

Ví dụ như biện pháp sấy lúa, kho tích trữ lúa phải có sự góp sức của các doanh nghiệp vì nông dân không đủ điều kiện về phương tiện kỹ thuật. Việc thu mua, gieo trồng, cung cấp giống, vật tư, phân bón, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap phải có sự hỗ trợ chặt chẽ của đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư của các doanh nghiệp và cả sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Vụ hè thu 2011, lợi nhuận bước đầu của nông dân đã tăng từ 30% lên 40-60% là một tín hiệu tốt, nhưng chỉ số này đòi hỏi phải ở trên diện rộng và mang tính bền vững.

Sự hài hòa về lợi ích giữa các bên, sự ổn định về sản xuất và tiêu thụ sẽ tạo cho người nông dân một tâm thế yên tâm, tin tưởng để hết lòng hết sức dồn tâm huyết trên thửa ruộng của mình chính là chìa khóa cho thành công của lúa gạo Việt trên thương trường thế giới.

HNDVN