Các con số cần lưu ý khi kiểm tra sức khoẻ

Lượt xem: 129

Chu vi vòng eo

Con số này rất hữu ích trong việc đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ, ngưng thở khi ngủ, và bệnh tim. Chuyên gia y tế cho hay, phép đo này có thể cho họ biết rõ hơn về nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn của bệnh nhân hơn cả chỉ số cân nặng.

Vòng eo là một chỉ số về chất béo nội tạng (hoặc “bụng”), đây là chất béo bao quanh các cơ quan nội tạng. Chất béo nội tạng là yếu tố tiên đoán chính xác hơn nhiều về các nguy cơ bệnh tật liên quan đến béo phì hơn là chất béo khác trong cơ thể.

Số lượng cốc nước mỗi ngày

Cấp nước là ưu tiên hàng đầu cho cơ thể nhưng rất nhiều người trong chúng ta không biết cơ thể mình đang cần bao nhiêu nước.

Giữ cho cơ thể luôn được cấp nước là điều cần thiết cho sức khoẻ tổng thể của chúng ta, tuy nhiên cần nhớ rằng quan niệm cần uống 8 cốc nước mỗi ngày là quan niệm sai lầm. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng nước mà mỗi cá nhân cần cung cấp đủ cho cơ thể như tuổi tác, giới tính, mức độ hoạt động và khí hậu, vì vậy thay vì đưa ra con số cụ thể cốc nước nên uống mỗi ngày, chúng ta nên kiểm tra nước tiểu.

Nước tiểu vàng nhạt hoặc sáng màu chứng tỏ cơ thể đã đủ nước, nếu bất kỳ lúc nào nước tiểu sẫm màu hơn có nghĩa rằng hãy uống thêm nước vào nhé.

Số đo huyết áp

Huyết áp là một con số khác mà chúng ta nên chú ý và cố gắng kiểm soát để duy trì sức khoẻ tổng thể của bản thân và gia đình.

Khi bệnh tăng huyết áp không kiểm soát, một biến chứng rất nghiêm trọng có thể xảy ra là xơ vữa động mạch. Về cơ bản, huyết áp ở mức cao một phần làm hư hại các mạch máu quan trọng trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ.

Mặc dù không nhất thiết phải kiểm tra huyết áp của chính mình hàng ngày, nhưng hãy nhớ đến chỉ số này để có lịch trình kiểm tra hợp lý nhằm duy trì trong phạm vi bình thường. Nó thật sự quan trọng hơn những gì chúng ta nghĩ về nó.

Lượng rau ăn vào

Khi nói đến chế độ ăn uống, các bác sĩ sẽ xem xét số lượng trái cây và rau quả một người ăn hàng ngày cũng như trung bình số lượng thực phẩm đã qua chế biến và thực phẩm có chỉ số glycemic cao. Theo Trường Y khoa Harvard, thức ăn có chỉ số glycemic cao là những thực phẩm làm tăng lượng đường trong máu. Điều này thường được nhắc đến khi nói về khái niệm bệnh tiểu đường.

Theo quy luật chung, càng nhiều trái cây và rau quả chúng ta ăn mỗi ngày – đặc biệt là rau quả không có tinh bột, sức khoẻ tổng thể sẽ tốt hơn nhiều, bởi vì trái cây và rau quả có hàm lượng dinh dưỡng cao, nghĩa là mỗi calo chúng cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng khoẻ mạnh như vitamin và khoáng chất.

SFGate báo cáo rằng 4 đến 5 khẩu phần rau được khuyên nên ăn hàng ngày cho những người ăn 2.000 calo mỗi ngày. Ăn tất cả mọi thứ từ lá xanh đậm đến các cây họ đậu sẽ giúp bạn có nhiều chất dinh dưỡng và vitamin.

Mức cholesterol

Chỉ số cholesterol cũng là một yếu tố không được bỏ qua khi nói về vấn đề sức khoẻ. Mức cholesterol tốt hay xấu đều có ý nghĩa lâm sàng. Khi chúng ta ở tầm tuổi 20, cần theo dõi mức cholesterol ít nhất 5 năm một lần.

Nếu chúng ta có các nguy cơ sức khoẻ khác, con số này có thể cần được kiểm tra thường xuyên hơn. Ngoài ra, mức cholesterol cũng có thể chỉ ra yếu tố nguy cơ cao về bệnh tim.

Theo Dân trí