Kinh nghiệm của Hàn Quốc về phát triển nông thôn

Lượt xem: 98

Đến nay nền kinh tế của Hàn Quốc đã vươn lên đứng thứ 12 trên thế giới, thu nhập bình quân/đầu người là 16.700 USD (năm 2005). Bí quyết tạo nên sự thành công đó là sự tận tâm và sáng kiến của các nhà lãnh đạo đã đưa ra các chính sách cạnh tranh đúng đắn và sự hợp tác, sự phát huy nội lực từ cộng đồng nông thôn thông qua mô hình phát triển làng mới – Saemaul Undong.

Hàn Quốc những năm 1960 là giai đoạn đói và nghèo. Người dân tuyệt vọng vào tương lai và phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của bên ngoài. Năm 1967 tỷ lệ đói nghèo là 34%, GDP/đầu người là 85 USD, nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp trong khi hạn hán, lũ lụt thường xuyên xảy ra, sản lượng nông nghiệp rất thấp.

Nỗi lo lớn nhất của Chính phủ là làm sao thoát khỏi đói nghèo, năm 1962 Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm tập trung nỗ lực trên cả hai lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp với mục tiêu là vượt qua đói nghèo và đạt được những thành tựu trong phát triển nông thôn. Các viện nghiên cứu nông nghiệp đã tổ chức lại thành Văn phòng phát triển nông thôn. Nghiên cứu và khuyến nông trực thuộc văn phòng này, mục đích là để phối hợp hiệu quả giữa nghiên cứu và khuyến nông. Thực tế cho thấy sự phối hợp này rất đúng đắn và đã đạt được những thành tựu đáng chú ý với các kết quả nghiên cứu nổi bật và chuyển giao kết quả nghiên cứu đến nông dân rất hiệu quả. Bên cạnh đó Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc sản xuất vật liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, máy nông nghiệp,…Từ năm 1961 đến năm 1967, 5 nhà máy phân bón hiện đại quy mô vừa và nhỏ được xây dựng trong nước.

Cộng đồng nông thôn trong những năm 1970

Trong lịch sử phát triển nông thôn của Hàn Quốc, những năm 1970 là giai đoạn có ý nghĩa nhất, nông dân đã có khả năng tự cung tự cấp gạo và đặc biệt trong giai đoạn này họ trở nên tự tin vào khả năng của họ để thay đổi số phận.

Văn phòng phát triển nông thôn đã đạt được thành tựu phi thường với các giống gạo có năng suất cao, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ và sự hợp tác chặt chẽ giữa nghiên cứu và khuyến nông các giống lúa này được trồng với diện tích chiếm 60%. Năm 1976, lượng gạo sản xuất ra vượt quá nhu cầu nội tiêu. Năm 1979, đất nước đã tự cung tự cấp được phân bón cho hàng loạt các cây trồng như rau, hoa, quả, cây dược liệu,… thậm chí còn có khả năng xuất khẩu.

Phong trào Saemaul Undong

Lũ lụt năm 1969, người dân phải tu sửa lại nhà cửa và đường xá mà không có sự hỗ trợ từ chính phủ điều này làm tổng thống Park Chung Hee suy nghĩ rất nhiều là làm sao tìm ra cách để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tổng thống nhận ra rằng sự trợ giúp của Chính phủ cũng vô nghĩa nếu người dân không tự giúp chính mình, hơn nữa khuyến khích nội lực trong cộng đồng nông thôn và mở rộng hợp tác là chìa khóa phát triển nông thôn, ý tưởng này chính là nền tảng của phong trào Saemaul Undong.

Saemaul là sự kết hợp của “Sae” có nghĩa là “mới” và “maul” có nghĩa là ngôi làng. Saemaul là phát triển hoặc cải cách cộng đồng thành một nơi tốt đẹp hơn. Cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ cho tôi mà còn cho tất cả mọi người, không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần lạc quan cho thế hệ mai sau.

Chiến dịch Saemaul Undong bắt đầu từ năm 1970 với mục tiêu nâng cao điều kiện sống của người dân nông thôn. Chính phủ tập trung vào các dự án đem lại sức sống mới cho làng như sửa sang nhà cửa, lợp lại các mái nhà, mở rộng đường, xây cầu, mở rộng đường nội đồng, xây dựng phòng giặt ủi cộng đồng, xây dựng trung tâm cộng đồng, xây dựng các cơ sở cung cấp nước, cải thiện hệ thống sông và tăng thu nhập cho người dân thông qua trồng trọt để thu hoa lợi, thực hiện và duy trì chiến dịch xóm làng sạch sẽ và chiến dịch tiết kiệm. Cải thiện chế độ ăn uống, chiến dịch chi tiêu thông minh, chiến dịch tái chế, chiến dịch đọc sách, chiến dịch đào tạo và các chiến dịch khác.

Càng về sau các dự án môi trường càng được tăng thêm. Hiệu quả của dự án trước được nghiên cứu rất kỹ để triển khai tiếp các dự án mới. Nhà tranh vách đất dần được thay thế bằng nhà mái ngói và tường xây, khắp nơi trên các làng xã đường phố được mở rộng, đê điều được tu bổ và cầu cống được xây dựng, làng xã phát triển chóng mặt, người dân nông thôn lấy lại sự tự tin vốn có. Ngoài ra Chính phủ còn cho xây dựng các nhà máy ở nông thôn để gia tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, các kỹ thuật canh tác tiên tiến cũng được người dân chú trọng và làm theo, thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Bộ mặt nông thôn bắt đầu có dấu hiệu của đô thị. Đi kèm với việc phát triển hạ tầng và tăng cường các cơ sở đào tạo nghề nông, mỗi xã có một thư viện được trang bị các sách về tiến bộ KHKT, cách canh tác mới, các loại giống mới được đưa vào sản xuất như nấm, cây thuốc lá,…đời sống nông thôn nâng cao rõ rệt. Đến năm 1974 thu nhập ở nông thôn cao hơn thành thị, năm 1977, 98% xã có thể độc lập về kinh tế. Các khoản tiết kiệm của người dân nông thôn tăng lên khoảng 30 lần từ 1971-1979.

Phong trào Saemaul Undong bắt đầu từ các cộng đồng nông thôn và lan rộng trên toàn quốc, đến thành phố, trường học, công sở, nhà máy. Phong trào này không đơn thuần là một kế hoạch hành động mà còn là cuộc cải tổ về ý thức dựa trên tinh thần, đã làm là được, tất cả đều có thể làm được, nhất định phải làm.

Quan điểm của Hàn Quốc là không kêu gọi đầu tư nước ngoài cho nông nghiệp vì lo ngại lợi nhuận các công ty hưởng còn nông dân suốt đời làm thuê. Chủ trương của chính phủ là đầu tư hạ tầng để nông dân tự mình đứng lên, sản xuất chế biến tại chỗ. Nông dân là người chủ đích thực. Cùng lúc đó Chính phủ Hàn Quốc áp dụng chính sách miễn thuế xăng dầu, máy móc nông nghiệp, giá điện rẻ cho chế biến nông sản, cho nông dân thuê máy nông nghiệp. Ngân hàng Nông nghiệp cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư về nông thôn lãi suất giảm 2% so với đầu tư vào ngành nghề khác…Năm 2005 nhà nước có hẳn đạo luật mọi hoạt động của các bộ, ngành, chính quyền phải hướng về nông dân. Mỗi làng một doanh nghiệp hoặc vài doanh nghiệp gắn đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Các ngành phải trợ giúp nông nghiệp nâng cao đời sống nông dân và ngư dân. Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, nông sản Hàn Quốc phải cạnh tranh với nông sản của nước ngoài ngay cả ở thị trường trong nước. Nông dân Hàn Quốc bắt đầu sử dụng công nghệ tiên tiến, họ phải sản xuất theo định hướng thị trường và phải cẩn thận trong việc sử dụng vật liệu đầu vào để sản xuất nông sản có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường. Trong thế kỷ 21, Saemaul Undong tập trung vào thiết lập một cộng đồng hợp tác thông qua đó các thành viên sẽ nỗ lực để giải quyết một loạt các vấn đề xã hội với nhau. Chú trọng đến đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống, Saemaul Undong đi đầu trong phong trào về môi trường và cải cách các tư tưởng để hình thành sự đoàn kết trong nhân dân. Ngoài ra Saemaul Undong còn chia sẻ kinh nghiệm của mình với các quốc gia kém phát triển góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển của toàn thế giới.

Theo KNQG