Hàng hóa thế giới tuần 12-19/11: Giảm mạnh

Lượt xem: 138

Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua một tuần biến động rất mạnh. Phiên cuối tuần, giá hầu hết các hàng hóa đồng loạt giảm. Dầu tăng mạnh phiên đầu tuần nhưng giảm mạnh trở lại vào cuối tuần, và tính chung trong tuần giảm giá – lần đầu tiên giảm kể từ đầu tháng 10 do lo ngại về khủng hoảng nợ ở châu Âu và các nhà đầu tư bán ra mạnh mẽ để kiếm lời sau 6 tuần tăng giá.

Thị trường nông sản từ ngô tới cacao và đường cũng đồng loạt giảm theo xu hướng giá dầu, khi mà lượng tồn kho tăng lên và triển vọng nhu cầu yếu kém thúc đẩy các nhà đầu tư bán ra.

Các kim loại cơ bản và kim loại quý tuần qua dao động thất thường, nhưng tính chung trong tuần cũng đồng loạt giảm.

Tuần qua, các nhà đầu tư đã chuẩn bị tinh thần cho những cú sốc lớn hơn từ khủng hoảng nợ eurozone, và có thể từ những số liệu kinh tế gây bất ngờ từ Mỹ, bao gồm cả số liệu về bán nhà, lạm phát và thất nghiệp.

Nhiều nhà đầu tư lúc này giữ thái độ chờ đợi, tránh lỗ nặng do diễn biến giá quá thất thường.

Chỉ số 19 nguyên liệu Reuters-Jefferies CRB mất hơn 3% chỉ trong 2 ngày cuối tuần.

Dầu thô tại New York sụt giảm trong phiên giao dịch cuối tuần khi giới đầu tư dự đoán rằng sự đảo chiều của đường ống dẫn dầu Seaway trong năm tới sẽ không đủ để giảm bớt dư thừa và điều hòa dòng chảy dầu tại Cushing, Oklahoma.

Tính chung trong tuần qua, dầu thô Mỹ giảm 1,58 USD, tương đương 1,6%, đây cũng là tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần của hợp đồng này. Hợp đồng này kết thúc vào hôm qua.

Chênh lệch giữa dầu Brent và WTI tăng 60 cents lên 9,89 USD/thùng. Mức chênh lệch này đã giảm đáng kể sau khi Enbridge Inc và Enterprise Products Partners cho biết họ dự định đảo ngược dòng chảy của đường ống dẫn dầu Seaway.

Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, tính tới 11/11, tồn kho dầu tại Cushing, điểm giao hàng dầu thô Mỹ cho các hợp đồng giao dịch tại New York đã tăng 2,9%, lên 32 triệu thùng. Dự trữ cũng tăng 6,3% kể từ khi xuống mức thấp nhất hơn 6 tháng là 30,1 triệu thùng

Bên cạnh đó, nỗi lo khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn tiếp tục bao trùm thị trường dầu mỏ, nhất là nguy cơ Tây Ban Nha – nền kinh tế lớn thứ tư Eurozone – sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo cần tới cứu trợ đang trở nên hiện hữu.

Trên thị trường kim loại, giá đồng giảm 2,5% trong tuần qua, xuống 3,4020 USD/lb. Các nhà kinh doanh tỏ ra thận trọng hơn trước mối lo ngại nợ công châu Âu sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu thời gian tới, thu hẹp nhu cầu sản xuất công nghiệp. Tình hình đình công kéo dại tại mỏ Grasberg tại Indonesia vẫn tiếp tục căng thẳng, bạo lực leo thang, nhưng vẫn không đủ để hỗ trợ giá đồng tăng.

Trên thị trường kim loại quý, vàng giảm giá 3,6% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ tuần đầu tháng 10. Trong 5 phiên giao dịch thì có tới 3 phiên thị trường đi xuống.

Đồng USD mạnh gây sức ép lên nhu cầu của giới đầu tư đối với vàng cũng như các loại hàng hóa khác được định giá bằng đồng bạc xanh, khiến giá vàng trở nên kém haapss dẫn.

Chỉ số đồng USD – thước đo giá trị của “đồng bạc xanh” trong rổ tiền tệ gồm 7 đồng tiền chủ chốt – đã bất ngờ tăng từ 76,947 cuối tuần trước lên 77,489, do những lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu khiến giới đầu tư tiếp tục đổ vốn vào các tài sản có độ an toàn cao hơn như đồng USD.

Việc hai nền kinh tế đầu tàu Đức và Pháp vẫn còn bất đồng trước khả năng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có nên can thiệp sâu hơn để kiềm chế tốc độ leo thang của cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone hay không đang tạo áp lực lớn lên thị trường vàng.

Theo các nhà phân tích, tâm lý chung trên thị trường hiện nay là đồng USD đang khá đắt để vay mượn, trong khi nguồn cung tiền đang bị siết chặt hơn, khiến nhiều nhà đầu tư phải bán vàng đi để mua vào đồng bạc xanh nhằm đáp ứng các nhu cầu về tiền mặt.

Tuy nhiên, lo ngại cuộc khủng hoảng nợ còn xa mới tới hồi kết nên giới đầu tư vẫn tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn. Do vậy kim loại quý này mới chỉ giảm sức hấp dẫn đôi chút khi đồng USD mạnh lên cùng với sự xuống giá của dầu thô. Nhưng lãi suất trái phiếu của nhiều nước châu Âu như Italy, Pháp liên tục bị đẩy lên cao tới mức khó chấp nhận trong dài hạn, thậm chí cao gấp đôi lãi suất trái phiếu chính phủ Đức, vốn được coi là an toàn nhất, cho thấy nhiều nguy cơ đang tiềm ẩn trên các thị trường tài chính và giá vàng sẽ còn tăng, cho dù đồng USD mạnh hơn phần nào cản trở hoạt động mua vào.

Hội đồng vàng thế giới cho biết, nhu cầu vàng trong quý III đã tăng 6% lên mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, do hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương và nhu cầu tìm đến vàng để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu. Riêng các ngân hàng trung ương đã mua vào gần 150 tấn vàng, nâng tổng số vàng đã mua trong năm lên 208,9 tấn.

Nhiều chuyên gia vẫn tin tường trong trung hạn vàng sẽ tiếp tục tăng giá, trở lại 1.900 USD/ounce và sau đó lên 2.000 USD/ounce.

Cà phê nằm trong số ít những mặt hàng tăng giá trong tuần qua, nhưng mức tăng không đáng kể. Thông tin về thời tiết ở Trung Mỹ tác động mạnh đến nguồn cung. Mưa lớn và sạt lở đất ở El Salvador và Colombia khiến cho sản lượng cà phê Arabica sạch có thể sẽ khan hiếm hơn nữa. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Brazil cho rằng, sản lượng vụ mùa 2012/13 sẽ không đạt kỷ lục như mong đợi mặc dù ở chu kỳ cây cà phê cho sản lượng cao, ngược lại sẽ giảm 15% sản lượng so với vụ 2010/11 vì thời tiết khô hạn, không có mưa suốt 4 tháng qua kể từ sau khi cây cà phê nở hoa. Tuy nhiên, nỗi lo về khủng hoảng nợ công cũng không bỏ qua thị trường cà phê.

Giá hàng hóa thế giới

Hàng hóa

ĐVT

19/11

12/11

+/-(so với đầu năm)

Dầu thô WTI

USD/thùng

97,64

99,22

6,9%

Dầu thô Brent

USD/thùng

107,64

114,00

13,6%

Khí thiên nhiên

USD/gallon

3,316

3,584

-24,7%

Vàng giao ngay

USD/ounce

1725,10

1788,10

21,4%

Vàng kỳ hạn

USD/ounce

1722,89

1787,75

21,3%

Đồng Mỹ

US cent/lb

340,20

346,35

-23,5%

Đồng LME

USD/tấn

7525,00

7639,20

-21,6%

Dollar

78,024

76,911

-1,3%

CRB

312,210

320,200

-6,2%

Ngô Mỹ

US cent/bushel

610,25

638,50

-3,0%

Đậu tương Mỹ

US cent/bushel

1168,25

1166,00

-16,2%

Lúa mì Mỹ

US cent/bushel

598,25

616,75

-24,7%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

234,20

233,95

-2,6%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2308,00

2489,00

-24,0%

Đường Mỹ

US cent/lb

23,97

25,00

-25,4%

Bạc Mỹ

USD/ounce

32,417

34,682

4,8%

Bạch kim Mỹ

USD/ounce

1587,00

1645,20

-10,8%

Palladium Mỹ

USD/ounce

605,15

662,80

-24,7%

(T.H tổng hợp từ Reuters)

Theo Vinanet