PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Lượt xem: 163

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp trong cả nước, nhất là ở các tỉnh phía Bắc có số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao, riêng tại Hà Nội, mỗi ngày có khoảng hơn 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện. Để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết chúng ta cần nắm rõ đặc điểm, biểu hiện bệnh, cách phòng, tránh bệnh sốt xuất huyết để tránh những biến chứng đáng tiếc do bệnh sốt xuất huyết gây ra.

1.Đặc điểm bệnh:

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút dengue gây ra.

Muỗi vằn đốt người bệnh, sau đó truyền vi rút sang cho người lành qua vết đốt.

Bệnh SXH do 04 týp vi rút gây ra, do vậy một người có thể mắc nhiều lần, mỗi lần mắc chỉ có miễn dịch với một týp. Mọi lứa tuổi khi chưa có miễn dịch với sốt xuất huyết đều có thể mắc bệnh. Người lớn hay trẻ nhỏ mắc bệnh đều rất nguy hiểm, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi dễ chuyển thể nặng có thể tử vong.

SXH xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.

  1. Biểu hiện của bệnh:

+ Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày.

+ Dấu hiệu xuất huyết có thể ở nhiều mức độ khác nhau như: các nốt, chấm/mảng xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, chảy máu tiêu hoá, hành kinh kéo dài…

+ Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn.

+ Da xung huyết, phát ban.

+ Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

+ Vật vã, li bì.

+ Đau bụng vùng gan hoặc ấn vùng gan thấy đau.

Bệnh chuyển sang nguy hiểm thường ở ngày sốt thứ 3 đến ngày thứ 6, người bệnh mệt lả đi, chân tay lạnh, da tái, tiểu ít, bứt rứt, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, nặng hơn không đếm được mạch, không đo được huyết áp…

Khi nghi ngờ mắc bệnh SXH cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Không nên tự dùng thuốc, thể dẫn đến nguy hiểm.

3.Chăm sóc người bệnh:

+ Nghỉ ngơi.

+Ăn nhẹ: cháo, sữa, súp.

+ Uống nhiều nước.

Đối với trẻ nhỏ khi bị sốt xuất huyết thì không nên cho trẻ uống những loại nước có màu đỏ, nâu, đen, nước trái cây sậm màu, dưa hấu hoặc có gas như nước ngọt…

Nên cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu như cơm nhão, cháo, súp, sữa. Tránh ăn những thức ăn quá nhiều dầu mỡ, trẻ sẽ thấy đầy bụng, khó tiêu.

Tuyệt đối không cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, không cạo gió, không kiêng ăn, không nhịn uống,….

Các bà mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay nếu thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sau: uống thuốc hạ sốt mà vẫn còn sốt cao; li bì hoặc bứt rứt; ói nhiều; đau bụng nhiều; xuất huyết; tay chân lạnh;…

  1. Cách phòng tránh:

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bệnh do muỗi vằn đốt, muỗi truyền bệnh từ người bệnh sang người lành do đó có thể gây thành dịch.

Biện pháp phòng chống SXH chủ động, hiệu quả nhất là: diệt muỗi, lăng quăng và bọ gậy.

Hãy làm ngay một số việc đơn giản như:

– Mặc quần áo dài khi làm việc ban ngày, nhất là ở nơi có nhiều muỗi. Ngủ màn cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ bị muỗi đốt.

– Xoa thuốc chống muỗi đốt lên những vùng da hở để bảo vệ cả ngày lẫn đêm.

– Đậy kín lu, vại, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ trứng. Hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra, thả cá để ăn lăng quăng, bọ gậy.

– Dụng cụ chứa nước mưa, chum vại vỡ thì phải úp xuống không để đọng nước. Rác thải như non bia, túi ni lông, vỏ sữa chua, rác thải… phải đem đốt hoặc chôn lấp.

– Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật dụng chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ vỡ, lốp xe hỏng…), thay nước bình hoa mỗi ngày, đổ dầu hoả hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến kê chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Trong giai đoạn dịch bệnh SXH đang bùng phát, trong thôn, xóm, tổ dân phố phải tổng vệ sinh sạch sẽ đường làng, ngõ xóm.

– Có thể dùng các biện pháp diệt muỗi như: đốt hương diệt muỗi, phun thuốc diệt muỗi (chỉ dùng thuốc diệt muỗi theo đúng liều lượng quy định của Bộ Y tế).

syt.bacgiang.gov.vn