Tiêu thụ nông sản qua hợp đồng: Áp dụng cơ chế nào?

Lượt xem: 201

Bản chất của việc ký kết hợp đồng nông sản chính là thiết lập các “quy tắc” của cuộc chơi. Điều đó có nghĩa là, các bên đưa ra luật lệ giao dịch qua việc thương lượng để đi đến phân bổ ba yếu tố chính giữa các bên tham gia hợp đồng: giá trị; rủi ro và quyền quyết định.

Một hợp đồng thành công là hợp đồng mà việc phân bổ ba yếu tố này được thực hiện theo cách mà các bên tham gia cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro và nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Nếu không có sự chi phối của 3 yếu tố đó thì không cần hợp đồng, bởi khi đó doanh nghiệp có thể mua bán trao tay (giao ngay) hoặc tự thành lập ra đồn điền để cung cấp cho mình. Tuy nhiên, cách này sẽ làm tăng các chi phí khác như thuê đất, giám sát, tập huấn kỹ thuật canh tác, rủi ro mùa vụ…

Vì vậy, hợp đồng nông sản không phải là chìa khoá vạn năng, đảm bảo cho sự thành công của sản xuất và tiêu thụ nhưng cũng không phải là hình thức thu mua hợp lý duy nhất. Hợp đồng nông sản chỉ cần thiết khi nó có chi phí giao dịch thấp hơn so với các lựa chọn khác.

Thưa ông, trong mối quan hệ làm ăn giữa nông dân và doanh nghiệp hiện đang tồn tại những phương thức hợp đồng nào?

Nhiều nhà kinh tế đã phân ra hai tiêu chí khác nhau. Thứ nhất, phân loại hợp đồng dựa vào độ sâu của thoả thuận hợp đồng. Theo đó có 3 hình thức, đó là hợp đồng tiếp cận thị trường, trong đó bên bán và bên mua đồng ý với nhau về các điều khoản tiêu thụ nông sản trong tương lai; loại hợp đồng về cung cấp nguồn lực, trong đó cùng với các thoả thuận về tiêu thụ sản phẩm, bên mua đồng ý cung cấp một số đầu vào của sản xuất cho bên bán (nông dân), trong nhiều trường hợp còn bao gồm cả việc hỗ trợ kỹ thuật và đất đai; loại hợp đồng gia công, trong đó bên bán đồng ý tuân thủ quy trình sản xuất, các đầu vào và thời điểm gieo trồng, thu hoạch do bên mua đặt ra.

Thứ hai, phân loại hợp đồng dựa theo cấu trúc tổ chức của hợp đồng. Theo cách này, hợp đồng nông sản đuợc phân thành 5 loại: mô hình trung gian, trong đó bên mua kết nối với bên bán qua một khâu trung gian; mô hình phi chính thức, trong đó các điều khoản hợp đồng chỉ được thoả thuận miệng, thường áp dụng đối với các loại nông sản có tính thời vụ và không cần nhiều khâu chế biến; mô hình đa chủ thể, hay còn gọi là liên kết bốn nhà; mô hình tập trung hoá được điều phối theo chiều dọc, trong đó bên mua kiểm soát chặt chẽ số lượng và chất lượng nông sản của nhiều hộ nông dân tham gia hợp đồng. Mô hình này phù hợp đối với hàng nông sản đòi hỏi mức độ chế biến cao.

Còn lại là mô hình đồn điền trung tâm, theo đó bên mua nắm quyền sở hữu đất đai. Mô hình này thường được sử dụng trong các nông, lâm trường quốc doanh và trong các chương trình định canh, định cư.

Vậy, lợi ích và rủi ro mà các bên tham gia thực hiện hợp đồng là gì, thưa ông?

Hợp đồng nông sản mang lại lợi ích cho cả hai bên nhưng cũng có những vấn đề mà các bên cần giải quyết. Cụ thể, đối với nông dân, lợi ích chính là được hỗ trợ đầu vào và các dịch vụ sản xuất, tiếp cận tín dụng, tiến bộ kỹ thuật; ổn định thị trường đầu ra, giá cả được bảo đảm; thông qua thực hiện hợp đồng, nông dân nâng cao được ý thức trong sản xuất hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên, nông dân tham gia hợp đồng cũng phải đối mặt với các vấn đề như bị chèn ép về số lượng thu mua và quy cách của sản phẩm; bị khống chế độc quyền, phụ thuộc vào nguồn vốn và các dịch vụ…

Đối với doanh nghiệp, hợp đồng giúp họ chủ động nguyên liệu chất lượng cao và ổn định. Thậm chí họ còn có điều kiện giám sát chất lượng ngay từ đầu vào, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, giảm giá thành sản xuất thông qua đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Song họ cũng gặp phải những khó khăn đáng kể như sử dụng đầu vào không đúng mục đích; nông dân bất hợp tác…

Thời gian qua, tỷ lệ tiêu thụ nông sản qua hợp đồng ở nước ta rất thấp, nguyên nhân của tình trạng này do đâu, thưa ông?

Đây là thực tế đang diễn ra ở nước ta. Có thể nói, hợp đồng không thể nào áp dụng chung cho tất cả các nông sản hàng hoá mà đòi hỏi phải có nhiều hình thức, phù hợp với sản phẩm, trình độ chuyên môn hoá sản xuất, so sánh hiệu quả hợp đồng với chi phí giao dịch bỏ ra. Vì thế, cần phải xác định đâu là mấu chốt trong lựa chọn hình thức tiêu thụ đối với từng loại nông sản cụ thể. Việc áp dụng chung một phương thức nhiều khi có hại hơn là có lợi cho nông dân, nhất là người nghèo. Trong khi đó, sự đổ vỡ hợp đồng do những vướng mắc hiện nay chưa được giải quyết.

Theo ông, Nhà nước cần phải có giải pháp hay chính sách gì để các bên “hào hứng” tham gia?

Cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước cần phải linh hoạt trong lựa chọn hình thức tiêu thụ nông sản phù hợp và mấu chốt để lựa chọn là sức cạnh tranh thị trường của sản phẩm trong hợp đồng, tính phức tạp về kỹ thuật canh tác, các chính sách vĩ mô của nhà nước đối với phát triển ngành, qua đó xác định chi phí giao dịch của hợp đồng.

Đồng thời với đó là rà soát, bổ sung các quy định thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg và Chỉ thị 25/2008/CT-TTg ngày 25/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là các quy định về đất đai, hỗ trợ đầu tư, tín dụng, chính sách thuế, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại. Quy định rõ ràng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hợp đồng một cách hài hoà bên cạnh các quy định xử lý vi phạm…

Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch hình thành vùng sản xuất hàng hoá nông sản tập trung, chuyên canh, gắn sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến và thị trường; hỗ trợ các địa phương thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất nhằm hạn chế tình trạng sản xuất manh mún. Nghiên cứu chính sách nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp dưới hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, các hiệp hội, ngành hàng để các tổ chức này hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nông dân, giảm nhẹ gánh nặng quản lý nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và doanh nghiệp…

Xin cảm ơn ông!

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, để khắc phục những mặt hạn chế, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020, có 80-95% sản phẩm mía đường, tôm, cá tra, basa và 15-30% sản lượng chè, lúa hàng hóa, càphê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn tiêu thụ thông qua hợp đồng, Bộ đang xây dựng đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Điểm mới của đề án là, Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để “hút” doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân, như hỗ trợ 30% khi doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên. Nhất là, Nhà nước sẽ có chế tài ràng buộc nông dân phải bán sản phẩm theo đúng hợp đồng cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nông sản đảm bảo có lợi bền vững cho nông dân.

Theo KTNT