Kỹ thuật ủ chua rau xanh

Lượt xem: 227

– Loại bỏ lá già, vàng và rễ cứng. Băm rau dài khoảng 0,5 – 1cm.

– Phơi rau đến khi tỷ lệ nước bay hơi đạt 40 – 45% đối với khoai lang; 50 – 60% đối với bèo Nhật Bản. Riêng thân, lá cây ngô không cần phơi héo, chỉ bỏ phần gốc và lá vàng, băm xong rải mỏng trong bóng mát, tiến hành ủ ngay.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, phơi 2 – 4 giờ là đủ. Trong quá trình phơi nên đảo thường xuyên để nguyên liệu héo nhanh và đều. Nên thu hoạch lượng rau xanh vừa đủ để tiến hành băm, phơi héo và ủ trong một ngày. Tiến hành ủ càng nhanh càng tốt để giảm mức độ hao hụt chất dinh dưỡng.

Cân nguyên liệu: Sau khi phơi héo, nguyên liệu được thu gom lại, để chỗ mát cho nguội và cân theo tỷ lệ: 93,5% rau xanh các loại đã phơi héo + 0,5% muối ăn + 6% bột sắn (hoặc bột ngô, gạo, cám gạo).

Trộn và ủ: Nguyên liệu sau khi cân được trộn đều. Để đảm bảo lượng muối được trộn đều trong thức ăn nên trộn muối với các phụ gia trước, sau đó mới trộn hỗn hợp này với rau xanh.

Nên ủ trong 3 lớp bao (trong là bao dứa, giữa là nylon, ngoài là bao dứa). Nên cho hỗn hợp thức ăn vào bao theo từng lớp, sau mỗi lớp 15 – 20cm dùng tay nắm lại như quả đấm, nén mạnh cho không khí ra khỏi khối thức ăn. Nén càng mạnh, càng chặt càng tốt, lưu ý không làm rách bao. Nén xong đẩy hết không khí ra ngoài rồi buộc kín bao ủ.

Cất giữ: Những bao chứa thức ăn ủ chua cần được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh chuột, bọ, gián… cắn thủng bao, không khí sẽ xâm nhập làm mốc, thối thức ăn.

Sau khi ủ 14 ngày có thể cho gia súc ăn.

Chú ý: Không nấu chín thức ăn ủ chua vì sẽ làm mất vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Lợn nái, lợn thịt trên 50kg cho ăn 2 – 3kg/ngày; lợn choai 20 – 30kg ăn 1 – 2kg/ngày.

Thanh Nguyên