Bảo hiểm nông nghiệp: Triển khai thế nào cho hiệu quả?

Lượt xem: 193

Tỉnh Bạc Liêu đang triển khai thí điểm bảo hiểm trên con tôm

nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn.

Bài 1: Tiến độ “rùa”

Đã hơn 7 tháng kể từ khi Quyết định 315 có hiệu lực, BHNN dường như vẫn là một khái niệm mơ hồ đối với không ít địa phương. Động thái của chính quyền cơ sở mới chỉ dừng lại ở mức tập huấn cho thành viên ban chỉ đạo (BCĐ) các cấp. Trong khi đó, nhắc đến BHNN, nhiều nông dân cho hay mới chỉ “nghe nói”. Với tiến độ ì ạch như hiện nay, hành trình về đích đúng thời hạn của giai đoạn thí điểm BHNN xem ra khó khả thi.

Quá chậm

Bắc Ninh là 1 trong 20 tỉnh, thành phố được Chính phủ chọn triển khai thí điểm BHNN trên đàn gia súc, gia cầm. Tháng 11/2011 – tức là 4 tháng sau khi quyết định của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, UBND tỉnh, BCĐ về BHNN Bắc Ninh mới có kế hoạch triển khai. Theo đó, việc triển khai BHNN gồm 7 bước: Bước 1, thành lập BCĐ, tổ giúp việc cho các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; bước 2, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn cho ban chỉ đạo các cấp; bước 3, lựa chọn các xã điểm và đăng ký tham gia với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT; bước 4, điều tra rà soát, xác định nhu cầu đối tượng tham gia bảo hiểm vật nuôi; bước 5, tuyên truyền bảo hiểm thí điểm vật nuôi; bước 6, tổ chức thực hiện ký hợp đồng bảo hiểm với các đối tượng tham gia; và bước 7 là sơ kết và tổng kết công tác thí điểm bảo hiểm vật nuôi.

Với các bước này, BCĐ cũng đã đặt ra thời gian thực hiện rất cụ thể. Đơn cử như bước 4 sẽ phải hoàn thành trước 25/11/2011, bước 5 trước ngày 10/12/2011 và đặc biệt là bước 6 bắt đầu từ ngày 10/12/2011. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã chọn ra 9 xã thuộc 3 huyện Yên Phong, Quế Võ và Thuận Thành làm thí điểm trên vật nuôi là đàn lợn và gia cầm (vịt, gà). Tuy nhiên, đã hơn 2 tháng trôi qua, triển khai BHNN vẫn chỉ dừng lại ở việc chờ tập huấn cho các tổ đại lý ở xã, thôn! Theo ông Nghi Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, trong tháng 2, tỉnh tổ chức đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm và cấp chứng chỉ cho các đại lý bảo hiểm ở các xã, thôn. Đồng thời rà soát, thống kê các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia thí điểm. Đầu tháng 3 sẽ tổ chức ký hợp đồng và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm với các chủ vật nuôi.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT):

Thực tế, BHNN là vấn đề mới không chỉ với nông dân mà ngay cả cán bộ ở các cấp cũng chưa hiểu một cách thấu đáo. Do vậy, chúng ta phải thông tin một cách đầy đủ với nhiều hình thức.

Trước hết, với các tỉnh được chỉ định thực hiện chính sách bảo hiểm, phải thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác từ cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ này phải được tập huấn kỹ để có thể tổ chức hướng dẫn lại cho nông dân.

Đối với người dân, phải thông tin đầy đủ thế nào là BHNN, tại sao nên tham gia, đối tượng nào được tham gia, công ty nào trực tiếp giúp thực hiện BHNN, thủ tục ra sao, cơ quan nào tư vấn giúp đỡ, để được bảo hiểm bồi thường thì phải làm sao, khi sự cố xảy ra hoặc nếu xảy ra tranh chấp thì báo cho ai, ai thụ lý.

Chỉ khi thành viên ban chỉ đạo, tổ công tác ở các cấp hiểu sâu thì mới hướng dẫn cho dân được và người dân hiểu sâu thì mới nắm rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Theo tôi, ngay cả cơ quan bảo hiểm cũng cần hiểu như vậy để tạo ra trách nhiệm và quyền lợi tương đồng, quan hệ giữa bảo hiểm và người dân mới bền chặt.

Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, Bảo hiểm Bảo Việt dù đã cơ bản hoàn thiện các bước nhưng vẫn chỉ dừng lại ở tỉnh – huyện, còn cơ sở, nơi trực tiếp tham gia thực hiện vẫn còn nhiều băn khoăn. Bà Lê Thị Phương, phụ trách Phòng Bảo hiểm Bảo Việt huyện Yên Phong, thành viên BCĐ BHNN huyện cho biết, do văn bản chính sách hướng dẫn chưa đầy đủ nên việc triển khai gặp nhiều trở ngại. “Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn đang chờ quy tắc bảo hiểm để thực hiện bởi nếu không có sẽ rất khó tính tỷ lệ trích phần trăm hoa hồng cho các đại lý”, bà Phương chia sẻ.

Không chỉ Bắc Ninh, việc triển khai BHNN ở nhiều địa phương khác cũng đang chậm tiến độ. Đơn cử như tại Nam Định, địa phương được lựa chọn thí điểm BHNN trên cây lúa cũng đặt mục tiêu trong tháng 2/2012 tiến hành ký hợp đồng với nông dân. Thế nhưng, đến thời điểm này, việc triển khai vẫn chỉ nằm trong “kế hoạch”.

Người dân vẫn chưa “tỏ”

Lâu nay, BHNN vẫn được coi là một loại hình bảo hiểm đặc thù, rất khó triển khai do tính rủi ro cao. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền cho người dân hiểu là một khâu quan trọng, đóng vai trò then chốt để chính sách này đi vào cuộc sống. Song theo ghi nhận của phóng viên, đa phần các hộ dân ở những xã được chọn thí điểm còn nhận thức mơ hồ về BHNN, không nắm rõ cụ thể về lợi ích tham gia như thế nào, quy trình ra sao mà chỉ là “nghe nói”.

Tam Giang là một trong 3 xã của huyện Yên Phong được chọn thí điểm BHNN trên hai đối tượng vật nuôi là lợn và gà. Hiện, tổng đàn lợn toàn xã đạt trên 10.400 con, trong đó có 3.500 con lợn sữa, sản lượng thịt lợn hơi hàng năm khoảng 600 tấn với giá trị khoảng 26.370 triệu đồng; đàn gia cầm 91.000 con. Đây là một trong những nguồn thu quan trọng của người dân nên những năm tới xã tiếp tục khuyến khích các hộ đẩy mạnh chăn nuôi. Theo UBND xã Tam Giang, sau khi được chọn thí điểm triển khai BHNN, xã đã rất tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin đến người dân thông qua hệ thống phát thanh của xã và thôn.

Thế nhưng, cách tuyên truyền chỉ bằng loa truyền thanh của xã Tam Giang xem ra chưa mang lại hiệu quả bởi nhiều người dân trong xã còn thiếu thông tin về BHNN. Nhà ngay sát trụ sở UBND xã nhưng khi được hỏi đã nắm thông tin về BHNN chưa, bà Trịnh Thị Lữ ở thôn Nguyệt Cầu cho hay, cũng thấy mọi người nói tới nhưng chưa biết cụ thể ra sao. “Tôi cũng thấy loa của xã đọc nhiều về các điều kiện, quy trình, thủ tục nhưng vừa làm vừa nghe nên câu được câu chăng”, bà Lữ bày tỏ.

Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính), tỉ trọng tham gia BHNN ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 1% tổng diện tích cây trồng, 0,24% số trâu – bò, 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nâng cao nhận thức cho nông dân để họ tự nguyện tham gia bảo hiểm cho mọi đối tượng cây trồng, vật nuôi.

Trước sự thiếu thông tin của người dân, ông Lê Đắc Khanh, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang phân bua, nông dân thường có tâm lý ngại các thủ tục giấy tờ. Ngay cả việc tham gia bảo hiểm cho chính tính mạng của mình họ còn chưa mặn mà, nay bảo họ tham gia BHNN cho con lợn, gà… là rất khó, ngay cả với những hộ cận nghèo được hỗ trợ tới 80% phí bảo hiểm. Ông Khanh phân tích, nuôi 1 con lợn thịt (số tiền bảo hiểm 6 triệu đồng), tính trung bình cũng chỉ lãi khoảng 500.000 – 600.000 đồng/lứa (3-4 tháng). Nếu tham gia BHNN, người chăn nuôi phải đóng 20% phí, tức là mỗi lứa lợn họ phải bỏ ra khoảng 60.000 đồng. Đây là số tiền không quá lớn song so với lợi nhuận thu được từ 1 con lợn chắc chắn nhiều người sẽ không chịu. Đó là còn chưa kể tới, khi xảy ra rủi ro, họ phải chờ các đơn vị tới để đánh giá mức độ thiệt hại, nguyên nhân dịch bệnh… rất phức tạp, trong khi nếu xảy ra dịch bệnh phải tiêu hủy họ vẫn nhận được sự hỗ trợ của nhà nước…

Ông Khanh cũng cho biết, tới thời điểm này, xã đã thành lập được 5 đại lý của 5 thôn và có danh sách gửi lên cơ quan bảo hiểm để thực hiện tập huấn. Tuy nhiên, toàn bộ công việc chủ yếu là phía bảo hiểm làm, còn huyện gần như không thấy gì.

Được biết, năm 2003, nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định 108, trong đó đưa vào mục bảo hiểm vật nuôi (bò sữa) với mức hỗ trợ cho các hộ là 40%. Khi ấy, các ban ngành vào cuộc rất quyết liệt, song vẫn thất bại. Một trong những nguyên nhân quan trọng được nhìn nhận là nhận thức của người nông dân về vấn đề này còn hạn chế.

Bài 2: Ai cũng kêu: Khó quá!

ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BẢO HIỂM VÀ KHU VỰC ĐƯỢC THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM BHNN

a) Thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp.

b) Thực hiện bảo hiểm đối với trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội.

c) Thực hiện bảo hiểm đối với nuôi trông thủy sản cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.

Theo KTNT