Lắng nghe nông dân nói

Lượt xem: 216

Đầu tư cho nông nghiệp hoàn toàn chưa tương xứng với các nguồn lợi lớn hàng năm nông nghiệp mang lại.

Giá thành sản xuất điện lên, giá các loại dịch vụ lên, giá xăng thế giới lên là có bộ ngành ký giấy cho tăng giá ngay, còn nông dân lại cứ phải chịu giá lúa thấp mãi. Hàng chục ngàn tỷ đồng được chi hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản, hàng chục ngàn tỷ đồng khác cho người dân đô thị vay ưu đãi để mua nhà ở xã hội, trợ giá xe buýt hàng ngàn tỷ đồng còn nông dân được Chính phủ chủ trương bảo đảm khi bán lúa gạo được lãi 30% vẫn rất xa vời trong khi đang tiếp tục phải bán lúa gạo dưới giá thành.

Nhìn sang các doanh nghiệp nhà nước, nông dân thấy mình lép vế quá. Vốn thì của Nhà nước, của dân, kinh doanh được độc quyền, được Nhà nước bảo hộ, thua lỗ được bù lỗ, nợ không trả được đã có Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ và khi doanh nghiệp đã được xóa nợ có nghĩa món nợ đó Nhà nước phải trả tức là dân trả mà hơn 70% là nông dân. Nông dân làm ra hạt gạo xuất khẩu, xuất gạo càng nhiều mà nông dân càng nghèo, thua lỗ như năm nay thì đã có những nông dân nghĩ đến bỏ ruộng. Thế nhưng lãnh đạo Vinafood 1 (Tổng Công ty lương thực miền Bắc) thu nhập bình quân 56,5 triệu đồng mỗi tháng còn cán bộ ở văn phòng thu nhập 28,4 triệu mỗi tháng. Lãnh đạo Vinafood 2 (Tổng Công ty lương thực miền Nam) thu nhập còn cao hơn 79,749 triệu đồng/người mỗi tháng, khối văn phòng 32,9 triệu đồng/người mỗi tháng. Ngược hẳn lại, thu nhập của nông dân ít nhưng đóng góp lại nặng quá.
Cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn tổ chức điều tra các khoản đóng góp của nông dân (ngoài thuế) tại 46 tỉnh, thành phố và tháng 3-2007 đã công bố trên báo, đài gây chấn động dư luận. Hàng chục năm, bình quân mỗi hộ nông dân phải đóng khoảng 30 khoản phí và lệ phí với mức đóng góp từ 250.000 đồng đến 800.000 đồng trong một năm. Căn cứ vào những biên lai của gia đình nông dân còn giữ được rất khó nhớ có bao nhiêu phí và lệ phí theo quy định của trung ương, tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã: lao động công ích, an ninh quốc phòng, quỹ khuyến học, quỹ phòng chống thiên tai, phí thủy lợi, phí đê bao, phí trồng cây hàng năm, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ xã hội từ thiện… Bộ Tài chính vào cuộc và đưa ra con số làm cho người kinh ngạc: nông thôn cả nước có 641 phí và lệ phí. Quốc hội chỉ biết qua báo chí nói về gánh nặng phí và lệ phí trên vai nông dân. Mỗi năm các đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri 4 lần nhưng hầu hết là đại biểu kiêm nhiệm, việc Đảng và Nhà nước giao đã không làm hết nên nhiệm vụ là đại biểu dân bầu chỉ còn là phụ.
Lâu nay các đại biểu Quốc hội không về tiếp xúc với cử tri ở xóm, ấp, bản làng, phum sóc. Khóa Quốc hội nào, kể cả Khóa XIII hiện nay, các đại biểu QH đã thành nếp quen tiếp xúc với cử tri ở tỉnh, ở huyện do chính quyền địa phương tổ chức, cử tri đến dự thường có giấy mời, được gọi là “đại cử tri”, trong đó tuyệt đại đa số là cán bộ về hưu hoặc tại chức. Đài truyền hình hàng năm vẫn thường xuyên tường thuật tại chỗ cuộc tiếp xúc với cử tri của một số đoàn đại biểu QH, chỉ thấy “đại cử tri” không thấy bóng dáng cử tri nông dân. Chỉ gặp “đại cử tri” nên các đại biểu QH lại chỉ gặp cán bộ. Một số nơi dân vẫn nhận xét “Nhiều đại biểu QH chỉ thích gặp đồng chí hơn gặp đồng bào” vì hầu hết “đại cử tri” là đảng viên. Đại biểu QH xa nông dân không hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của nông dân, không biết nông dân đang muốn gì, cần gì, càng không hiểu nông dân nghèo là vì đâu. Chính vì vậy, tuy thông qua đại biểu QH,tiếng nói đích thực của nông dân rất khó cất lên nổi tại QH, quyền lợi chính đáng của nông dân rất ít đại biểu QH biết để có thể bênh vực tại Quốc hội. Năm này qua năm khác là nạn nhân của tệ tham nhũng và mất dân chủ, nông dân không còn biết dựa vào đâu. Lãnh đạo trung ương về làm việc ở các địa phương đều ở tỉnh, ở huyện, rất hiếm thấy về ấp, xóm lắng nghe nông dân.
Cũng có lãnh đạo về gặp dân nhưng lại có lãnh đạo huyện, xã cùng đi theo thì dân nói hết sự thực làm sao được nhất là tiêu cực liên quan đến lãnh đạo địa phương. Rõ ràng nông dân “thấp cổ bé miệng” quyền lực đã trao cho những người bỏ phiếu và những lãnh đạo được Quốc hội bầu và phê chuẩn nhưng chẳng được gặp họ và khi một bộ phận cầm quyền ở cơ sở tham nhũng thì kêu cứu cũng khó đến được tai những người chịu trách nhiệm gần dân, bảo vệ dân, vẫn tự nguyện là đầy tớ của dân.
Cuối năm 2006, ta tham gia WTO, báo chí ca ngợi hết lời thắng lợi của hội nhập và đặt vấn đề phải tập trung ngoại tệ, tiết kiệm cao độ để hiện đại hóa nền kinh tế, dành mọi ưu tiên cho sản xuất nội địa thì mới đứng vững trong cuộc cạnh tranh quy mô toàn cầu còn được gọi là chiến tranh kinh tế. Nông nghiệp được nhắc đến nhiều. Mỗi hộ nông dân có vài hecta ruộng đất manh mún, phân tán, chuyển sang kinh tế hàng hóa sẽ rất khó khăn nếu nông nghiệp ta không sớm dồn điền, dồn thửa để đi lên sản xuất lớn trong khi nông nghiệp một số nước cùng khu vực đã bỏ ta rất xa. Trong khối WTO có hàng trăm nước nhưng nước giàu chỉ có ít.
Một số nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng không thể tiến xa hơn được nữa, đã sập “bẫy các nước có thu nhập trung bình” và rất khó tránh là “vệ tinh” của một số nước giàu. Ta cũng mới vượt qua ngưỡng đói nghèo, ta mới gia nhập hàng ngũ nước có thu nhập trung bình nhưng những gì ta đã làm được lại phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực, vào các nguồn vốn của đầu tư nước ngoài trong khi những nguồn nội lực chưa được phát huy. Và không những chưa phát huy, nguồn nội lực của ta lại đang làm giàu cho nước ngoài.
Trồng trọt và chăn nuôi là hai nguồn sống của nông dân. Doanh nghiệp nước ngoài đã chi phối và nắm khá chặt chăn nuôi.Nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của ta chỉ làm cầm chừng hoặc đã đóng cửa, còn doanh nghiệp nước ngoài lại giữ tới 60% thị phần, trên 60% sản lượng. Riêng với thức ăn cho tôm một thời gian dài doanh nghiệp nước ngoài nắm 95% thị phần, kể cả nơi hẻo lánh nhất họ cũng có mặt. Gạo ta xuất khẩu, ngoại tệ thu được cũng chỉ vừa đủ để thanh toán thức ăn chăn nuôi ta phải nhập (bắp, cám, đậu tương, bột cá…
Cây và con của ta ăn “đồ ngoại” nhiều quá, thức ăn chăn nuôi luôn chiến giá thành 65-70% vì vậy giá thành sản xuất chăn nuôi của ta bị đội lên, giá thành cao hơn 20% so với các nước cùng khu vực và chăn nuôi của ta đã phụ thuộc vào các doanh nghiệp, các công ty nước ngoài là tất nhiên. Ngay cả vắc-xin là vũ khí chính phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ta gần như một thời gian dài phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vắn-xin cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng của nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc. Công ty Navesco của ta đã sản xuất được vắc-xin gia cầm nhưng vắc-xin này chỉ có thể đáp ứng được với vi rút cũ và vô hiệu đối với nhánh vi rút đã biến đổi nên không thể phòng chống dịch. Chăn nuôi ta đã thua trên sân nhà.
Mất một nguồn sống là tổn thất rất lớn không chỉ cho nông dân mà cho cả dân tộc nhưng vẫn chưa thấy Quốc hội bàn bạc, thảo luận để xác định trách nhiệm thuộc về bộ, ban, ngành nào, thuộc về những cá nhân nào để có những biện pháp hữu hiệu và tìm được những người tài giỏi đủ năng lực và phẩm chất từng bước giành lại ngành chăn nuôi.Công nghiệp yếu kém từ lâu đã đành, nhiều ngành, nhiều DN làm gia công, làm thuê cho nước ngoài. Còn chăn nuôi, một số công ty, trại chăn nuôi của ta không cạnh tranh nổi với nước ngoài cũng lần lượt làm gia công. Nông nghiệp cũng đang đi vào con đường làm thuê cho nước ngoài và nông nghiệp cũng làm gia công là điều khó tưởng tượng nổi.
Trồng trọt cũng đã đáng báo động khi các trái cây, rau, củ… nước ngoài tràn vào nước ta tăng vọt mỗi năm, các nông sản do ta trồng đang khó tiêu thụ ngay trên sân nhà vì sản phẩm nông nghiệp nước ngoài có chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn sản phẩm cùng loại của ta. Robert John Nissen chuyên gia nông nghiệp người Úc làm việc ở Việt Nam từ năm 1998 trong Chương trình nông nghiệp của Chính phủ Úc triển khai tại Việt Nam. Suốt 15 năm qua. R.J.Nissen đã làm việc trực tiếp với nông dân ta ở nhiều tỉnh, thành phố từ Nam đến Bắc. Ông đã tận mắt chứng kiến nhiều thay đổi ở nông thôn ta và nhận xét, so với một số nước cùng khu vực nông nghiệp ta còn kém xa. Tốc độ và khả năng tiếp cận với công nghệ, khoa học-kỹ thuật, ứng dụng những lợi thế của khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng còn mới mẻ với ta.
Ngay cả nhiều kiến thức cơ bản như hái trái cây, giữ gìn, vận chuyển thế nào để tỷ lệ trái cây hư hỏng ít nhất nhằm bán được giá tương đối đã là khó với nông dân Việt Nam, chưa nói đến việc phải áp dụng nhiều biện pháp khoa học – công nghệ vào sản xuất. Phát biểu với báo Tuổi trẻ ngày 14-7-2013 về nông nghiệp ta hiện nay, R.J.Nissen đã chia sẻ nỗi lo lắng của ông, xin trích: “Nếu không tìm cách hỗ trợ, cung cấp thông tin cho nông dân, hướng dẫn họ cách sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất,những nông dân cần cù, yêu thương đồng ruộng, hết lòng với sản phẩm của mình sẽ “chết” trên chính mảnh đất mà cha ông họ đã bỏ bao mồ hôi,nước mắt để xây dựng và giữ gìn nó. Nhìn một cách rộng hơn, thị trường nông nghiệp Việt Nam cũng sẽ chẳng mấy chốc lọt vào tay người khác”.
Chưa bao giờ nông nghiệp lại khó khăn chồng chất như hiện nay. Cơ giới hóa nông nghiệp của ta rất thấp, khoa học – công nghệ trong nông nghiệp còn thô sơ, chứng tỏ rất thiếu vốn, thiếu ngoại tệ nhập máy móc và khoa học-công nghệ. Ta đầu tư cho nông nghiệp hoàn toàn chưa tương xứng với các nguồn lợi lớn hàng năm nông nghiệp mang lại trong khi đó ta đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước thừa thãi, các tập đoàn, tổng công ty giữ một lượng vốn khổng lồ, hàng tỷ USD “chôn” trong các doanh nghiệp nhà nước. Đã đến lúc Nhà nước phải đầu tư cho nông nghiệp nhiều hơn, tái cơ cấu nông nghiệp phải triệt để vì năng suất lao động trong nông nghiệp rất thấp, không đứng vững trong cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Nông nghiệp bắt đầu đổi mới lần thứ hai, một cuộc đổi mới ở nông thôn theo hướng có sự tác động tích cực, mạnh mẽ của khoa học – công nghệ để có thể theo kịp nông nghiệp một số nước cùng khu vực.
Cần đổi mới hẳn cả cách tiếp cận với thực tế nông thôn của cơ quan đầu não, của lãnh đạo trung ương. Lâu nay lãnh đạo trung ương về các địa phương thường chỉ nghe lãnh đạo tỉnh, huyện báo cáo và ít lắng nghe nông dân! Gánh nặng phí và lệ phí là nỗi kinh hoàng của nông dân, kéo dài hàng chục năm, Quốc hội và Chính phủ không biết là một trong nhiều ví dụ điểm hình để thấy lãnh đạo trung ương đã xa nông thôn, xa nông dân. Cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước thường xuyên lắng nghe nông dân, lắng nghe những cán bộ về hưu và những cựu chiến binh ở xóm ấp, nắm vững tình hình nông thôn, nông nghiệp, chắc chắn nông nghiệp không thể thua kém như hiện nay. Lãnh đạo trung ương giảm hẳn thời gian ở thành phố, bớt hẳn các cuộc họp, dành thời gian thích đáng về nông thôn, sống trong nông dân, chắc chắn tham nhũng không thể hoành hành ở nông thôn và nông thôn sẽ khởi sắc.
Theo ĐĐK